Chuyện kể những vũ khí tự tạo

Chuyện kể những vũ khí tự tạo

Tôi gặp ông vào một ngày giữa tháng tư kèm theo một yêu cầu cụ thể: “Xin được nghe kể về một thứ vũ khí đặc biệt, tối tân nhất mà lực lượng quân giới Nam bộ đã chế tạo được trong 2 cuộc chiến tranh vệ quốc”. Ông không trả lời mà lẳng lặng dắt tôi đi xem từng món trong bảo tàng…

Những câu chuyện xưa bỗng trở về trong một gian phòng nhỏ. Không nhiều thông số kỹ thuật, không có những ngày tháng, số liệu cụ thể, khó nhớ như trong sách lịch sử quân giới, cũng không được cách điệu bằng nhân vật, tình tiết lôi cuốn như trong phim, câu chuyện giản dị được kể bằng chất giọng chân chất của ông già 83 tuổi - phụ trách phòng trưng bày vũ khí tự tạo thuộc Bảo tàng Lực lượng vũ trang miền Đông Nam bộ TPHCM vẫn có sức lôi cuốn  kỳ lạ…
 
Chế vỏ đạn từ… thiếc lá chợ trời
 

Chuyện kể những vũ khí tự tạo ảnh 1

Bác Nguyễn Tấn Hoài thuyết minh về những vũ khí tự tạo của quân giới Nam bộ. Ảnh: MAI HƯƠNG

Thời thiếu đạn, thiếu súng, với mỗi khẩu súng, chiến sĩ chỉ được phát 5 viên đạn. Súng giặc thì bắn  mỗi lần cả băng đạn, trong khi mình mỗi lần bắn 1 viên lại phải lấy cây sắt thọt phần vỏ đạn ra rồi mới bắn tiếp. Vỏ đạn bắn rồi phải lượm về “o bế” lại, gắn đầu đạn dùng tiếp. Đứng trước tình hình đó, ngành quân giới quyết tâm chế cho được vỏ đạn phục vụ chiến trường.

Không có máy móc, vật liệu chuyên dụng, anh em nghĩ cách chế vỏ đạn bằng… thiếc lá vẫn bán đầy ngoài chợ trời. Thiếc lá mua về được “sơ chế” bằng cách cắt ra thành từng miếng tròn nhỏ như đồng xu để chuẩn bị cho công đoạn ép, nắn và vuốt.

Những người nghĩ ra cách chế tạo máy ép đầu tiên là 4 ông già từng làm công nhân sản xuất nắp thùng dầu hỏa. Sau nhiều ngày mày mò, thử nghiệm, một máy ép  với bộ phận cơ bản gồm phần “cối” và “chày” đã được hoàn thành. Từ miếng thiếc mỏng, hình tròn được cho vô khuôn ép rồi nắn, vuốt dần thành ống hình trụ rỗng ruột. Nắn đúng 14 lần thì chiếc vỏ đạn thành hình.

Mô hình được nhân rộng: với mỗi dây chuyền gồm 50 người đứng máy trong 1 ngày có thể làm ra 500 vỏ đạn, đủ sức cung ứng cho chiến trường. Nhờ giữ bí mật tuyệt đối, giặc không ngờ ta có thể chế vỏ đạn bằng một vật liệu tầm thường như thiếc lá nên không cấm mặt hàng này, thiếc lá vẫn được bán rộng rãi ở chợ, trở thành nguồn cung cấp nguyên liệu chủ yếu của ta.
 
Nấu gang bằng than, đất gò mối thay đất chịu lửa
 
Không thể dựa mãi vào nguồn lựu đạn lép nhặt được của địch, ngành quân giới nghĩ cách chế tạo lựu đạn. Muốn chế vỏ lựu đạn phải nấu chảy gang. Nhiên liệu duy nhất có thể cung cấp nhiệt độ lên đến vài ngàn độ để nung chảy gang chỉ có than đá. Thế nhưng, trong hoàn cảnh chiến tranh tìm đâu ra than đá?

Thời gian đầu, anh em nghĩ cách dùng than đá non móc được ở vùng Đồng Tháp Mười nấu tạm. Trong vùng trũng Đồng Tháp Mười, anh em quân giới và người dân thay nhau dàn hàng ngang, đi chân đất dò từng mét đất trên những cánh rừng tràm, cố tìm những thân tràm bị vùi trong bùn nhưng chưa thành than đá, được gọi là than đá non.

Được một thời gian, nguồn than đá non cũng cạn. Một hướng mới được vạch ra: Nếu cung cấp lượng ô xy thật nhiều thì than củi cũng có hy vọng đạt được nhiệt độ mong muốn. Muốn có ô xy nhiều thì phải quạt, mà là quạt điện thổi trực tiếp mới mong nấu được gang. Vùng kháng chiến không có điện. Cái khó ló cái khôn, một “máy phát điện” thủ công được tạo ra bằng cách cho 2 người liên tục đạp xe đạp tạo điện năng quay cánh quạt ngay gần bếp lửa.

Lo được nhiên liệu nấu gang rồi, chuyện chế lò nấu cũng là một chuyện đau đầu. Lò nấu gang đạt tiêu chuẩn phải chế tạo bằng đất chịu nhiệt nhập ngoại. Sau khi thử hàng trăm lần với các loại đất khác nhau tại các vùng miền, cuối cùng, ta cũng tìm được chất liệu thay thế tuyệt vời: đất gò mối.
 
Phải mất 2 năm tìm tòi, thử nghiệm, hệ thống nấu gang chế vỏ lựu đạn mới hoàn thành.  Mỗi ngày, chỉ riêng xưởng sản xuất ở Củ Chi có thể nấu gang để đúc từ 300-400 vỏ lựu đạn. Trong thời gian 2 năm chưa sản xuất được lựu đạn, bộ đội ta dùng tĩn nước mắm bỏ thuốc pháo và miểng chai thay lựu đạn. Tiếng nổ phát ra từ “mìn tĩn nước mắm” cũng rất vang, dù mức độ sát thương không cao nhưng cũng chứng tỏ được với giặc là Việt Minh vẫn hiện hữu, khiến giặc không thể ăn ngon ngủ yên.
 
Bí mật đánh tàu và đồng hồ hẹn giờ phèn chua
 
Có một dạo, báo chí nước ngoài và dư luận cho rằng ta bịa đặt khi công bố những con số về lượng tàu bị đánh chìm bằng thủy lôi. Nghi ngờ đó có cơ sở vì tất cả những đoàn tàu của giặc khi hành quân đều có một tàu rà vớt thủy lôi đi trước nhằm đảm bảo an toàn cho cả đoàn. Sau một thời gian quan sát, nghiên  cứu, bộ đội ta phát hiện thường khi sau khi tàu rà thủy lôi đi được 10 phút thì chiếc đầu tiên của đoàn tàu mới nối đuôi theo.

Nắm  được quy luật này, ta cho chiến sĩ ráo riết tập thả thủy lôi trong vòng từ 5-7 phút. Khi đã nhuần nhuyễn, vừa lúc tàu rà thủy lôi chạy qua, bộ đội, du kích dùng ghe chở thủy lôi ra giữa sông. Thao tác thả và quay trở lại bờ chỉ mất đúng 7 phút.

Để tàu giặc không phát hiện, ta lựa những khúc sông có 2 cua uốn khúc, hai bên bờ rậm rạp um tùm lá dừa nước, ô rô để đánh. Khi tàu rà thủy lôi đã “ôm cua” trước mà tàu phía sau vẫn chưa rẽ vào thì ta mới đột kích thả thủy lôi. Nhờ cách đó, chúng ta vẫn đánh được tàu bất chấp sự cẩn thận rà phá bom, mìn, thủy lôi của kẻ thù.
 
Lịch sử đánh tàu thời chống Mỹ còn ghi nhận sự ra đời của thủy lôi bom. Trái bom cộng với cái phao lập tức biến thành một thứ thủy lôi bập bều có sức phá hủy cực lớn. Vì môi trường được thả là môi trường nước, không dùng đồng hồ hẹn giờ mà hẹn giờ kích nổ bằng cục phèn chua.

Phèn chua được cày trong bom bằng một kỹ thuật đặc biệt. Muốn bom phát nổ sau thời gian bao lâu, cán bộ quân giới sẽ cấp cho chiến sĩ đánh tàu cục phèn to hay nhỏ. Khi cục phèn tan hết cũng là lúc bom phát nổ.
 
Một loại đồng hồ hẹn giờ khác cũng được áp dụng phổ biến trong chiến tranh là đồng hồ hẹn giờ bằng giấy pơ luya. Một bình axit được bố trí nhỏ giọt trên cọc giấy pơ luya. Khi thấm ướt hết giấy pơ luya, axit sẽ tiếp xúc với một thứ hóa chất khác được bố trí phía dưới và lập tức tương tác gây cháy, kích nổ.

Muốn bom nổ nhanh hay chậm chỉ cần thêm bớt cho xấp giấy pơ luya dày hay mỏng mà thôi. Những sáng chế nghe qua chỉ như trò trẻ con mà cực kỳ hiệu nghiệm, chứng tỏ sức sáng tạo phi thường của bộ đội Cụ Hồ….

Cụ Hoài còn kể nhiều chuyện nữa. Mỗi câu chuyện là một chiến công về sức sáng tạo vượt khó phi thường của dân và quân ta trong chế tạo, sử dụng vũ khí phục vụ kháng chiến. Nhiều lần gặp nhau sau đó, ông vẫn không giải đáp câu hỏi về thứ vũ khí ưu việt nhất mà tôi thắc mắc trong buổi gặp lần đầu.

Chỉ tay lên tấm hình chụp chiến sĩ ngồi cưa bom lấy thuốc nổ mà chiến sĩ cười tươi rói, ông bồi hồi: “Mỗi lần thuyết minh với các cháu học sinh đến thăm bảo tàng, tôi vẫn thường nói: Mấy chiến sĩ này ngồi cưa bom mà bình tĩnh như cưa củi. Đáng lẽ mấy ổng phải vừa cưa vừa run vì chỉ cần quả bom phát nổ là tất cả nát vụn như tương. Người chết rồi không có cơ hội nói với người đến sau là tại sao mình chết và phải cẩn thận ở khâu nào… Vậy mà cứ một người ngã xuống là lập tức có người thay thế. Chính sự bình tĩnh, lòng can đảm, sức sáng tạo phi thường mà chúng ta chiến thắng”.  

MAI HƯƠNG (Theo lời kể của ông Nguyễn Tấn Hoài, Chủ nhiệm Ban Liên lạc truyền thống quân giới Nam bộ B2 TPHCM)

Tin cùng chuyên mục