Cô dâu Việt trồng rau ở Chungcheongnam

Phần đông lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm công nhân. Nhưng, Phan Cẩm Lam lại trở thành nông dân trồng rau ở tỉnh miền núi Chungcheongnam, cách Seoul gần 200km. Sợ gọi sai tên cô, tôi hỏi: “Lam tức là xanh lam, sông Lam, nhỉ?”. Cẩm Lam cười: “Lam, tức là lam lũ đó chị”.
Cẩm Lam trong một nhà kính trồng rau ở Hàn Quốc. Ảnh: Jang Geon-seob
Cẩm Lam trong một nhà kính trồng rau ở Hàn Quốc. Ảnh: Jang Geon-seob

Câu nói của Cẩm Lam không hẳn đùa cho vui. Cô mới sang Hàn Quốc được 6 năm mà trồng rau trong 21 nhà kính và một trang trại khoảng 2.000m2. Cái khó của ngành nông nghiệp ở Hàn Quốc chính là mùa đông quá lạnh và kéo dài. Nỗi vất vả của Cẩm Lam khi trụ lại ở Chungcheongnam và phát triển trang trại trồng rau hữu cơ cũng là chuyện thời tiết. “Em ở Cần Thơ ấm áp quanh năm, cũng chỉ biết nghề trồng lúa nước. Sang đây, ở nơi lạnh nhất tỉnh, mùa đông nhiệt độ xuống -18oC, -20oC”.

Người chồng Hàn của Cẩm Lam không phải dân trồng rau chuyên nghiệp. Nhưng khi cưới Lam về làm vợ, anh lại có “sáng kiến” đi thuê nhà trồng rau trong lồng kính để vợ chồng cùng làm. Giới trẻ Hàn bây giờ chẳng ai còn tha thiết cái nghề lam lũ này, người già không còn đủ sức thức khuya dậy sớm nữa. Thế nên nhiều nhà trồng rau trong lồng kính bỏ không, rất uổng phí.

Ở tỉnh Chungcheongnam, ai có trang trại không canh tác, để cỏ trổ bông bay sang hàng xóm, nếu bị hàng xóm kiện đều có thể bị phạt. Để tránh bỏ hoang đất, một ông chủ của mấy nhà trồng rau trong lồng kính mà vợ chồng Cẩm Lam đang thuê đã cho Cẩm Lam trồng thêm rau trên trang trại ngoài trời rộng khoảng 2.000m2.

Thế là Lam trồng củ cải, đậu cô ve, thì là, ngò rí, cải xanh, cải ngồng, rau muống, rau chân vịt, rau má, rau răm... Lăn xả lao động trong 21 cái nhà kính ở 6 nơi, cái nhỏ 100-200m2, cái lớn 400m2. Nhờ nghề nông, cô quen thêm nhiều đồng hương, từ đó được chính quyền cho phép bảo lãnh lao động từ Việt Nam sang phụ giúp. Chị ruột, anh rể và hai em họ cô cũng sang cùng trồng rau ở Hàn.

Trồng rau Việt vất vả hơn vì không có sẵn hệ thống phân phối tới tận trang trại thu mua như trồng rau Hàn. Chỉ có rau răm, húng lủi, bạc hà chịu được thời tiết -1oC, các rau khác vào mùa đông phải dùng máy sưởi vì trong nhà kính không thoáng gió, dễ phát sinh các bệnh nấm rau. Vừa làm Lam vừa lên internet xem đồng hương ở châu Âu chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt. Thời gian đầu thất bại nhiều, đậu cô ve phải trồng ngoài trời chứ trong nhà kính nóng quá không sống nổi; đậu đũa lại cần trong nhà kính để trái thuôn đẹp hơn, trồng ngoài trời trái bị thâm đen...

Rau cũng như người, để cắm rễ được vào vùng đất mới cần nhiều thử nghiệm, quan trọng là phải chú tâm, bền chí. Rau má chịu được lạnh, nhưng Lam bảo phải ươm giống sớm để khi thu - đông đến, cây đã có sẵn rễ khỏe. Chỉ cần che chắn và sưởi ấm giữ gốc không thối thì sang xuân, rễ lại nảy mầm. Rau cải cũng vậy, vào mùa hè, cải của nhiều người bị mất mùa vì sâu bệnh và nóng quá, nhưng Cẩm Lam lại bán được cả 300kg/ngày. “Người ta sợ tốn nhân công, sạ thẳng hạt xuống đất nông nên cây rau không to khỏe. Em chịu khó chọc lỗ sâu thả hạt, cây rau khỏe, năng suất hơn, bán được giá hơn”.

Lam không thuê thêm nhà kính trồng rau hoặc mở rộng trang trại. Cô tập trung tăng năng suất và chất lượng rau. Hiện công việc quản lý và giao rau cho khách hàng Việt, Trung Quốc, Thái Lan đã chiếm khá nhiều thời gian. “Trồng rau Việt nên các đơn hàng khá lắt nhắt. Em phải lo cả khâu chốt đơn, ghi địa chỉ, đóng thùng, giao đồ... Em cứ buông điện thoại xuống là cầm dao hái rau, buông dao thì lái xe giao hàng, buông tay lái lại đóng thùng rau...”, Lam kể.

Bù lại, gần đây Lam có mối giao rau cho siêu thị, bán sỉ nên đỡ việc hơn; và mạng lưới phân phối “người tay ba” cũng hỗ trợ nhiều. Lam cho biết: “Người tay ba tức là người đang ở Việt Nam tự liên lạc với mình qua Facebook. Họ lấy ảnh chụp rau củ quả của mình đưa lên Facebook của họ và làm trung gian nhận đơn bán hàng. Hiện em có mạng lưới người tay ba khá tốt ở Việt Nam và Hàn Quốc”.

Từ năm ngoái, Cẩm Lam mở thêm dịch vụ ươm giống rau để bán. “Thời gian đầu, em hỏi mua giống của người khác, nhưng thấy cây giống yếu ớt quá, khó sống và chậm thu hoạch. Em nảy ra ý tự ươm cây giống cho trang trại mình và ươm dư ra bán. Cây giống của mình tốt, có khi chỉ sau một tháng đã thu hoạch được rau nên được nhiều khách hỏi mua”, Lam cho hay.

Cẩm Lam đang mong thử nghiệm trồng thành công hai loại rau Việt khó sống xa xứ là rau ngót và cây lá dứa. “Loại cây này kém chịu lạnh, khó sống, nhưng nhu cầu lại khá cao. Em cũng muốn học tiếng Hàn tốt hơn, gom tiền mua được một trang trại trồng rau chứ không phải thuê nữa, và mở một kênh YouTube hướng dẫn ươm trồng rau ở xứ người”, Lam nói.

Tin cùng chuyên mục