Cơ hội của Pháp

Trong những tuần gần đây, Tổng thống Pháp khá bận rộn và có nhiều phát ngôn ấn tượng. Đầu tháng 11, trong một cuộc phỏng vấn về tương lai của châu Âu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đánh giá NATO là “chết não”.

Đánh giá này diễn ra vài tuần sau khi Tổng thống Pháp tiếp cận Nga bằng cách đề nghị với Nga “xây dựng một kiến trúc mới về niềm tin và an ninh ở châu Âu” đồng thời từ chối mở các cuộc đàm phán để Albania và Bắc Macedonia gia nhập Liên minh châu Âu (EU).

Gần đây, hôm 9-12, chỉ vài ngày sau khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh NATO ở London, Paris đã chào đón Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine V. Zelensky cùng góp mặt trong hội nghị thượng đỉnh đầu tiên sau ba năm với hy vọng sẽ hồi sinh tiến trình hòa bình ở miền đông Ukraine. Sự biến hóa liên tục của Pháp thời gian này khiến châu Âu bối rối. Theo Slate, người châu Âu đang tự hỏi, phải chăng Tổng thống Pháp muốn đuổi Mỹ ra khỏi châu Âu? Giết chết sự mở rộng của EU? Hay đã có một thỏa thuận bí mật với Tổng thống Putin?

Xét về mặt bằng chung, tình hình đang khá thuận lợi cho Pháp trong bối cảnh nước Đức, vốn là nhà lãnh đạo trên thực tế của EU trong ít nhất là 1 thập niên qua, đang phải tập trung vào các vấn đề trong nước. Còn Anh, nền kinh tế lớn thứ hai châu Âu, lại chật vật chuẩn bị rời khỏi liên minh. Trong khi đó, nền kinh tế Pháp đang tăng trưởng với tốc độ phù hợp, mang lại ưu thế cho Paris. Giờ đây, Pháp là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở Tây Âu và GDP của Pháp đã tăng với tốc độ lớn hơn nhiều so với Đức trong cả năm 2018 lẫn năm 2019. Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống còn gần 8%, mức thấp nhất trong vòng 1 thập niên. Tuy nhiên, Chính phủ Pháp cũng phải đối mặt với những vấn đề trong nước. Cách nhìn nhận về phát triển kinh tế của chính phủ và của người dân còn nhiều khác biệt. Tổng thống Macron đã thành công trong việc thực thi các cải cách dường như là khó khăn vào thời điểm ông nhậm chức, nhưng cái giá phải trả là tình trạng bất ổn xã hội ngày càng tăng, sự ủng hộ của người dân ngày càng giảm và những sự thỏa hiệp về chính sách tài khóa có thể tạo ra các vấn đề trong tương lai.

Còn trong khối, không phải nước thành viên nào cũng ủng hộ. Các chính phủ ở Bắc Âu quan ngại về những rủi ro nếu chia sẻ kinh tế trong Eurozone. Các nước ở Trung và Đông Âu e ngại quan điểm của Pháp vì những lý do khác nhau, trong đó NATO cũng là mối bận tâm. Quan điểm có phần theo chủ nghĩa tinh hoa của Pháp về việc hội nhập EU cũng làm nhiều nước không hài lòng.

Dù sao đi nữa, 2 năm rưỡi sau khi đắc cử Tổng thống Pháp kể từ tháng 5-2017, Tổng thống Emmanuel Macron đang có cơ hội trở thành nhà lãnh đạo thực sự của châu Âu, tích cực thúc đẩy tầm nhìn về một EU hội nhập, ít phụ thuộc hơn vào các bên tham gia ngoài châu Âu. Pháp hiện là nước duy nhất trong EU có quyết tâm và năng lượng để thức tỉnh liên minh này. Để thực hiện, tất nhiên, Pháp vẫn cần Đức, nước vẫn đang là nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đóng góp nhiều nhất vào ngân sách EU và có tầm ảnh hưởng lớn ở Bắc và Đông Âu. Không có sự chấp thuận của Berlin, gần như Paris không thể đạt được điều gì khi đề cập tới việc cải cách cơ cấu trong khối này. Chiều ngược lại, các quốc gia châu Âu khác cũng nên đến gần Paris hơn để cùng hoàn thiện chương trình nghị sự châu Âu mới.

Tin cùng chuyên mục