
Vừa qua, trước sự chứng kiến của đại diện Bộ GD-ĐT, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), UBND và các ban, ngành của tỉnh Bình Dương, Trường Đại học Bình Dương và Công ty Phần mềm - Truyền thông VASC (thuộc VNPT) đã ký kết hợp tác chương trình đào tạo trực tuyến (bdu-online). Đây là trường đại học đào tạo trực tuyến trên mạng đầu tiên của Việt Nam.
Chưa có bằng phổ thông cũng học được

Khác hẳn với các chương trình đào tạo từ xa truyền thống và e-learning mà một số trường đã và đang ứng dụng, đây là chương trình đào tạo trên mạng Internet có tính tương tác cao, với ưu thế của về phương pháp dạy và học trước hết là sự tiện ích cả về không gian và thời gian.
Nghĩa là dù bất kỳ ở đâu và bất kỳ lúc nào, người học cũng có thể học tập, chỉ cần nối mạng và theo lịch phát sóng trực tiếp hoặc xem lại. Với hình thức này, người học thực sự tiết kiệm được tối đa cả về thời gian và kinh phí.
Với quan điểm hướng đến một nền giáo dục mở, trong đó mọi người dân đều có quyền học tập để nâng cao trí thức, tự bồi dưỡng kiến thức phục vụ cho cuộc sống và công tác. Những năm gần đây, hình thức đào tạo từ xa trên cơ sở ứng dụng các công nghệ tiên tiến đã trở thành xu hướng tất yếu của xã hội hiện đại.
Phương thức giáo dục này có thể phân chia thành 8 cấp tùy theo điều kiện kỹ thuật lựa chọn để thực hiện như học bằng việc gửi tài liệu, giáo trình qua thư kèm với phụ đạo trực tiếp (học hàm thụ); đào tạo qua điện thoại, tài liệu, băng tiếng, băng hình; học qua phát thanh kết hợp tài liệu sách và phụ đạo trực tiếp hoặc qua phát thanh; học qua truyền hình kết hợp tài liệu, sách vở, băng tiếng, băng hình; qua cầu truyền hình kết hợp tài liệu; qua mạng kết hợp sách vở, phụ đạo; đào tạo trực tuyến online (đại học ảo); hoặc tổ hợp các cấp kỹ thuật nói trên. Tùy theo tình hình thực tế, các điều kiện kinh tế kỹ thuật, kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia và mọi vùng miền, có thể lựa chọn cấp kỹ thuật cho phù hợp.
Theo đó, khái niệm giáo dục từ xa được hiểu không chỉ đơn thuần là khoảng cách giữa thầy giáo và cơ sở đào tạo và người học, mà còn bao hàm phương thức giáo dục không trực diện mặt đối mặt giữa người dạy và người học, được hỗ trợ qua các phương tiện truyền thông hiện đại và học liệu phù hợp.
Với các điều kiện mềm dẻo và nhằm mang thuận lợi tối đa đến người học, hình thức đào tạo mới mẻ này sẽ thu hút không chỉ những người có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông theo học các chương trình đại học mà cả những người chưa có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, cần học để lấy chứng chỉ phục vụ cho công tác, xin việc làm v.v… đều dễ dàng được đáp ứng.
Hơn 12 năm qua, bằng sự nỗ lực và tâm huyết của mình, Đại học Bình Dương đã minh chứng một cách cụ thể và sinh động về tính đúng đắn trong chủ trương xã hội hóa giáo dục và xây dựng một nền giáo dục mở của Đảng và Nhà nước ta trong xu thế hội nhập; trở thành một trường đại học đa lãnh vực, đa cấp, đa hệ, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng đa dạng của nhân dân.
Hiện nay, đại học Bình Dương đã có 22.500 sinh viên theo học với 38 chuyên ngành đào tạo, trong đó hệ chính quy tập trung 11.000 sinh viên bao gồm hệ đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp; hơn 11.000 sinh viên hệ đào tạo không chính quy vừa học vừa làm và đào tạo từ xa theo học lấy bằng cấp.
Cơ hội học lý tưởng
Với chương trình đào tạo trực tuyến nói trên, nhà trường đã mang đến cho người dân một cơ hội học tập lý tưởng, không chỉ “học thường xuyên, học suốt đời” mà còn “học bất kỳ ở đâu, học bất kỳ khi nào”.
Trong sự hợp tác này, Đại học Bình Dương chịu trách nhiệm xây dựng chương trình, mục tiêu, nội dung; quản lý chất lượng đào tạo; tổ chức thi, kiểm tra, cấp chứng chỉ, văn bằng; xây dựng kho tư liệu, tổ chức đội ngũ giảng viên và đội ngũ chuyên gia tư vấn v.v… Phía Công ty VASC chịu trách nhiệm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nghiên cứu tiếp nhận và chuyển giao các phần mềm phục vụ cho công tác quản lý, đào tạo; đào tạo bồi dưỡng cán bộ kỹ thuật; bố trí cán bộ vào ban quản lý chương trình đào tạo, quản lý tài chính v.v… bảo đảm cho chương trình hoạt động thông suốt và hiệu quả.
Trước mắt, đại học trực tuyến này sẽ tạo cơ hội học tập cho mọi người dân trên địa bàn cả nước với 8 chuyên ngành: Quản trị kinh doanh, Tài chính - Ngân hàng, Công nghệ sinh học, Việt Nam học, Xã hội học, Ngoại ngữ, Kiến trúc, Xây dựng.
Sự ra đời trường đại học trực tuyến trên Internet đầu tiên ở Việt Nam với tên miền: www.bdu.online của Đại học Bình Dương, bên cạnh góp phần làm đa dạng các phương thức đào tạo; còn đáp ứng nhu cầu học tập của đại đa số nhân dân lao động trong xu thế hội nhập. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người được tiếp cận với nền giáo dục đại học trên tinh thần xây dựng một nền giáo dục mở của Đảng và nhà nước ta.
Đó cũng là một sự nỗ lực đáng ghi nhận của thầy và trò Trường Đại học Bình Dương sau hơn 10 năm kiên trì với mục đích: Cổ vũ tinh thần ham học hỏi; đề cao khả năng tự đào tạo; dấn thân vì sự nghiệp nâng cao dân trí; đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho Việt Nam phát triển.
HẢI HOÀNG