Cơ hội mới trên bàn đàm phán hạt nhân Iran

Theo kế hoạch, Tổng Giám đốc Tổ chức Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi sẽ thăm Tehran vào ngày 20-2 để tìm kiếm một thỏa thuận về cách thức triển khai công việc của cơ quan này ở Iran do kế hoạch thu hẹp phạm vi hợp tác của nước Cộng hòa Hồi giáo với IAEA.

Khoảng cách khó thu hẹp 

Ngày 19-2, Iran đã một lần nữa kêu gọi Mỹ dỡ bỏ tất cả lệnh trừng phạt mà chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tái áp đặt đối với nước này. Trên trang Twitter, Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif nêu rõ, Iran sẽ “ngay lập tức đảo ngược” các biện pháp trả đũa của nước này liên quan các cam kết hạt nhân, nếu Mỹ dỡ bỏ “một cách vô điều kiện và có hiệu quả tất cả biện pháp trừng phạt mà cựu Tổng thống Donald Trump đã áp đặt, tái áp đặt hoặc một lần nữa gán cho Iran”.

Cơ hội mới trên bàn đàm phán hạt nhân Iran ảnh 1 Iran từng thông báo đẩy nhanh tiến trình làm giàu urani lên mức 20%, cao hơn nhiều mức 3,67% được phép chiểu theo JCPOA

Động thái trên được Iran đưa ra sau khi nước này nhận được đề nghị từ Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng ngồi vào bàn đàm phán để tìm cách hồi sinh Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) mà Iran ký kết với các cường quốc thế giới (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga và Trung Quốc) năm 2015. Mỹ nhấn mạnh, nếu Iran tuân thủ nghiêm các cam kết trong JCPOA,

Mỹ cũng sẽ làm điều tương tự. Trước đó, chính quyền Tổng thống J. Biden có sự thay đổi trong cách tiếp cận khi ngày 18-2, Mỹ thông báo nới lỏng biện pháp hạn chế đi lại do chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump áp đặt đối với các nhà ngoại giao Iran tại Liên hiệp quốc. 

Tuy nhiên, Washington và Tehran dường như đang tranh cãi việc bên nào phải hành động trước. Hiện vẫn chưa rõ liệu Tehran có chấp nhận đề nghị đàm phán hay không bởi Iran cho rằng Mỹ là nước vi phạm trước các điều khoản của thỏa thuận và sẽ chỉ hành động sau khi Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt cũng như cho phép nước này bán dầu và tiến hành các hoạt động ngân hàng trên khắp thế giới.

Trong khi đó, Tổng thống Biden khẳng định, Mỹ chỉ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran nếu quốc gia này quay trở lại tuân thủ các giới hạn rõ ràng về sản xuất hạt nhân mà nước này đã tuân thủ cho đến năm 2019. Đây chính là khoảng cách giữa hai bên và việc thu hẹp khoảng cách đó sẽ là một quá trình khó khăn.

Vai trò của Mỹ

Cảnh báo của Iran lần này chỉ rõ, Tehran sẽ không chờ đợi những lời hứa suông của Mỹ và 3 nước châu Âu là Anh, Pháp và Đức. Quốc hội Iran sẽ yêu cầu chính phủ nước này phải chấm dứt quyền thanh tra toàn diện các cơ sở hạt nhân đã cấp cho IAEA, trong trường hợp chính quyền mới của Mỹ không dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Iran. 

Trong tuyên bố chung đưa ra sau cuộc họp trực tuyến thảo luận về vấn đề hạt nhân Iran, ngoại trưởng các nước Pháp, Anh, Đức và Mỹ đã kêu gọi Tehran không hạn chế hoạt động thanh sát của IAEA tại nước này. Mỹ và các đồng minh châu Âu hối thúc Iran cân nhắc hậu quả của các hành động như vậy, đặc biệt là vào thời điểm xuất hiện cơ hội ngoại giao mới và không nên có thêm bất cứ bước đi nào, đặc biệt liên quan đến việc ngừng thực thi Nghị định thư bổ sung và hạn chế các hoạt động kiểm chứng của IAEA tại Iran.

Tuyên bố chung cũng nêu rõ, ngoại trưởng Pháp, Anh, Đức “hoan nghênh việc Mỹ công bố ý định trở lại biện pháp ngoại giao với Iran” cũng như việc nối lại đối thoại với 3 nước châu Âu này.

Cách đây 1 tháng, Iran đã thông báo đẩy nhanh tiến trình làm giàu urani lên mức 20%, cao hơn nhiều mức 3,67% được phép chiểu theo JCPOA, mặc dù vẫn còn xa để có thể đạt mức sản xuất bom nguyên tử.

Tin cùng chuyên mục