Cơ hội phục hồi kinh tế

Ban Thư ký ASEAN cho biết Hiệp định Thương mại điện tử ASEAN đã chính thức có hiệu lực sau khi nhận được văn kiện phê chuẩn của Indonesia. Việc thực thi hiệp định góp phần phục hồi kinh tế khu vực hậu Covid-19.
Nhân viên tại một kho hàng ở Indonesia kiểm tra hàng hóa đặt trên sàn thương mại điện tử
Nhân viên tại một kho hàng ở Indonesia kiểm tra hàng hóa đặt trên sàn thương mại điện tử

Nền kinh tế kỹ thuật số 

 Theo TTXVN, được ký kết ngày 22-1-2019 tại Hà Nội, hiệp định đã thiết lập các nguyên tắc và quy tắc chung nhằm thúc đẩy thương mại điện tử (TMĐT) trong khu vực phát triển và tăng cường năng lực thực hiện các nguyên tắc và quy tắc đó. Hiệp định có hiệu lực từ ngày 2-12 này sẽ đóng vai trò là công cụ tìm đường cho các quy tắc hiện đại về giao dịch TMĐT trong khu vực và mở đường hướng tới một nền kinh tế kỹ thuật số tích hợp trong khu vực. 

Kể  từ  khi Covid-19  bùng phát, TMĐT đã phát triển theo cấp số nhân và trở thành động lực chính trong quá trình chuyển đổi số. ASEAN đang trên con đường trở thành nền kinh tế Internet trị giá 1.000 tỷ USD vào năm 2030, được thúc đẩy nhờ nền tảng người tiêu dùng và doanh nghiệp  kỹ  thuật số đang phát triển nhanh chóng, sự tăng tốc trong TMĐT  và giao hàng thực phẩm.

Nền kinh tế Internet của ASEAN ước tính đạt 170 tỷ USD tổng trị giá hàng hóa vào cuối năm 2021 và hơn 360 tỷ USD vào năm 2025, vượt xa dự báo 300 tỷ USD trước đó theo báo cáo năm 2021 về nền kinh tế điện tử Đông Nam Á của Google, Temasek và Bain & Company.

Chú trọng AI

Hãng thông tấn Antara cho biết tại Hội thảo trực tuyến ASEAN về cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cuối tháng 11 vừa qua, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto nhấn mạnh ASEAN cần tăng cường hợp tác trong việc định hình sự phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để nâng cao hiệu quả kinh doanh. Điều này sẽ mang lại những lợi ích, không chỉ để phát huy các cơ hội và đối phó với những thách thức AI đặt ra, mà còn tăng cường hơn nữa sự ổn định và thịnh vượng của khu vực với một lộ trình kỹ thuật số trong những năm tới. 

Theo ông Hartarto, trong những năm qua, một trong những công nghệ tiến bộ nhanh nhất phục vụ đời sống con người là AI. Thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại cơ hội tăng mức thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân thế giới. Đến nay, AI cho phép máy móc thực hiện các công việc đòi hỏi mức độ thông minh giống như con người. Vì vậy chúng ngày càng được ứng dụng rộng rãi, từ thực hiện các nhiệm vụ đơn giản hàng ngày cho đến các lệnh, hoạt động phức tạp liên quan tới an ninh quốc gia.

Bộ trưởng Hartarto nhấn mạnh việc sử dụng AI được cho là có thể tăng hiệu quả kinh doanh, năng suất và khuyến khích đổi mới trong các lĩnh vực khác nhau; hỗ trợ định hướng giải quyết các vấn đề phát triển của quốc gia và khu vực như phục hồi kinh tế sau Covid-19, tạo việc làm mới ngoài lĩnh vực sản xuất, chuỗi cung ứng, logistics, trung tâm dịch vụ và hoạt động nghiên cứu. Theo kết quả một cuộc khảo sát do công ty tư vấn Kearney thực hiện, AI có thể có tác động tổng thể mạnh mẽ, góp phần tăng GDP 10%-18% khắp Đông Nam Á vào năm 2030. 

Tuy nhiên, báo cáo của Viện Brookings dự báo AI cũng làm nảy sinh các vấn đề lớn như quyền truy cập dữ liệu cá nhân, sai lệch về dữ liệu và thuật toán, tính minh bạch cũng như trách nhiệm pháp lý. Do đó, giới chuyên gia khuyến nghị một số giải pháp gồm cải thiện khả năng truy cập dữ liệu, tăng cường đầu tư của chính phủ vào lĩnh vực nghiên cứu phát triển AI, thúc đẩy phát triển lực lượng lao động AI, thành lập ủy ban cố vấn quốc gia với thành viên là các quan chức quốc gia và địa phương để đảm bảo các chính sách được thực thi hiệu quả. Ngoài ra, cũng cần duy trì cơ chế kiểm soát và giám sát của con người, tăng cường an ninh mạng.

Tin cùng chuyên mục