Cơ hội xích lại gần nhau

Tổng Tư lệnh lực lượng Mỹ khu vực Trung Đông và Trung Á David Petraeus mới đây trong chuyến thăm đồng minh Pakistan nói rằng Mỹ, Nga và các nước cộng hòa vùng Trung Á đã thỏa thuận xây dựng tuyến đường vận chuyển mới tiếp tế cho lực lượng của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Afghanistan.

Ngoài  Afghanistan và Pakistan, tướng Petraeus cũng thăm Kyrgyzstan, Kazakhstan, Turmenistan và Tajikistan, và đã ký thỏa thuận vận chuyển quá cảnh với các nước này. Những thỏa thuận này sẽ giúp Mỹ thiết lập một con đường mới băng ngang qua Caspian thay cho con đường tiếp tế nguy hiểm hiện nay.

Từ đầu năm 2008 con đường tiếp tế đến 80% lượng hàng cho quân NATO qua đèo Khyber giữa biên giới Pakistan và Afghanistan liên tục bị quân nổi dậy tấn công, gây tổn thất nặng nề. Lực lượng Pakistan vì nhiều lẽ đã không thể bảo vệ tuyến đường cung cấp huyết mạch này.
 
Con đường mới này sẽ giúp tiếp tế cho quân NATO ngang qua Gruzia và Azerbajian, băng qua biển đến cảng Aktau của Kazakhstan và từ đấy xuyên qua Uzebekistan đến Afghanistan. Con đường hết sức dài, phí tổn cho việc tiếp tế đến được Afghanistan chắc chắn rất lớn. Nhưng khó khăn nữa là để thiết lập con đường mới này tại Caspian, Mỹ cần được mọi quốc gia trong khu vực, bao gồm Iran, đồng ý, là điều không dễ dàng. Theo các nhà phân tích, trong khó khăn này Mỹ chỉ còn lại một lựa chọn – vận chuyển quá cảnh Nga, hoặc không thể làm gì cả.

Afghanistan giữ một vị trí địa chính trị quan trọng đối với Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố. Những phát biểu của tướng Petraeus được giới phân tích xem là dấu hiệu chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama gởi tới Nga như lời chào mời hợp tác tại khu vực chủ yếu này.

Và nếu đề xuất này được thực hiện và thành công, Nga có thể trông đợi ở Washington sự đồng cảm lớn hơn đối với một số vấn đề quốc tế mà họ quan tâm cũng như tới những lợi ích sát sườn của Nga, chẳng hạn vấn đề lá chắn tên lửa mà Mỹ có kế hoạch xây dựng ở Đông Âu.

Theo đó, quan hệ nguội lạnh hiện nay giữa Nga – Mỹ có thể một lần nữa lại được cải thiện. Người ta còn nhớ, quan hệ của hai nước ấm áp hẳn lên bắt đầu vào 2001 với một số việc chưa có tiền lệ – sự hợp tác của hai bên trong cuộc chiến chống khủng bố ở Afghanistan.
 
Nga đang chờ đợi những đổi thay tích cực trong chính sách quốc tế của chính phủ ông Obama. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov tại cuộc họp báo mới đây ở Mátxvơva tuyên bố nước này sẵn sàng hướng tới quan hệ đối tác và hợp tác chặt chẽ với Mỹ, cả ở những nơi mà lập trường của hai bên trùng hợp, cả ở những nơi có sự khác biệt. Những vấn đề tranh cãi sẽ được giải quyết trên cơ sở thực dụng, không theo lối hệ tư tưởng và chính trị hóa như ban lãnh đạo Hoa Kỳ tiền nhiệm từng làm  

LỆ THƯ

Tin cùng chuyên mục