Có luật, chưa hướng dẫn thi hành luật

Từ ngày 1-3-2006, Luật Giao dịch điện tử có hiệu lực thi hành. Đây được xem là chỗ dựa pháp lý để các ngân hàng thương mại phát huy tính tiện lợi của các dịch vụ ngân hàng điện tử. Người dân và doanh nghiệp rất trông đợi những lợi ích mới từ việc thực thi luật này, bởi hiệu quả đem lại từ các dịch vụ ngân hàng điện tử là rất lớn. Tuy nhiên, đến nay Luật Giao dịch điện tử vẫn chưa đi vào cuộc sống vì chưa có nghị định hướng dẫn thi hành. Các nghị định về chữ ký số, dịch vụ chứng thực chữ ký số… vẫn đang trong giai đoạn xây dựng.

Chính vì vậy nhiều ngân hàng vẫn chưa thể phát triển các hình thức thanh toán qua mạng vì chưa có hành lang pháp lý bảo đảm trong giao dịch. Hiện nay các ngân hàng rất chịu chi tiền để đầu tư công nghệ, phát triển cơ sở hạ tầng cho các giao dịch điện tử. Hầu hết các ngân hàng đều có website, nhưng thực tế chỉ mới dừng lại ở việc cung cấp cho khách hàng các dịch vụ như xem tỷ giá, lãi suất, số dư tài khoản và các dịch vụ như SMS Banking, Mobile Banking và Home Banking…

Nhiều ngân hàng triển khai nhưng cũng chỉ cầm chừng, chưa thể phát huy hết tiện ích cho người sử dụng. Đặc biệt, dịch vụ ebanking (giao dịch và thanh toán qua mạng) được các ngân hàng giới thiệu, nhưng khách hàng cũng chỉ mới tham khảo, tìm kiếm thông tin là chủ yếu chứ chưa thể thực hiện thanh toán.

Trả lời báo chí về việc tại sao Luật Giao dịch điện tử đã ra đời nhưng hình thức thanh toán qua mạng chưa phát triển, một quan chức của NHNNVN cho rằng: Luật ban hành không có nghĩa là các dịch vụ thanh toán, chuyển khoản sẽ ồ ạt ra đời.

Mặt khác, để đưa luật này vào cuộc sống còn đòi hỏi các ngân hàng phải tính toán đến hiệu quả kinh doanh phù hợp với thị trường Việt Nam. Hiện nay người tiêu dùng cũng chưa mấy mặn mà với hình thức thanh toán này vì họ chưa thực sự tin tưởng vào độ an toàn của nó… Ai cũng biết để phát triển ngân hàng điện tử đòi hỏi tính an toàn và bảo mật rất cao. Rủi ro lớn nhất cho hoạt động ngân hàng điện tử là vấn đề an ninh, tránh hệ thống bị xâm phạm, bị giả mạo trong thanh toán, chi trả. Vấn đề phụ thuộc rất lớn vào giải pháp kỹ thuật, các chương trình phần mềm về mã khóa…

Tuy nhiên, một khi các nghị định về thương mại điện tử, các văn bản dưới luật, hướng dẫn cụ thể về các giao dịch qua mạng… vẫn chưa được ban hành thì tất nhiên người dân không thể mặn mà với phương thức thanh toán này. NHNNVN cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn để tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở pháp lý cho các giao dịch điện tử. Giao dịch điện tử là xu thế mới trong hoạt động kinh tế và yêu cầu của đời sống trong bối cảnh hội nhập. Trước xu thế phát triển các dịch vụ ngân hàng hiện đại hiện nay, đây là thời điểm thuận lợi để đưa Luật Giao dịch điện tử đi vào cuộc sống.

MINH DUNG

Tin cùng chuyên mục