
Sau ba trăm năm “cắm sào” ở đất Sài Gòn, cộng đồng người Việt gốc Hoa đã góp phần hình thành một chốn đô hội thịnh vượng với danh xưng “Chợ Lớn”. Trung tâm Chợ Lớn xưa nay là quận 5, với gần 80.000 người Việt gốc Hoa đang sinh sống. Một “China Town” (phố Tàu) phát triển với nhịp sống sôi động không ngừng.

Đường Triệu Quang Phục xưa là xóm Ba Chùa, nơi phát tích của vùng Đề Ngạn với các dãy phố lầu. Người Hoa khi mới qua đây thường kình nhau lập chùa, lập miếu. Xóm Ba Chùa là trung tâm với 3 chùa lớn là chùa Ông Nghĩa An, chùa Bà Thiên Hậu và chùa Tam Hội Miếu.
Chùa Ông có trước thế kỷ 19, thờ Đức Quan Đế. Chùa Ông là chùa thờ Đức Quan Đế lớn nhất trong cả 7 phủ Gia Định thời ấy nên được gọi là Thất phủ Quan Võ Miếu.
Cách chùa Ông không xa là chùa Tam Hội miếu. Chùa Bà thì thờ bà Thiên Hậu Thánh Mẫu, bà chúa lo việc cứu nạn trên biển. Vật liệu cũng như thể thức xây chùa đều nhất nhất như bên Tàu.
Nay chùa vẫn còn đó với dáng vẻ uy nghi, hương khói mỗi ngày. Đây được xem là nơi lưu giữ văn hóa và cội nguồn tâm linh của bà con người Hoa. Hàng năm, tới ngày vía Bà 23-3 âm lịch, chùa thu hút hàng ngàn thiện nam, tín nữ và khách thập phương.
Theo đường Trần Hưng Đạo, từ Sài Gòn vào Chợ Lớn, đường rộng, sạch đẹp, nối liền quận 1 đến hết quận 5. Thời Pháp, đặt là đường Marins, sau đổi ra Đồng Khánh. Khi xưa, ít người dùng tên chính thống để gọi con đường này mà lại đặt nó một cái tên khác, thi vị hơn là đường “Hàng Cháo Muối” (một loại cháo trắng nấu nhừ với tấm xay nhỏ, ăn với bạch quả) do có một hàng cháo muối của người Triều Châu bán hàng đêm. Khu này nổi tiếng là khu ăn uống với các hàng cháo khô cá hường ăn với cải tần ô, cháo bào ngư, tép lăn bột… Ăn khuya được xem như một “thú phong lưu” của người Sài Gòn – Chợ Lớn xưa.
Hàng quán xưa không còn nhưng thói quen ấy vẫn không bỏ được. Đèn đường vừa bật sáng cũng là lúc phố ăn Chợ Lớn bắt đầu tấp nập với một loạt hàng quán, tiệm ăn có “cái đuôi” là “Ký” đặc trưng của người Hoa. Các món ăn Trung Hoa như: mì vịt tiềm, mì xào giòn đường Nguyễn Trãi, phở sa tế phố Triệu Quang Phục, lẩu đầu cá Dân Ích, cơm gà Đông Nguyên, chè Hà Ký… thi nhau chào mời khách đến thưởng thức.
Hết đường Trần Hưng Đạo, rẽ xuống Châu Văn Liêm là bắt đầu bước vào khu trung tâm thương mại sầm uất nhất của Chợ Lớn với hàng loạt các chợ bán sỉ: chợ Bình Tây, chợ Kim Biên, phố văn phòng phẩm Hải Thượng Lãn Ông, chợ vải Soái Kình Lâm, chợ rau cải Mai Xuân Thưởng…
Ở đây, hàng quán san sát nhau, hàng này tiếp hàng kia, liên tiếp nhau không dứt. Không khí mua bán lúc nào cũng sôi nổi, tiếng kẻ mua người bán í ới, xe đẩy tay tải hàng qua lại như con thoi.
Nhiều vị khách Tây cho biết, họ rất thích đến khu thương mại này. Không phải để mua sắm, mà để tham quan, để tận mắt thấy cái không khí “daily activities” (sinh hoạt thường nhật) sôi động ở đây.
Đường Hải Thượng Lãn Ông, con đường mang tên vị danh y Việt Nam nay lại là phố Đông y ở phố Tàu với hàng trăm tiệm thuốc y học cổ truyền Trung Hoa. Theo các hãng du lịch lữ hành, đây là điểm tham quan thu hút khách du lịch nước ngoài khi đến “China town” nhất.
Khách vừa tản bộ, vừa có thể ngửi thấy mùi thơm dậy lên từ những vị thuốc bắc đang bày bán trong các nhà thuốc. Họ cũng có thể vào tiệm hỏi han giá cả, tận tay bốc, sờ thử vào các vị thuốc từ thiên nhiên mà đối với họ rất “ngộ”, rất khác với các loại “thuốc viên, thuốc ống” của Tây y. Thuốc ở đây có thể chỉ là một cái tai nấm, một xác lá, một khúc vỏ cây, hoặc những con rắn và hải mã…
Về đêm, phố Tàu Chợ Lớn lại sáng đèn. Những chiếc đèn lồng đỏ treo cao cao trên những cung đường chính của “China town Sài Gòn” như để làm duyên. Được biết, sắp tới, quận 5 sẽ triển khai dự án quy hoạch và khôi phục phố văn hóa người Hoa.
Với một nội hàm văn hóa đậm nét, một lịch sử ba thế kỷ gắn bó mật thiết với sự hình thành và phát triển đất Sài Gòn-Gia Định, “China town Sài Gòn” hẳn là một điểm đến đầy sức hấp dẫn với du khách.
HẢI MINH