Cơ sở bảo trợ xã hội trái tim

Hơn 10 năm qua, “cơ sở bảo trợ xã hội trái tim”, ở địa chỉ 4/17, đường Phạm Huy Thông (phường 7, quận Gò Vấp, TPHCM) là ngôi nhà nhân ái của 3 cô giáo. Mỗi ngày các cô nuôi dưỡng, chăm sóc, phục hồi chức năng và dạy nghề cho 18 học viên bệnh tật, kém may mắn, mỗi người là một hoàn cảnh đặc biệt.

Chặng đường gian nan

Cơ sở do chị Nguyễn Thị Thúy Hoa (41 tuổi, ngụ tại quận Bình Thạnh, TPHCM) quản lý, cùng hai đồng nghiệp chung tấm lòng nhân hậu là cô Nguyễn Thị Thanh Thủy và cô Hồ Thị Kim Thoa. Chị Hoa tốt nghiệp ngành sư phạm tiểu học, rồi về dạy tại một trường chuyên biệt dành cho trẻ kém may mắn ở quận Bình Thạnh.

Trong một dịp tình cờ, một tổ chức từ thiện của Nhật đến thăm và tặng những khung dệt cho lớp học mà chị Hoa đang dạy. Khi ấy, chị bắt đầu mày mò tập dệt để về dạy lại các em có số phận kém may mắn. Sau nhiều năm gắn bó, chị Hoa tình nguyện đi theo con đường bảo vệ và phát triển kỹ năng sống cho các trẻ kém may mắn. Được sự giúp đỡ của tổ chức từ thiện này, chị mở lớp học tình thương dạy nghề, cưu mang các trẻ mắc bệnh down, bại não, thiểu năng trí tuệ, giúp các em hòa nhập với cộng đồng.

Năm 2007 những người bạn Nhật trở về nước, chị Hoa lại một mình gồng gánh mọi thứ, nuôi dạy, chăm lo cho những đứa trẻ kém may mắn. Nhiều lúc chị muốn bỏ cuộc giữa chừng, lúc ấy những người bạn ở Nhật lại động viên và hỗ trợ. Sự quan tâm ấy đã tiếp thêm động lực cho chị tiếp tục duy trì.

Cơ sở bảo trợ xã hội trái tim ảnh 1 Cô giáo Hồ Thị Kim Thoa đang hướng dẫn các học viên dệt vải
Chị Hoa trải lòng: “Thấm thoát cũng đã 10 năm, bao khó khăn, vất vả, những nỗ lực cố gắng dường như đã được đền đáp bằng những nụ cười, bằng hạnh phúc của các em. Ngôi nhà 3 tầng này là được một nhà hảo tâm biết được hoàn cảnh các cô và học viên ở đây nên cho thuê với mức giá “từ thiện”. May mắn khi có sự sẻ chia của hai đồng nghiệp, cùng góp sức vượt qua mọi khó khăn”.

10 năm trọn vẹn tình thương

Hiện tại, “cơ sở bảo trợ xã hội trái tim” có 18 học viên, trước đây các em đều được học tập tại các trường và trung tâm khuyết tật trên địa bàn TPHCM, sau 18 tuổi các em được trả về với gia đình. Một số em được nhà trường gửi gắm vào cơ sở của chị Hoa để tiếp tục học nghề, học kỹ năng sống. Hầu hết các học viên ở đây đều có số phận đặc biệt; mồ côi cha mẹ, cha mẹ ly dị hoặc gia đình quá khó khăn, không đủ kinh tế để đưa con mình vào những trường khác nuôi dạy.

Mỗi sáng các học viên được người thân dẫn đến, các cô trò cùng nhau nhận hàng gia công may mặc, đi xin từng miếng vải vụn, cuộn chỉ may đủ thứ, bán kiếm tiền lo từng bữa ăn. Ba cô giáo phân công nhau, người lo dạy nghề, người lo đầu ra sản phẩm, người còn lại dạy kỹ năng sống cho các em. Quan trọng nhất vẫn là truyền lửa, động viên các em vượt qua nghịch cảnh, thắp lên những ước mơ về tương lai tươi sáng. Ngày qua ngày, những sản phẩm đầu tiên do chính tay các em được làm ra trong niềm vui sướng và hạnh phúc.

Có những lúc khó khăn, không bán được sản phẩm, các cô đi chợ luôn vận động mọi người bán với giá “tình thương” để có thể tiếp tục duy trì mái ấm. Ban đầu ai cũng thấy lạ, nhưng dần dần rồi mọi người cũng hiểu và thương các cô, những món quà cũng được trao tặng, những suất cơm; có lúc chỉ vài ổ bánh mì hoặc một ít bánh kẹo, chỉ như vậy thôi cũng đủ để cô trò có thêm động lực vượt qua khó khăn.

10 năm qua, các cô luôn chu đáo, ân cần chăm sóc các em, có em chỉ mới nói được vài câu xong lại quên hết. Các cô lại phải dạy dỗ, tập cho các em biết đếm từng con số, học cách đếm tiền. Những em nào thành thạo, được dao nhiệm vụ đi chợ để tập thói quen tự lập, hòa nhập với xã hội.

Niềm vui nhất là cơ sở đã có 3 học viên “ra trường”, một em được nhận làm trong công ty may mặc có thu nhập cao và ổn định. Hai em còn lại về phụ giúp gia đình nhận hàng gia công may mặc. Mong ước lớn nhất của Chị Hoa bây giờ là tìm được đầu ra cho sản phẩm, có thu nhập, đỡ áp lực hơn, cuộc sống của các học viên cũng đỡ vất vả hơn. Chị cũng không muốn làm phiền người Nhật nữa vì họ đã giúp mình quá nhiều rồi.

Ngôi nhà tình thương nằm sâu trong hẻm, luôn đóng kín cổng, yên lặng ít người biết tới, nhưng câu chuyện trong ngôi nhà ấy thật đặc biệt. Khi đã đặt chân đến đây, mới cảm nhận được tình yêu thương ấm áp, sự cảm thông, hy sinh mà những người cô nơi đây vẫn hàng ngày dành cho các em.

Tin cùng chuyên mục