Đó là chia sẻ của chuyên gia tư vấn tâm lý - Thạc sĩ Nguyễn Hồ Thụy Anh tại buổi tập huấn chuyên đề “Quản lý cảm xúc trong giao tiếp cho giáo viên”, do Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TPHCM) tổ chức mới đây.
Theo nhiều cán bộ quản lý giáo dục, thời gian qua đã xảy ra nhiều sự cố, thậm chí bạo lực, trong mối quan hệ giữa thầy và trò. Có một phần nguyên nhân là do người giáo viên chưa được trang bị những kỹ năng tâm lý, trong đó có kỹ năng quản lý cảm xúc, để tương tác trong lớp học.
Trong khi đó, với sự tiến bộ của khoa học công nghệ, kiến thức học sinh tiếp cận từ khá nhiều nguồn, vai trò của người thầy đã thay đổi khác trước rất nhiều. Nếu người giáo viên vẫn giữ những ứng xử của người thầy truyền thống, những mâu thuẫn về tâm lý chắc chắn sẽ xảy ra trong lớp học.
Cũng theo chia sẻ của nhiều giáo viên, hiện nay trước áp lực công việc, áp lực gia đình và những mối quan hệ xã hội khiến người giáo viên không quản lý được cảm xúc, dễ dẫn đến những hành động sai trái, mà gần đây là những vụ xung đột giữa giáo viên và học sinh, giữa giáo viên với phụ huynh.
Trong đó, áp lực về cơm áo gạo tiền, áp lực về thi cử, quan hệ với phụ huynh, đồng nghiệp quá nhiều, khiến giáo viên không biết cách cởi bỏ. Khi mang những hỉ, nộ, ái, ố đó bước vào cửa lớp học, rất dễ bùng nổ khi đụng chuyện.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Hồ Thụy Anh, muốn quản lý tốt cảm xúc, người giáo viên cần biết mình đang là ai, có vai trò và vị trí quan trọng như thế nào đối với học trò.
Người thầy trước hết phải làm cho mình hạnh phúc, có tâm lý tích cực thì mới lan tỏa đến cho học trò. Hiện nay trong trường sư phạm có học phần tâm lý học nhưng số tiết không nhiều. Các trường chỉ chú trọng kỹ năng giảng dạy, còn phần tâm lý - ứng xử sư phạm gần như bỏ quên.
Trong khi đó, với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, người giáo viên trong thời đại ngày nay rất cần được trang bị kỹ năng tâm lý để tương tác kịp thời với học sinh, với những chuyển biến của xã hội, chứ không phải chỉ ứng xử theo cách cũ đôi khi không còn phù hợp. Nếu không, những bất đồng trong quan điểm, suy nghĩ, phương pháp dạy và học của giáo viên với học sinh sẽ dễ xảy ra.
Đồng quan điểm, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, cho rằng trong giao tiếp nếu làm chủ được cảm xúc sẽ mang đến buổi giao tiếp tốt. Đặc biệt trong giao tiếp giữa thầy và trò trong trường học hôm nay, góc nhìn của tuổi trẻ đã rất khác.
Nếu người thầy bảo vệ định kiến của ngày xưa thì rõ ràng giao tiếp đó chỉ là giao tiếp một chiều, sẽ làm cho người học trở nên bức bối hoặc ức chế, dẫn đến hậu quả các em buồn chán, không còn mỗi ngày đến trường là một ngày vui.
“Người giáo viên trong thời đại ngày nay cần đặt mình trong một gia đình lớn để thấy rằng trách nhiệm người thầy rất quan trọng vì giáo dục đào tạo ra những thế hệ tương lai. Do đó, trước hết bản thân mỗi giáo viên cần nhận thức sâu sắc hơn nữa cái hay cái đẹp, cái vinh quang nhưng đồng thời cũng là bổn phận của người thầy, không chỉ trong giao tiếp tại môi trường học đường mà cần phải có những hành xử chuẩn mực trong xã hội”, ông Huỳnh Thanh Phú nhấn mạnh.