Con cái chúng ta giỏi đến đâu?

Đến đón con tan học ở cổng trường và nghe cậu con trai học lớp 7 thổ lộ rằng “Năm nay con không đạt danh hiệu học sinh giỏi vì bị khống chế bởi môn Toán không đạt 8.0 trở lên”, một phụ huynh lớn tiếng chửi rủa và giơ tay tát nam sinh này nhiều cái.
Con cái chúng ta giỏi đến đâu?

Đến đón con tan học ở cổng trường và nghe cậu con trai học lớp 7 thổ lộ rằng “Năm nay con không đạt danh hiệu học sinh giỏi vì bị khống chế bởi môn Toán không đạt 8.0 trở lên”, một phụ huynh lớn tiếng chửi rủa và giơ tay tát nam sinh này nhiều cái.

Vừa tát, chị ta vừa rít lên giận dữ: “Cho mày ăn học, học thêm thầy giỏi như thế mà không bằng con người ta…”. Bị nhiều phụ huynh, bạn học cùng trường chứng kiến câu chuyện to tiếng này, nam sinh cúi gằm mặt, nước mắt lăn dài. Nhìn cậu bé lặng lẽ leo lên xe để mẹ chở về nhà, không ai hiểu cơn giận dữ của phụ huynh này bốc hỏa đến đâu và cậu bé sẽ bị tổn thương về tâm lý như thế nào sau khi bị mẹ bạo hành tinh thần lẫn thể chất, chỉ vì không đạt được danh hiệu học sinh giỏi?

 Mới đây, một giáo viên chủ nhiệm lớp 5 của một trường tiểu học ở TPHCM cũng kể lại câu chuyện buồn về tham vọng, kỳ vọng thái quá của một phụ huynh. Không chỉ đầu tư cho con học thêm từ những năm học trước, năm nay chị đặt kỳ vọng con mình phải đạt danh hiệu học sinh giỏi với hai môn thi Toán, Văn học kỳ 2 có  điểm tuyệt đối 20/20 để nộp đơn vào lớp 6 một trường THCS điểm, có danh tiếng. Khi biết con thi môn văn chỉ đạt 9 điểm, chị gặp riêng giáo viên chủ nhiệm năn nỉ nhờ sửa điểm và tất nhiên bị từ chối. Theo giáo viên này, sự kỳ vọng thái quá của một số phụ huynh về việc con mình phải đạt học sinh giỏi hoặc phải lọt vào “tốp đầu” được khen thưởng cuối năm học đã khiến nhiều em bị áp lực, học thêm ở bên ngoài rất căng thẳng. Như thế chính cha mẹ đã khát danh hiệu học sinh giỏi, muốn con mình phải vào những trường tốt, có yêu cầu xét tuyển đầu cấp cao chứ không hẳn do nhà trường, giáo viên chủ nhiệm muốn thành tích.

Mặc dù Thông tư 30 đã thay đổi cách đánh giá năng lực của học sinh tiểu học bằng điểm số, nhưng việc cho phép các trường tự ra đề kiểm tra cuối năm học đã khiến tỷ lệ học sinh giỏi lớp 5 tăng vọt, trong đó tổng điểm tuyệt đối 20 đối với hai môn Toán, Văn cũng rất cao. Thực tế này đang gây khó cho các trường điểm, trường tiên tiến trong việc xét tuyển sinh vì hồ sơ đăng ký quá nhiều.

Nhiều phụ huynh, nhà trường còn đặt nặng vấn đề thành tích. Ảnh minh họa: Mai Hải 

Tuy năm học 2015-2016 chưa bế giảng, nhưng nhiều phụ huynh đã biết chắc con mình tiếp tục đạt danh hiệu học sinh giỏi và tự hào bởi thành tích sáng chói liên tục này. Chẳng những học sinh vui, phụ huynh vui mà giáo viên bộ môn lẫn chủ nhiệm và ban giám hiệu các trường học đều vui và tự hào. Bởi lẽ, căn cứ vào thành tích học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi cao, tỷ lệ thí sinh thi đậu vào các trường ĐH, CĐ cao…, từ giáo viên đến nhà trường sẽ được khen ngợi, vinh danh về thành tích thi đua “Dạy tốt, học tốt”!

Chỉ có điều học sinh chúng ta thực sự giỏi đến đâu, giỏi như thế nào, biết liên hệ, ứng dụng thực tế ra sao thì cả xã hội đang lo lắng, bởi sản phẩm giáo dục đang có lỗi.  Ngoài giỏi kiến thức, có tài ứng thí thi cử, tranh tài ở các cuộc thi học sinh giỏi các cấp, học sinh của chúng ta có phát triển toàn diện, được trang bị các kỹ năng cần thiết của thế kỷ 21 như mục tiêu đặt ra? Một khi bệnh “sính thành tích”, chạy theo điểm số trong ngành giáo dục và xã hội vẫn nặng nề, trong đó phụ huynh vẫn muốn con mình phải tỏa sáng bằng danh hiệu học sinh giỏi, đậu trường chuyên, lớp chọn, trường điểm… thì giá trị của câu chuyện thực học vẫn lu mờ.

KHÁNH BÌNH
 

Tin cùng chuyên mục