Con đường từ Pakistan đến tấn công San Bernardino của Tashfeen Malik

Tashfeen Malik, 27 tuổi, tay súng nữ cùng chồng - Syed Rizwan Farook, 28 tuổi - tấn công Trung tâm Regional Inland (IRC) ở San Bernardino, California, Mỹ, ngày 2-12, từng cam kết trung thành với thủ lĩnh nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).
Con đường từ Pakistan đến tấn công San Bernardino của Tashfeen Malik

Tashfeen Malik, 27 tuổi, tay súng nữ cùng chồng - Syed Rizwan Farook, 28 tuổi - tấn công Trung tâm Regional Inland (IRC) ở San Bernardino, California, Mỹ, ngày 2-12, từng cam kết trung thành với thủ lĩnh nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).

Con đường nào của Malik từ một thành phố nhỏ ở Pakistan đến vụ thảm sát 14 người ở California?

Các đầu mối, kéo dài đến Pakistan và Saudi Arabia, đang giúp các nhà điều tra tìm động cơ đã khiến Malik và chồng bỏ lại con gái mới sinh 6 tháng để vũ trang tận răng tấn công IRC.

Vũ khí của vợ chồng Farook - Malik trong cuộc tấn công IRC ở San Bernardino. Ảnh: REUTERS

Reuters dẫn nguồn 2 quan chức Pakistan cho biết, từ Karor Lal Esan, thành phố ở bờ Tây sông Indus ở tỉnh Punjab, Nam Pakistan, 25 năm trước, khi còn là một đứa trẻ, Malik cùng cha, Gulzar, một kỹ sư, chuyển tới sống ở Saudi Arabia. Tại đây, Gulzar trở nên sùng đạo, bảo thủ hơn.

Tay súng nữ Tashfeen Malik, 27 tuổi. Ảnh ABC News

Theo cựu Đại sứ Pakistan tại Mỹ Husain Haqqani, khu vực Punjab, nơi Malik đã sống những năm đầu đời là một "lãnh địa tuyển mộ" và là một thành trì của các nhóm Hồi giáo cực đoan liên kết Al-Qaeda. Trong số nhóm cực đoan tại đây có Lashkar-e-Taiba, nhóm đã tấn công trung tâm tài chính Mumbai của Ấn Độ vào tháng 11-2008.

ABC News dẫn nguồn một quan chức tình báo Pakistan cho biết, Malik trở về Pakistan năm 2007, theo học tại Đại học Bahuddin Zakri ở Multan để trở thành một dược sĩ và ở lại Pakistan đến năm 2012.

Theo thông tin từ luật sư của gia đình Farook ngày 4-12, qua một trang web hẹn hò, Malik quen Farook, thanh tra y tế, sinh tại Chicago, có cha mẹ là người Pakistan nhập cư.

Các quan chức Mỹ cho biết Farook có thể đã gặp Malik hoặc gia đình Malik tại Saudi Arabia vào mùa thu 2013. Sau một chuyến đi khác đến Saudi Arabia vào tháng 7-2014, Farook trở về Mỹ cùng Malik và họ kết hôn tại California một tháng sau đó. Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cho biết Malik nhập cảnh Mỹ bằng visa hôn thê theo một hộ chiếu Pakistan.

Theo Reuters, một nguồn tin Chính phủ Saudi Arabia nói rằng trong thời gian ở Saudi Arabia, Malik không gây chú ý gì về liên quan Hồi giáo cực đoan. Malik cũng không nằm trong bất kỳ danh sách theo dõi tình báo hoặc thực thi pháp luật nào ở Saudi Arabia.

Khác với Farook, sự hiện diện trực tuyến của Malik khó theo dõi hơn. Một tài khoản Facebook của Malik lập dưới một bí danh đã bị gỡ bỏ do vi phạm các quy định "cấm ca ngợi hoặc quảng bá các hành động khủng bố", một phát ngôn viên Facebook cho biết ngày 4-12.

Một quan chức Mỹ cho biết, trên tài khoản Facebook dưới một tên khác, Malik đã cam kết trung thành với Al-Baghdadi trong một bài viết vào ngày 2-12, ngày diễn ra cuộc tấn công IRC.

Reuters dẫn 2 nguồn tin Chính phủ Mỹ cho biết, các nhà điều tra Mỹ đang đánh giá bằng chứng cho thấy Malik đã cam kết trung thành với thủ lĩnh IS Abu Bakr Al-Baghdadi.

THIỆN NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục