Gần 1 tháng sau khi Báo Sài Gòn Giải Phóng khởi đăng bài Lao đao vì hàng nhái, cơ quan quản lý thị trường (QLTT) ở nhiều tỉnh, thành đã đồng loạt vào cuộc. Tuy nhiên, mỗi địa phương lại hiểu và vận dụng luật mỗi kiểu, đơn vị vi phạm cũng tranh thủ tận dụng kẽ hở này. Rốt cục, hàng nhái vẫn an toàn chạy từ tỉnh này qua tỉnh khác và vẫn... tiêu thụ đều đều. Còn doanh nghiệp (DN) bị hại vẫn chật vật tiếp tục vác đơn đi cầu cứu!

Quy trình đóng gói bột bánh xèo, bánh khọt Hương Xưa tại Công ty Intermix. Ảnh: THANH HẢI
Xử lý sai phạm: Mỗi nơi một kiểu
Vào cuộc sớm nhất là Ban chỉ đạo 389 tỉnh Vĩnh Long. Ngay khi có đơn kêu cứu của các DN bị hại là Công ty liên doanh Bột quốc tế (Intermix) và Công ty Bột mì Đại Phong, ngày 21-3, tỉnh Vĩnh Long đã cử đoàn liên ngành kiểm tra đơn vị làm hàng nhái là Công ty TNHH liên doanh Bột Sài Gòn (Vinamix) và Công ty Bột mì Đại Nam, có trụ sở tại Vĩnh Long. Biên bản kiểm tra ngày 21 và 22-3-2017 ghi rõ: Ông Phạm Minh Hiền, Giám đốc Công ty Vinamix, thừa nhận sai phạm đã sản xuất và đưa ra thị trường 40 tấn bột bánh xèo, 80 tấn bột mì đa dụng, xâm phạm quyền sở hữu bột bánh xèo Hương Xưa của Intermix và bột mì trái táo của Công ty Bột mì Đại Phong; đồng thời cam kết xin cho thời hạn để thu hồi sản phẩm sai phạm và thay đổi bao bì mới. Đợt kiểm tra kết thúc rất nhẹ nhàng, vì không có lô hàng nào bị niêm phong, tạm giữ, ngoại trừ biên bản làm việc có cam kết khắc phục của đơn vị vi phạm.
Đó cũng là nguyên nhân khiến đơn vị vi phạm thách thức pháp luật và xem thường cơ quan công quyền. Bằng chứng là ngày 28-3, Đội QLTT 5A thuộc Chi cục QLTT TPHCM đã kiểm tra chi nhánh Công ty TNHH Bột mì Đại Nam (số 47 đường Số 3, Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TPHCM), chi nhánh Công ty TNHH Quê Hương (số 11A Bửu Đình, phường 5, quận 6, TPHCM). Ghi nhận tại các điểm kinh doanh trên cho thấy, chi nhánh Công ty Bột mì Đại Nam không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, có chứa trữ gần 5 tấn bột bánh xèo Hương Quê và bột trái lê. Tương tự, tại Công ty Quê Hương cũng không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; chứa trữ hàng trăm thùng có chứa bột mì trái lê và bột bánh xèo Hương Quê. Điều đáng nói là, thay vì cam kết thu hồi như đã ký trong biên bản, đơn vị vi phạm vẫn tiếp tục cho sản xuất và tung hàng ra thị trường. Đoàn kiểm tra đã phát hiện tại Công ty cổ phần Bột mì Bình An Vinabomi (đường Phạm Thế Hiển, quận 8, TPHCM) - là đơn vị nhận gia công bột mì trái lê cho Công ty Đại Nam, số lượng bột mì trái lê 43,8 tấn!
Hôm nay, ngày 13-4, là hạn chót phía Công ty Bột mì Đại Nam và Công ty Vinamix cam kết với Chi cục QLTT TPHCM thu hồi toàn bộ sản phẩm sai phạm đã tung ra thị trường, nhưng liệu lời hứa có được thực hiện? Mặc dù QLTT TPHCM rất nỗ lực giải quyết vụ việc, nhưng do thiếu sự liên kết giữa QLTT và Ban chỉ đạo 389 ở nhiều địa phương nên vẫn như “ném đá ao bèo”. Hàng nhái vẫn chạy từ nơi bị kiểm tra qua nơi chưa bị kiểm tra và tiếp tục tiêu thụ bình thường! Trước đó, ngày 5-4, tại Đội QLTT số 1 thuộc Chi cục QLTT Tiền Giang, Công ty Vinamix cũng ký biên bản kiểm tra với nội dung rằng “do nguyên nhân khách quan không nhận thức được vấn đề xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” nên “mong cơ quan QLTT tạo điều kiện cho thu hồi hàng hóa” đã sai phạm; đồng thời cam kết “hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật” nếu thực hiện sai.
Câu chuyện còn “nóng” hơn ở chỗ, Công ty Đại Nam (cả Vinamix và Đại Nam đều có cùng địa chỉ trụ sở và do ông Phạm Minh Hiền là Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc) vừa thay đổi mẫu mã bao bì sản phẩm bột mì nhái, từ một trái lê (bị kiện) sang mẫu mới: hai trái lê, nhưng màu sắc, phông chữ trên bao bì - là những dấu hiệu dễ nhận diện - vẫn na ná sản phẩm bột mì trái táo của Đại Phong! Rõ ràng, rất khó để thuyết phục mọi người tin rằng DN vô tình không hiểu luật nên sai phạm.
Nhà đầu tư FDI lo ngại
Thời gian qua, hàng loạt DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã rót vốn vào Việt Nam, góp phần tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia. Công ty liên doanh Bột quốc tế (Intermix) cũng là một trong số những DN FDI như thế. Hai nhà đầu tư trong Công ty Intermix gồm Công ty Showa Shangyo (Nhật Bản) và Công ty Itochu (Thái Lan) cũng đã chính thức lên tiếng lo ngại về môi trường đầu tư Việt Nam. Intermix đã hoạt động hơn 10 năm nay và đã đứng chân ở thị trường Việt Nam các sản phẩm chế biến từ bột mì đa dụng như bột bánh xèo, bánh khọt, bột bánh bông lan, bột chiên tempura... nhãn hiệu Mikko. Intermix có đến 50% sản lượng xuất khẩu ra nước ngoài và khá nổi tiếng trên thị trường châu Âu, Mỹ. Nay DN này liên tục lao đao vì hàng nhái ngay trên thị trường nội địa - sân nhà, nhưng đi kêu cứu và kiện tụng đã 2 tháng nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Chưa thống kê hết các thiệt hại từ sự cố hàng bị nhái bao bì này, nhưng lo ngại lớn nhất từ phía nhà đầu tư Nhật Bản, đó là vụ kiện tụng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và sở hữu trí tuệ này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, doanh thu của công ty. Chỉ cần người tiêu dùng mua phải hàng làm nhái chưa kiểm định an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng không đúng như hàng thật, là họ sẽ quay lưng với sản phẩm thật; bao nhiêu công sức và chi phí đầu tư cho thương hiệu xem như mất trắng! Thông qua ban lãnh đạo Công ty Intermix, Công ty Showa Shangyo (Nhật Bản) và Công ty Itochu (Thái Lan) cho biết sẽ gửi đơn chính thức đến các cơ quan chuyên trách của Việt Nam để làm rõ sự vụ. Một lãnh đạo Intermix bức xúc: “Chúng tôi luôn hoàn thành trách nhiệm của một DN, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, đóng thuế đầy đủ, nhưng quyền lợi cơ bản là được kinh doanh trong môi trường cạnh tranh lành mạnh thì chưa được bảo vệ. Rất mong cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc để hỗ trợ DN sản xuất, kinh doanh chân chính, đặc biệt là những DN có liên doanh với nhà đầu tư nước ngoài như chúng tôi”.
SONG ĐĂNG - THI HỒNG