Còn nhiều vướng mắc trong việc khôi phục đi lại liên tỉnh

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa báo cáo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về công tác triển khai thực hiện tổ chức hoạt động vận tải hành khách trong giai đoạn thí điểm. Nhiều khó khăn vướng mắc trong việc nối lại hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh đã được nêu ra.

Tính đến hết ngày 18-10, cả nước đã có 48 địa phương được UBND tỉnh đồng ý cho khôi phục hoạt động tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh bằng xe ô tô;  38 địa phương đã đăng ký 795 tuyến, tuy nhiên chỉ có 588 tuyến thực chạy. Các doanh nghiệp cũng đã đăng ký 1870 chuyến hoạt động/ngày nhưng thực tế chỉ có 1037 chuyến được thực hiện. Tổng số hành khách được đường bộ vận chuyển trong giai đoạn này là 5641 khách.

Bộ GTVT cho biết, hiện có 15 sở GTVT đang báo cáo UBND tỉnh kế hoạch khôi phục lại tuyến vận tải đường bộ là: Cần Thơ, Bạc Liêu, Quảng Ninh, An Giang, Hải Dương, Hậu Giang, Ninh Thuận, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Bình Phước, Thừa Thiên - Huế.

Đối với vận tải hàng không, các hãng đã khai thác 17 đường bay/21 đường bay theo kế hoạch, số chuyến bay thực hiện là 193 chuyến, đạt tỷ lệ xấp xỉ 60% so với kế hoạch (322 chuyến). Tổng số hành khách được được vận chuyển trong giai đoạn này là 12.905 hành khách (Vietnam Airlines 49,0%, Vietjet Air 32,5%, Bamboo Airways 15,6% và Pacific Airlines 2,9%).

Đối với vận tải đường sắt, hiện đã có 48 địa phương đồng ý đón hành khách. Trong đó, tuyến Hà Nội – TPHCM chạy 2 đôi tàu/ngày đêm, bình quân có 603 hành khách/chuyến tàu; tuyến Hà Nội - Hải Phòng chạy 1 đôi/ngày đêm, bình quân có 126 hành khách/chuyến tàu.

Bộ GTVT cũng báo cáo Phó thủ tướng một số vướng mắc. Cụ thể, đối với vận tải đường bộ, yêu cầu đối với lái xe, phụ xe phải tiêm đủ liều vaccine Covid-19  khó thực hiện, do hầu hết các địa phương đều mới được tiêm 1 liều. Tại Nghệ An, số lượng lái xe được tiêm đủ 2 mũi mới chỉ đạt 41 người/khoảng 700 lái xe liên tỉnh. Tại các tỉnh Đắk nông, Sơn La, Hà Tĩnh... tỷ lệ tiêm vaccine chưa đạt đến 50%. Thậm chí tỉnh Đồng Tháp còn không đăng ký tham gia thí điểm do không đủ điều kiện về công tác phòng chống dịch Covid–19.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương còn có quy định quá chặt chẽ việc xét nghiệm, cách ly đối với hành khách. Nhiều hành khách không thể đáp ứng điều kiện về tiêm đủ liều.

Đặc biệt, theo Nghị quyết 128/NQ-CP quy định các tỉnh, thành phố xác định cấp độ dịch trên địa bàn, tuy nhiên, việc công bố cấp độ dịch tại các địa phương còn chưa kịp thời. Đến nay, mới chỉ có một số tỉnh, thành phố (Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế, Cao Bằng, Đồng Nai, Quảng Ninh, Quảng Trị, Vĩnh Phúc, Long An, Cần Thơ...) công bố việc tổ chức hoạt động vận tải hành khách.

Bên cạnh đó, việc công bố cấp độ dịch chưa có tổng hợp chung trên toàn quốc mà mỗi tỉnh công bố tại một trang web riêng, gây khó khăn cho đơn vị kinh doanh vận tải trong việc theo dõi và cập nhật thông tin để có phương án hoạt động phù hợp. Hơn nữa, một số tỉnh thành phố thuộc vùng xanh nhưng vẫn duy trì chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 và chưa cho hoạt hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh vào hoạt động bình thường.

Đối với vận tải hàng không, Bộ GTVT cho rằng tỷ lệ chuyến bay đã thực hiện còn thấp (49%). Nhiều chuyến bay số lượng khách đặt chỗ rất thấp, thậm chí không có khách như  Thanh Hóa – Lâm Đồng, TPHCM – Cà Mau, Đà Nẵng – Cần Thơ, TPHCM – Rạch Giá, Đà Nẵng – Buôn Ma Thuột... Trong khi đó, các đường bay đi/đến các địa phương phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An còn bị hạn chế, không đáp ứng nhu cầu hành khách.

Bộ GTVT đã đề xuất Phó thủ tướng chỉ đạo các địa phương phối hợp cùng Bộ GTVT tháo gỡ những khó khăn vướng mắc nêu trên để hoạt động vận tải hành khách sớm được khôi phục trong giai đoạn tới.

Tin cùng chuyên mục