(SGGP).- “Báo cáo kinh tế vĩ mô quý 4 và năm 2014: Thành quả cải cách phát triển 2014 và một số vấn đề chính sách 2015 - 2016” đã được công bố tại cuộc hội thảo do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức sáng 11-2 tại Hà Nội.
Theo đó, tình hình kinh tế vĩ mô quý 4 và cả năm 2014 cho thấy tín hiệu phục hồi tăng trưởng rõ ràng hơn, song còn thấp xa so với mức trung bình 1990 - 2010 và xu thế tăng trưởng chưa được cải thiện rõ nét. “Phục hồi tăng trưởng chỉ diễn ra ở các ngành nông lâm nghiệp, thủy sản và công nghiệp - xây dựng, nhưng dịch vụ tăng trưởng chậm lại, nhất là dịch vụ lưu trú và ăn uống”, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM phân tích. ông Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh, chất lượng tăng trưởng chưa cải thiện và “yêu cầu tăng nhanh năng suất, nhất là năng suất lao động, đã trở nên không thể chần chừ”, bởi số lượng lao động đang tăng chậm hơn đáng kể so với trước đây.
Ông Nguyễn Đình Cung ghi nhận tác động tích cực của sự thay đổi thể chế năm 2014 đến môi trường kinh doanh Việt Nam và cho rằng, trong thời gian tới, quyền tự do, tự chủ kinh doanh tiếp tục được mở rộng; doanh nghiệp được tự quyết nhiều hơn đối với các vấn đề nội bộ. Đồng thời, thay đổi thể chế cũng đã làm giảm rủi ro pháp lý; tăng mức độ an toàn trong đầu tư, kinh doanh và giúp giảm chi phí...
Bình luận về các chính sách tới đây, TS Nguyễn Đình Cung nhận xét: Việc giảm lãi suất cho vay là rất cần đối với doanh nghiệp, nhưng dư địa thực tế không nhiều. Đây chính là nút thắt đối với nền kinh tế nước ta. Việc hạ lãi suất khó có thể diễn ra trên diện rộng, mà chỉ thông qua vận động một số ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước có thể hỗ trợ bằng cách giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc với tiền gửi bằng tiền đồng Việt Nam cho các ngân hàng này. Một khuyến nghị khác đối với nhóm chính sách tín dụng là hạn chế dần sự khác biệt trong đối xử với các lĩnh vực được ưu tiên/bị hạn chế để tạo thị trường tín dụng cạnh tranh, không méo mó; đồng thời giúp cho các tổ chức tín dụng chủ động hơn trong hoạt động kinh doanh của mình.
ANH THƯ