Công bố Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia năm 2022

Diễn ra từ ngày 2 đến 4-12 tại Bình Dương, TECHFEST 2022 hướng tới tìm kiếm các giải pháp cho các lĩnh vực chịu nhiều tác động của đại dịch Covid-19 và có tiềm năng trong tương lai như y tế, giáo dục, năng lượng... TECHFEST 2022 cũng hướng tới thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở toàn diện ở Việt Nam.

Chiều 24-11, tại Hà Nội, Bộ KH-CN họp báo giới thiệu sự kiện Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia năm 2022 (TECHFEST VIETNAM 2022). Lấy chủ đề “Đổi mới sáng tạo mở - Khơi nguồn tư duy mới", TECHFEST 2022 sẽ diễn ra từ ngày 2 đến 4-12-2022 tại Bình Dương. TECHFEST 2022 hướng tới tìm kiếm các giải pháp các lĩnh vực chịu nhiều tác động của đại dịch và có tiềm năng trong tương lai như y tế, giáo dục, năng lượng...; giải quyết các vấn đề con người như đào tạo bồi dưỡng nhân lực để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế, nỗ lực phát huy tài năng của người Việt Nam, góp phần giải quyết công ăn việc làm, tạo ra các giá trị tốt đẹp cho thế hệ tương lai; đặc biệt là nhiệm vụ khôi phục nền kinh tế hậu đại dịch và ứng dụng công nghệ xử lý các khó khăn hậu Covid-19.

Công bố Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia năm 2022 ảnh 1 Quang cảnh cuộc họp báo. Ảnh T.B
TECHFEST 2022 cũng hướng tới thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở toàn diện (VOIP) với ba trụ cột chính. Trụ cột đầu tiên, Nhà nước là khách hàng tiềm năng và đặt ra đề bài, sử dụng sản phẩm công nghệ của doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trụ cột thứ hai, các tập đoàn và doanh nghiệp tiếp tục đưa ra bài toán, tìm kiếm sáng kiến, khách hàng, đồng thời là người đồng hành, cố vấn nhà đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Trụ cột thứ ba của VOIP xác định việc đổi mới sáng tạo tập trung vào giải quyết các vấn đề xã hội: biến đổi khí hậu, môi trường, sức khỏe, trẻ em, người già, phụ nữ, phát triển bền vững...

Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng cho biết, Bộ KH-CN đã phối hợp với Bộ Ngoại giao mời các trí thức người Việt ở nước ngoài cùng tham gia để giải quyết các bài toán về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam. So với mọi năm, TECHFEST 2022 đã mở rộng được quy mô và có sự tham gia nhiều hơn của các nguồn lực xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp.

Theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, hiện hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia đã phát triển mạnh mẽ và đi vào tất cả các lĩnh vực để giải quyết các vấn đề của đời sống kinh tế xã hội. TECHFEST 2022 sẽ đưa các hoạt động của các làng công nghệ, các doanh nghiệp đi cùng để giải quyết bài toán của các địa phương như việc sản xuất các sản phẩm OCOP, sản phẩm hữu cơ, vấn đề chỉ dẫn địa lý, thương hiệu, bảo vệ môi trường...

Từ kinh nghiệm tổ chức TECHFEST nhiều năm, Thứ trưởng Trần Văn Tùng thừa nhận, các startup Việt không thiếu khả năng, nhưng lại thiếu các ý tưởng có khả năng thuyết phục nhà đầu tư. Đây là điểm yếu mà các startup Việt, các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước cần khắc phục.

Công bố Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia năm 2022 ảnh 2 Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng phát biểu tại cuộc họp báo. Ảnh T.B
Hiện tại, 10 đội thi xuất sắc nhất cuộc thi tìm kiếm tài năng TECHFEST VIETNAM 2022 đã sẵn sàng cho chặng cuối với giá trị giải thưởng lên đến 500.000 USD, cùng các gói hỗ trợ đặc biệt sau chương trình đến từ đối tác và nhiều đặc quyền khác. Đây là cuộc thi tìm kiếm các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ với hàm lượng công nghệ và đổi mới sáng tạo cao đến từ các doanh nghiệp khởi nghiệp. Đối tượng tham gia cuộc thi là các cá nhân là người Việt sinh sống và làm việc trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, có ý tưởng, sản phẩm/dịch vụ/công nghệ đổi mới sáng tạo. Để được vào tốp 10, các doanh nghiệp trải qua hành trình 3 tháng tranh tài với gần 500 dự án khác, trải qua các vòng thi căng thẳng và các hoạt động đào tạo, tập huấn, kết nối với các chuyên gia trong và ngoài nước.

Trước thềm TECHFEST 2022, các hoạt động đổi mới sáng tạo mở và các sự kiện cũng được phát triển bài bản. Nổi bật là hội thảo các doanh nghiệp nước ngoài và trí thức kiều bào hướng tới giải quyết các vấn đề đổi mới sáng tạo tại địa phương; Mô hình các tổ chức khởi nghiệp sáng tạo tại địa phương; hội thảo vai trò của các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia trong phát triển các sản phẩm chủ lực vùng Bắc Trung bộ tại Thừa Thiên - Huế; hội thảo ứng dụng KH-CN và chuyển đổi số phục vụ phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu tại Sóc Trăng; cùng hàng loạt hội thảo kết nối nguồn lực cho các địa phương và những làng công nghệ như: Làng Công nghệ Tài chính (Fintech), Làng Vũ trụ ảo (Metaverse), Làng Công nghệ chuỗi khối (Blockchain)...

Tin cùng chuyên mục