Công nghệ hỗ trợ cứu nạn cứu hộ

Theo Viện Chính sách chiến lược Australia (ASPI), Trung Quốc đã vượt Mỹ và phương Tây trong nghiên cứu và phát triển 37/44 công nghệ then chốt, thuộc những lĩnh vực quốc phòng, chinh phục không gian, robot… Trong số đó, có công nghệ tham gia và hỗ trợ công tác cứu nạn, cứu hộ tại các vùng thảm họa.
Cầu phao trợ lực giúp người dân di tản khỏi vùng lụt. Ảnh: China Daily
Cầu phao trợ lực giúp người dân di tản khỏi vùng lụt. Ảnh: China Daily

Qua mặt ngoạn mục

Kết luận trên dựa trên 2,2 triệu trích dẫn nghiên cứu được công bố trong các bài báo học thuật hàng đầu giai đoạn 2018-2022. Báo cáo nhấn mạnh, Trung Quốc hiện tập trung nghiên cứu nhiều nhất ở lĩnh vực quân sự và chinh phục không gian. Nước này chiếm 48% các tài liệu nghiên cứu hàng đầu về động cơ máy bay tiên tiến và cũng là nơi có 7/10 tổ chức nghiên cứu hàng đầu thế giới tập trung cho lĩnh vực này.

Theo báo cáo, Mỹ chỉ đứng đầu trong vài công nghệ như điện toán lượng tử, điện toán hiệu suất cao, vaccine và đứng sau Trung Quốc trong hầu hết các hạng mục khác. Ở “tầng thứ hai”, các quốc gia như Ấn Độ, Anh, Hàn Quốc, Đức và Australia cũng phát triển khả năng nghiên cứu tiên tiến, nhưng đều thua xa Trung Quốc.

TS Jamie Gaida, đồng tác giả của báo cáo ASPI, cho biết, dù các nghiên cứu của Trung Quốc chưa chuyển thành ưu thế công nghệ ngay lập tức, nhưng đây là nền tảng vững chắc để nước này định vị là cường quốc khoa học và công nghệ hàng đầu thế giới.

Ông J.Gaida nói với ABC News: “Chúng tôi khá ngạc nhiên trước sự dẫn đầu kịch tính trong một số công nghệ. Trung Quốc công bố khoảng 65% nghiên cứu hàng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghệ then chốt...”.

Theo số liệu từ Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, Trung Quốc lần đầu vượt qua Mỹ về số lượng bằng sáng chế hàng năm vào 2011. Đến 2021, tổng số sáng chế của Trung Quốc đạt 1,58 triệu, cao gấp đôi Mỹ. Mỹ đã và đang lo ngại trước sự tiến bộ của Trung Quốc, nên tìm mọi cách kiềm chế từ việc cấm các thiết bị công nghệ Trung Quốc, hạn chế xuất các mặt hàng quan trọng.

Thậm chí năm 2018, chính phủ của Tổng thống Donald Trump đã đưa ra chương trình Sáng kiến Trung Quốc gây tranh cãi, nhằm tìm cách bảo vệ các phòng thí nghiệm và doanh nghiệp Mỹ khỏi gián điệp kinh tế. Tuy nhiên, điều này đang phản tác dụng khi có hàng ngàn nhà khoa học gốc Hoa trở về nước.

Theo tờ Wall Street Journal, chỉ tính riêng năm 2021, hơn 1.400 nhà khoa học Trung Quốc đã rời Mỹ để gia nhập các đơn vị nghiên cứu trong nước. Trong khi đó, báo cáo của ASPI cũng cho thấy, 1/5 số tác giả của các bài nghiên cứu khoa học gốc Hoa từng công tác ít nhất 1 năm ở phương Tây.

Cứu nạn hiệu quả cao

Trong các thảm họa thiên tai, sức mạnh khoa học và công nghệ như máy bay không người lái, cầu phao và robot, giám sát vệ tinh, tích hợp luồng thông tin, đo nhiệt độ tự động, công nghệ thông tin địa lý của Trung Quốc đã cải thiện đáng kể hiệu quả cứu hộ.

Trong trận mưa lớn kỷ lục ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc năm 2021, máy bay không người lái neo đậu Tianshu-A8 đã được đưa vào ứng cứu tại khu vực bị ảnh hưởng, hỗ trợ khẩn cấp về chiếu sáng và camera quan sát. Sau đó, máy bay không người lái mang tên Pterosaur-2H đã cất cánh khẩn cấp từ sân bay Quý Châu đến Hà Nam. Pterosaur-2H có thể khôi phục 50km2 thông tin liên lạc mạng công cộng di động, thiết lập mạng liên lạc âm thanh và hình ảnh bao phủ 15.000km2. Ngoài ra, nó cũng có thể hoàn thành các nhiệm vụ như điều tra hiện trường thảm họa và cung cấp vật liệu khẩn cấp.

Khi thiên tai xảy ra, việc đảm bảo thông tin liên lạc để ứng cứu khẩn cấp rất quan trọng. Mất tín hiệu liên lạc dẫn đến không phát được tín hiệu cầu cứu, không thể thực hiện việc chỉ huy và điều động hiện trường cứu nạn, cứu hộ. Đây là lần đầu tiên UAV Pterosaur-2H xuất hiện trước công chúng và là ứng dụng thực tế đầu tiên của các loại UAV lưỡng dụng, cả cho mục đích dân sự và quân sự, được triển khai khi đối mặt với thiên tai.

Hai cây cầu phao trợ lực có chiều dài 40m và chiều rộng 8m đã được dựng lên trên mặt nước của TP Tân Hương, tỉnh Hà Nam. 4 giờ sau, hơn 1.000 cư dân được di tản an toàn khỏi vùng lụt. Chiếc cầu phao trợ lực được mệnh danh là “thuyền cứu sinh” có thể chở 450 người; ngược lại, bè cứu sinh chỉ chở được tối đa 6 người cùng một lúc. Trong thảm họa lũ lụt, cầu phao trợ lực có thể nhanh chóng được dựng lên và chịu tải an toàn. Cầu phao trợ lực còn có thể vận chuyển trực tiếp các loại máy móc lớn như máy xúc, máy ủi, giải quyết vấn đề lội nước cứu nạn hiệu quả. Ngoài ra, 118 robot Dolphin One cũng đã đến Trịnh Châu để thực hiện công tác cứu hộ. Robot cứu sinh được vận hành bởi một người cứu hộ trên bờ hoặc trên thuyền, tốc độ bơi 3m/giây, tải trọng 150kg, có thể kéo cùng lúc 3 người lớn.

Những thiết bị trên không gian cũng tham gia giải cứu mặt đất. Vệ tinh khí tượng Phong Vân hướng tầm nhìn qua Hà Nam để theo dõi chế độ mưa và những thay đổi ở Hà Nam theo thời gian thực, cung cấp dự báo thời tiết theo thời gian thực. Cùng lúc, hệ thống định vị Bắc Đẩu đã hoàn thành việc thu thập và truyền thông tin về thảm họa như định vị không gian và tham chiếu thời gian trong tình huống khẩn cấp. Các ứng dụng của WeChat, Alipay, AutoNavi Maps và các ứng dụng khác đã kịp thời đưa ra các chương trình mini thông tin trợ giúp, giúp luồng thông tin khổng lồ và lộn xộn được thu thập và phân loại một cách có trật tự, giúp nâng cao hiệu quả của công tác cứu hộ từng điểm.

Trong giai đoạn đầu của trận mưa bão ở Trịnh Châu, chức năng bản đồ của AutoNavi Maps kịp thời nhắc nhở người lái xe đi đường vòng tránh những đoạn nguy hiểm. Trong thảm họa lũ lụt này, AutoNavi Maps đã khẩn cấp cập nhật chức năng Bản đồ vùng ngập, người dùng không chỉ nhìn thấy lượng nước tích tụ trên đường mà còn có được thông tin vị trí của các nơi trú ẩn xung quanh, số điện thoại của các đội cứu hộ và các thông tin khác…

Tin cùng chuyên mục