Công nghệ hỗ trợ người khó khăn

Dịch Covid-19 bùng phát tại TPHCM và các tỉnh thành phía Nam, nhiều đơn vị công nghệ đã đưa các nền tảng số với tinh thần thiện nguyện, góp phần cùng chính quyền hỗ trợ người dân gặp khó khăn. 

Chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ thực phẩm

Thời gian qua, nhiều cá nhân, đơn vị tích cực tham gia hỗ trợ người khó khăn như chương trình “Trao oxy nối dài sự sống”, “ATM oxy”, “ATM gạo ứng dụng AI”… Các chương trình thể hiện ý nghĩa tích cực, thiết thực giúp đỡ người bệnh, người nghèo. Di động Việt cùng Satra Mart và FoodBank cùng thực hiện chương trình “Thực phẩm chia sẻ”, cung cấp các loại lương thực, thực phẩm tươi ngon chất lượng, đồng giá 30.000 đồng tại website https://thucphamchiase.didongviet.vn.

Công nghệ hỗ trợ người khó khăn ảnh 1 GoCar của Gojek phục vụ lực lượng y tế tuyến đầu
Sau hơn một tháng triển khai, hàng chục tấn nhu yếu phẩm đã được chuyển đến người dân. Không chỉ vậy, nhóm thiện nguyện Di động Việt trực tiếp chuyển hàng tấn thực phẩm miễn phí đến các bếp từ thiện, người trong khu vực cách ly. 

Ông Nguyễn Ngọc Đạt, CEO chuỗi Di động Việt, cho biết: “Với phương pháp thủ công thì không thể giải quyết kịp thời nhu cầu của người cần nên chúng tôi phải xây dựng nền tảng hỗ trợ online. Trong vòng 48 giờ, trang web đã hoạt động với tiêu chí 5C: có giao diện bình dân; có quản lý kho gọn gàng đơn giản; có đặt hàng online; có thanh toán online; có tích hợp cổng kết nối với giao nhận. Chúng tôi đã ứng dụng các giải pháp từ sự hỗ trợ công nghệ của Haravan, nhờ đó trang web trở thành công cụ kết nối quan trọng trong thực hiện chương trình”. 
Ứng dụng eDoctor hỗ trợ tư vấn sức khỏe miễn phí cho người dân
eDoctor là một nền tảng chăm sóc y tế trực tuyến. Khi dịch bùng phát, startup này đã triển khai chương trình “Tư vấn sức khỏe trực tuyến tại nhà - không cần đi xa” miễn phí toàn bộ dịch vụ tư vấn với bác sĩ qua các hình thức: gọi video trực tiếp với bác sĩ, chat với bác sĩ, đặt câu hỏi gửi bác sĩ giải đáp. Để được bác sĩ tư vấn miễn phí, người dân cần cài đặt ứng dụng di động eDoctor hoặc truy cập vào trang web edoctor.io. Với dịch vụ tư vấn bằng hình thức gọi video với bác sĩ, người dân cần đăng ký lịch hẹn trước thông qua ứng dụng eDoctor hoặc tại địa chỉ https://edoctor.io/goi-bac-si.

Đến nay, eDoctor đã hỗ trợ cho hàng ngàn người có nhu cầu và sẽ tiếp tục kéo dài cho đến khi dịch bệnh tạm ổn. “Người dân hiện rất khó khăn khi muốn đi khám bệnh, gặp bác sĩ tư vấn sức khỏe, vì vậy eDoctor và đội ngũ y bác sĩ luôn trong tư thế sẵn sàng hỗ trợ cộng đồng. Người dùng không phải trả bất kỳ loại phí nào cho các dịch vụ gọi video, nghe bác sĩ tư vấn”, ông Vũ Thanh Long, Tổng giám đốc eDoctor, chia sẻ.

Kết nối tương trợ

Với nền tảng rộng khắp, zalo ra mắt tính năng zalo connect nhằm tăng sự kết nối và tương trợ trong mùa dịch. Tính năng này được zalo hoàn thiện trong 5 ngày với sự đồng hành của Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch Covid-19 quốc gia và đang áp dụng cho TPHCM, Long An, Đồng Nai, Bình Dương. Sau đó, zalo connect đã được triển khai rộng rãi tại hơn 20 tỉnh, thành đang giãn cách xã hội.

Truy cập trang web edoctor.io để tìm hiểu và chọn bác sĩ tư vấn cho vấn đề sức khỏe của cá nhân và gia đình.  Ảnh: NGỌC QUỲNH
Chỉ với vài thao tác đơn giản trên zalo connect, người dân trong vùng giãn cách có thể tìm kiếm sự hỗ trợ khẩn cấp từ cộng đồng. Với những người đang gặp khó khăn, cần sự hỗ trợ thì chọn mục “Tôi cần giúp đỡ”. Sau đó, dựa vào nhu cầu của bản thân, gia đình để nhờ sự trợ giúp. Với các cá nhân, tổ chức thiện nguyện mong muốn hỗ trợ những người khó khăn thì có thể chọn mục “Tôi muốn giúp đỡ”, ngay lập tức giao diện sẽ hiện ra bản đồ trực quan cũng như danh sách những trường hợp cần giúp đỡ xung quanh với đầy đủ thông tin, tình trạng cần giúp. Sau đó, người muốn giúp có thể tự trao đổi, nhắn tin với nhau để xác minh lại thông tin, những vật phẩm cần giúp cũng như cách thức trao nhận. 


Còn Gojek, nền tảng công nghệ đa dịch vụ theo yêu cầu hàng đầu Đông Nam Á cũng nhanh chóng đưa ô tô công nghệ GoCar hoạt động tại TPHCM. Dịch vụ này dành riêng để phục vụ lực lượng y tế tuyến đầu. Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TPHCM, chia sẻ: “Chúng tôi hy vọng sáng kiến này của Gojek sẽ truyền cảm hứng cho các tổ chức, đơn vị doanh nghiệp khác trên địa bàn thành phố nỗ lực mọi cách để hỗ trợ cộng đồng, chung tay với chính quyền để thành phố sớm bình an trở lại”. 

Những nền tảng công nghệ được xây dựng trên tinh thần tự nguyện, giúp đỡ người khó khăn đã mang lại những giá trị to lớn trong thời điểm khó khăn do dịch Covid-19 hiện nay. Dù có những lúc buộc phải ngừng, hạn chế hoạt động do siết chặt giãn cách, nhưng nhiệm vụ hỗ trợ người dân khó khăn vẫn tiếp diễn, duy trì đến khi dịch bệnh bị đẩy lùi, sinh hoạt người dân trở về trạng thái bình thường. 

Tin cùng chuyên mục