Thật vậy, trong quá trình phát triển kinh tế của mình, TPHCM đã và đang là một trung tâm thương mại - dịch vụ cho hoạt động sản xuất công nghiệp và nông nghiệp của hai vùng Đông và Tây Nam bộ, nhất là những ngành dịch vụ ưu tiên cần có giá trị gia tăng cao, mang tính hỗ trợ kết nối với thị trường quốc tế như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và logistic. Trong 3 năm qua, TPHCM cũng đã có nhiều chương trình hợp tác thúc đẩy liên kết với vùng ĐBSCL nói chung và với một số tỉnh thành của đồng bằng nói riêng. Đáng kể nhất là kế hoạch hợp tác về du lịch liên kết TPHCM với 13 tỉnh thành đồng bằng 2020-2025.
Sau đại dịch năm 2021, liên kết hai bên không chỉ là nhu cầu, mà còn là động lực cộng sinh sống còn cho quá trình phục hồi và phát triển sắp tới. Hai nguyên tắc chính cần phải đưa thành kim chỉ nam cho hành động: Một là hợp tác dựa trên một quy hoạch tổng thể của cả vùng để phát huy thế mạnh của TPHCM và ĐBSCL.
Trong đó, điểm nhấn chính là tăng cường kết nối hạ tầng giao thông. Trước mắt là cửa ngõ phía Nam TPHCM, kết nối các địa phương láng giềng như Long An, Tiền Giang, về giao thông bộ và thủy. Cùng ĐBSCL thúc đẩy, kiến nghị Trung ương triển khai nhanh các dự án mang kết nối vùng như dự án Vành đai 2, Vành đai 3 và dự án đường sắt TPHCM - Cần Thơ trong bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn sắp tới. Hai là, hợp tác hai bên không chỉ giới hạn ở việc liên kết giữa các cơ quan nhà nước với nhau, khi TPHCM sẽ tạo các cơ chế thúc đẩy doanh nghiệp, ngân hàng, nhà đầu tư, viện/trường đại học, bệnh viện của thành phố đầu tư, hợp tác, phát triển các chương trình hỗ trợ ĐBSCL. Các doanh nghiệp du lịch lữ hành đang là động lực thúc đẩy các mô hình sinh kế, mô hình du lịch homestay, phát triển các sản phẩm từ tài nguyên bản địa phục vụ cho du khách của ĐBSCL cũng như cả nước và quốc tế. Nguồn nhân lực của đồng bằng, tương tự, cũng đang cần bổ sung kỹ sư, chuyên gia ngành nông nghiệp, khoa học sức khỏe, cơ khí nông nghiệp, môi trường, nước - những ngành mà cơ sở đào tạo từ TPHCM có thế mạnh.
Những tư duy mới trong quy hoạch vùng theo hướng tích hợp, phát triển tài nguyên - môi trường không phân mảnh, chia cắt; phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, “quốc gia trung hòa Carbon vào năm 2050” và “nông thôn là trụ đỡ quan trọng của đô thị”, đã được lãnh đạo của Trung ương, TPHCM và các địa phương nhiều lần khẳng định. Cụ thể ở Nam bộ, đó là mục tiêu tạo dựng một thực thể kinh tế khép kín với sự phân công lao động dựa trên chuỗi giá trị định hướng theo các xu thế phát triển bền vững, tiến bộ mà nhân loại đang theo đuổi.
Trong 2 năm vừa qua, nếu tinh thần của TPHCM là “nghĩa tình”, “lá lành đùm lá rách”, “lá rách ít đùm lá rách nhiều”, với ĐBSCL, thể hiện qua các chương trình “Nước sạch cho đồng bằng” hay thuốc men, dụng cụ y tế để phòng chống dịch bệnh, thì sắp tới đó là tinh thần “cộng sinh để phát triển”. Động lực cộng sinh sống còn phải được hiện thực hóa qua các chương trình hành động, biến những cam kết thành công trình, các ký kết thành dự án, để thúc đẩy nhanh chóng quá trình phục hồi và phát triển của cả vùng Nam bộ.