Câu chuyện đòi bình đẳng giáo dục trong trường học đang là một trong những chủ đề nóng trên các mặt báo thời gian gần đây ở Italia. Chuyện bắt nguồn từ việc một nhóm giảng viên nước ngoài đang giảng dạy tại Italia lên tiếng đòi có một chế độ bình đẳng hơn, thay vì bị phân biệt đối xử trong môi trường giáo dục.
Thống kê cho thấy hiện có khoảng 1.500 giáo viên người nước ngoài hoạt động tại Italia. Phần lớn trong số họ đến từ Mỹ, Anh, Canada, Trung Quốc, Đức và các nước Mỹ Latinh. Họ thường được ký hợp đồng lao động theo dạng “co-co-pro” - giáo viên tự do. Khác với những giáo viên chính thức, họ thường xuyên bị từ chối cho nghỉ thai sản, nghỉ khi gia đình có việc, bệnh tật. Họ làm việc với số giờ tương đương như những giáo viên chính thức nhưng mức lương chỉ bằng phân nửa hoặc ít hơn. Tình hình trở nên tồi tệ hơn trong bối cảnh Italia phải đối mặt với các khoản nợ công và chính phủ buộc phải cắt giảm ngân sách, trong đó có ngân sách giáo dục. Họ trở thành những người đầu tiên bị buộc thôi việc hoặc cắt giảm lương xuống mức thấp nhất.
Gánh nặng từ cuộc sống đắt đỏ tại Italia khiến các giáo viên nước ngoài không thể im lặng được nữa. Lời phàn nàn của họ được gửi đến Bộ Giáo dục nhưng không nhận được câu trả lời thỏa đáng. Họ quyết định vạch trần sự thật khi công bố những sai trái trong sự phân biệt đối xử ở trường học trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Thực ra, sự phân biệt đối xử với giáo viên nước ngoài tại các trường học đều nằm trong bộ luật của Italia. Năm 1989, Tòa án Tư pháp châu Âu đã ra phán quyết cho rằng Italia đã vi phạm Hiệp ước Rome khi hạn chế giáo viên nước ngoài trong các hợp đồng lao động hàng năm, liên tục từ chối cấp cho họ bảo hiểm y tế và các phúc lợi xã hội. Tuy nhiên, Chính phủ Italia vẫn không chỉnh sửa sự vô lý trong bộ luật của mình.
Đến năm 1995, Chính phủ Italia đã xác định lại công việc của những giáo viên nước ngoài chỉ là “những cộng tác viên ngôn ngữ”, họ không có quyền đòi hỏi bất cứ điều gì vì chỉ là giáo viên tự do. Rất nhiều giáo viên nước ngoài đã lên tiếng phản đối điều này, họ đâm đơn kiện và từ chối ký các hợp đồng lao động dưới dạng “cộng tác viên ngôn ngữ”. Năm 2010, chính phủ của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi lại một lần nữa gây bất bình cho các giáo viên nước ngoài khi thông qua một đạo luật mới, thực chất là “bình mới rượu cũ”, xác định lại vai trò của giáo viên nước ngoài tại trường học nhưng vẫn không có những quyền lợi mà họ đáng được hưởng trong thời gian giảng dạy.
Trả lời câu hỏi vì sao Chính phủ Italia luôn trì hoãn việc đảm bảo quyền lợi dành cho giáo viên nước ngoài, ông Stefano Giubboni, một chuyên gia về luật lao động Italia, cho rằng lý do chính là chính phủ luôn sợ sự bình đẳng trong đối xử sẽ phá vỡ những điều luật được xây dựng từ nhiều năm qua ở đất nước này. Hơn thế nữa, đây cũng là một biện pháp hạn chế sự đổ bộ ồ ạt của giáo viên nước ngoài đến Italia trong lúc đất nước đang gặp khủng hoảng. Vì thế, trong tương lai, bất bình đẳng trong giáo dục ở Italia sẽ vẫn chưa có hồi kết nếu chính phủ của ông Monti không có bất kỳ sự thay đổi nào.
THANH HẰNG