Công tác xây dựng pháp luật: Đóng góp vào thành công kinh tế - xã hội

Trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng khóa XII (2016-2020), công tác xây dựng pháp luật đã đóng góp quan trọng vào những thành công về kinh tế - xã hội, khẳng định thương hiệu quốc gia của Việt Nam như một đất nước pháp quyền có môi trường kinh doanh thân thiện và an toàn.

Minh bạch ngăn chặn “gửi gắm” lợi ích cục bộ

Với quyết tâm thực hiện Nghị quyết 48 về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng 2020 do Bộ Chính trị ban hành cách đây 15 năm, công tác xây dựng pháp luật đến nay đã tạo ra hệ thống pháp luật cơ bản bao quát đời sống kinh tế - xã hội. Các lĩnh vực quản lý nhà nước, đặc biệt là lĩnh vực lớn của nền kinh tế đã được pháp luật điều chỉnh với khuôn khổ pháp lý tương đối rõ ràng.

Cụ thể, theo Cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, trong năm 2020, các cơ quan nhà nước tại Trung ương đã ban hành 546 VBQPPL. Trong số đó, có 17 luật của Quốc hội, 158 nghị định của Chính phủ, 39 quyết định của Thủ tướng, 310 thông tư của các bộ trưởng và một số văn bản khác. Tính chung, cả giai đoạn từ 2016-2020, các cơ quan Trung ương đã ban hành tổng cộng 71 luật, 745 nghị định, 232 quyết định của Thủ tướng và 2.422 thông tư cùng nhiều văn bản khác.

Đáng lưu ý, số lượng luật và nghị định không có nhiều thay đổi so với giai đoạn 5 năm trước đó. Tuy nhiên, số lượng quyết định của Thủ tướng đã giảm 129 văn bản và số lượng thông tư giảm 201 văn bản. Điều này phù hợp với chủ trương giảm số lượng văn bản hướng dẫn thi hành hoặc các văn bản ở cấp quyết định, thông tư; nhằm tăng cường tính minh bạch, dễ triển khai, giảm nguy cơ “gửi gắm” lợi ích cục bộ.

Đặc biệt, kể từ khi “quyền tự do kinh doanh” được nhấn mạnh và thể hiện theo hướng ngày càng cởi mở trong Hiến pháp (1992, 2013), hàng loạt văn bản pháp luật quan trọng điều chỉnh môi trường kinh doanh đã ra đời. Năm 2020, trong vòng xoáy của đại dịch Covid-19 và những căng thẳng trong quan hệ kinh tế - chính trị toàn cầu, “bộ 3” gồm Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đã được Quốc hội thông qua, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-1-2021.

Trong khi Luật Đầu tư 2020 giải quyết phần lớn những mâu thuẫn, chồng chéo trong trình tự thủ tục đầu tư giữa luật này và các luật chuyên ngành khác; sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến ưu đãi đầu tư và bãi bỏ thêm một số ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (tuy số lượng ngành nghề được bãi bỏ chưa được như kỳ vọng của doanh nghiệp)… thì Luật Doanh nghiệp 2020 tiếp tục có những bước cải cách trong các thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp, quy định mới về doanh nghiệp nhà nước, sửa đổi một số quy định liên quan đến quản trị doanh nghiệp và nâng cao mức độ bảo vệ nhà đầu tư, cổ đông theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế tốt và phổ biến.

“Chân kiềng” thứ 3, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), là một luật mới, nâng cấp các quy định về PPP từ cấp nghị định lên thành luật, xác định rõ 5 lĩnh vực thiết yếu để thực hiện phương thức PPP nhằm tập trung nguồn lực; quy định về trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư; lựa chọn nhà đầu tư, cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu…

Công tác xây dựng pháp luật: Đóng góp vào thành công kinh tế - xã hội ảnh 1 Hoạt động kinh doanh tại chợ Bình Tây, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Tạo nền tảng vững chắc cho nhiệm kỳ tới

Các VBQPPL về kinh doanh hiện nay cơ bản đã thể hiện được tinh thần cải cách, thúc đẩy môi trường đầu tư, kinh doanh mà Chính phủ đã đề ra và theo đuổi trong suốt thời gian qua. Đó chính là nền tảng quan trọng, di sản quý báu mà nhiệm kỳ này - một nhiệm kỳ đã hoàn thành tốt nhiều “mục tiêu kép” trong bối cảnh hết sức khó khăn - để lại cho nhiệm kỳ sau.

Mặc dù vậy, hoàn thiện thể chế vốn dĩ là một nhiệm vụ xuyên suốt, phải thực hiện thường xuyên, liên tục. Tại hội nghị tổng kết công tác xây dựng pháp luật của ngành tư pháp diễn ra cuối năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu lên câu hỏi rất đáng suy nghĩ: “Các lãnh đạo cấp bộ, các bí thư tỉnh đã thực sự quan tâm đến công tác pháp chế ở bộ, địa phương mình chưa”? Người đứng đầu Chính phủ còn khẳng định, “có Bộ trưởng cả nhiệm kỳ không xuống đến vụ pháp chế làm việc”. Và cá biệt vẫn có trường hợp lãnh đạo bộ, ngành, địa phương “khoán trắng” cho cán bộ pháp chế, cho cấp phó thực hiện công tác xây dựng pháp luật.

Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng thi hành pháp luật là vấn đề quan trọng không kém, nếu không muốn nói, đây mới chính là yếu tố quyết định tốc độ và chất lượng tăng trưởng trong thời gian tới. Chỉ thị 43/2020 về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, khẳng định sự gắn  kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật.

“Tập trung chỉ đạo quyết liệt, đầu tư hợp lý nguồn lực và các điều kiện để thực hiện tốt các nhiệm vụ nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật” chính là phương châm hành động đã được xác định cho nhiệm kỳ 2021-2025, nhiệm kỳ bản lề của giai đoạn chiến lược 2020-2030, đưa Việt Nam đến mục tiêu trở thành “nước đang phát triển có thu nhập trung bình cao” vào đúng dịp kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng.

Tin cùng chuyên mục