Công trình trái phép “mọc như nấm sau mưa” ở TP Quy Nhơn
SGGPO
Hàng loạt công trình, nhà hàng, quán ăn, điểm du lịch xây dựng trái phép ở phường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định). Trong đó, nhiều khu nhà kiên cố bê tông xây dựng trái phép trên đất rừng, đất quy hoạch phát triển khoa học, đất hành lang quốc lộ, giữa suối hoặc trên sườn núi cheo leo…trong khi chính quyền địa phương lại lắc đầu than... khó xử lý.
Tràn lan công trình trên đất nông nghiệp, đất rừng
Vừa qua, PV Báo SGGP đã nhận được nhiều phản ánh của người dân về tình trạng gia tăng lấn chiếm, xây dựng tự phát trái phép trên đất có rừng, đất quy hoạch, đất ven hành lang quốc lộ 1D (QL1D), đất ven suối, sườn đồi… thuộc các khu vực 1, khu vực 2 (phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn).
Qua ghi nhận thực tế, dọc 2 bên QL1D đoạn qua khu vực 2, phường Ghềnh Ráng (vị trí gần đại lộ khoa học Quy Hòa) dù có nguồn gốc đất nông nghiệp, lâm nghiệp và đã được UBND tỉnh Bình Định quy hoạch khu đô thị, khu khoa học nhưng hàng loạt công trình, khu nhà, hàng quán, điểm du lịch… vẫn đang nghiễm nhiên tồn tại, quy mô xây dựng đang được mở rộng.
Hàng quán, công trình mọc trái phép nhưng không bị xử lý dọc quốc lộ 1D, thuộc khu vực 2, phường Ghềnh Ráng
"Điểm mặt" các nhà hàng (chủ yếu quán ăn) với các tên, như: AN., 2 V., Đ.Q.Q., S.T., Đ.V., H.L., Đ.N.G., khu du lịch vườn sinh thái suối Ph., H.S.Q., Gà chỉ B.M., Cà phê Th.Ph., H.Th., B.S., Đ.B., V.M., Đ.S., Q.D.… xây dựng dọc 2 bên quốc lộ, bê tông tràn lấn đất đồi rừng, khe suối. Trong đó, nhiều khu nhà, hàng quán nằm giữa dốc đổ đường đèo và tự phát mở đường đấu nối với QL1D rất nguy hiểm.
Một quán ăn xây dựng trái phép
Nhà hàng xây dựng kiên cố bao quanh suối Phướng
Tại suối Phướng (khu vực 2, phường Ghềnh Ráng), đang bị “bóp nghẹt” bởi công trình xây dựng của các nhà hàng “2 V.”, nhà hàng “Đ.Q.Q.” và “khu du lịch vườn sinh thái S.Ph.”. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở các con suối cầu Đá Dựng, suối cầu Dốc Mít…đều bị các nhà hàng bao chiếm, xây dựng tràn lấn hành lang suối tự nhiên. Phía sau các nhà hàng, nhiều khu vực đồi núi đang bị đào cắt phá tạo thành các mỏ đất chui để lấy đất phục vụ san lấp mặt bằng, xây dựng khiến 1 mảnh đồi núi nham nhở, nguy cơ sạt lở.
Khu nhà xây dựng tràn lấn ra khu vực hành lang suối Phướng
Ghi nhận tại xóm Bãi Xép trên (khu vực 1, phường Ghềnh Ráng), men theo con đường đồi dốc đứng khoảng 3 – 4km lên đến khu vực trồng rừng, vườn cây ăn quả của người dân và có rất nhiều khu nhà, công trình bê tông kiên cố, điểm du lịch tự phát mọc lên giữa rừng cây. Một số khu nhà ở kiên cố “ngụy trang” thành trang trại. Một số trường hợp treo bảng bán đất hoặc xây dựng công trình, khu nhà, hồ bơi để đón khách du lịch…
Càng lên cao nhiều vị trí đồi núi bị đào cắt làm đường, có chỗ đã được san bới để tạo mặt bằng chất từng đống gạch đá, vật liệu xây dựng làm nhà. Nhiều vị trí đồi núi bị xâm hại biến dạng, xuất hiện tình trạng sạt lở và điểm núi thoái hóa nguy cơ sạt lở cao.
Công trình xây dựng có hồ bơi trên đất lâm nghiệp ở khu vực 1, phường Ghềnh Ráng
Khu nhà bê tông kiên cố trong đất rừng ở khu vực 1, phường Ghềnh Ráng
Một khu nhà ở kiên cố khác trên đất trồng rừng
Theo một số người dân địa phương, có 2 dạng lấn chiếm xây dựng trái phép trên đất rừng là người dân bản địa và người từ trung tâm TP Quy Nhơn đến thu mua đất, xây dựng nhà ở, khu nhà nghỉ dưỡng…
Chính quyền biết, nhưng không xử lý được?
Ông Võ Chí Thiện, Chủ tịch UBND phường Ghềnh Ráng cho biết, UBND phường đã cử đoàn đi kiểm tra thực tế từng khu vực có phản ánh tình trạng lấn chiếm đất, xây dựng trái phép. Tại địa bàn khu vực 1 (phường Ghềnh Ráng) bước đầu địa phương đã phát hiện có 4 trường hợp xây dựng công trình, nhà, chòi, hồ nước... trái phép, đã lập biên bản chờ xử lý.
Tràn lan xây dựng trái phép trên núi rừng ven suối Vàng (khu vực 1, phường Ghềnh Ráng)
Ông Thiện lý giải, do địa bàn ở vị trí quá cao, xa và khuất trong khi lực lượng phường mỏng nên nhiều người dân lợi dụng, lén lút xây dựng trái phép không kịp thời phát hiện, xử lý. “Tuy nhiên, việc để xảy ra xây dựng trái phép không kịp thời ngăn chặn thì chúng tôi xin nhận trách nhiệm”, ông Thiện nói.
Chủ tịch UBND phường Ghềnh Ráng thừa nhận, đối với các điểm du lịch như “Ông Tơ”, “Tuyệt Tình Cốc” (ở đồi núi khu vực 1, phường Ghềnh Ráng) đều xây dựng tự phát, trái phép. Tuy nhiên, khi hỏi về biện pháp xử lý thì ông này cho biết, UBND phường đã lập hồ sơ và lập biên bản tổ chức cưỡng chế. Tuy nhiên, sau đó những người này lại tiếp tục mở hoạt động trở lại, rất khó xử lý.
Trong khi đó, theo ghi nhận thực tế của PV, riêng điểm du lịch “Tuyệt Tình Cốc” đã tồn tại nhiều năm qua. Các đối tượng bao chiếm cả khu vực đầu nguồn suối Đá Vàng (thuộc sơn phận khu vực 2, phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn) để mở điểm du lịch, đón khách.
Theo phản ánh của người dân, nhiều năm qua, hàng quán ở khu vực này vẫn nghiễm nhiên tồn tại và ngày càng mở rộng. Nhiều người dân ở nơi khác đổ đến tìm mua đất sang nhượng qua tay rồi mở hàng quán, xây dựng trái phép khiến cho tình hình càng trở nên phức tạp.
Chủ tịch UBND phường Ghềnh Ráng cho biết, những khu nhà hàng, quán ăn, điểm vui chơi... mà báo chí nêu ở dọc tuyến QL1D ở khu vực 2 (phường Ghềnh Ráng) đều xây dựng tự phát, trái phép. Về biện pháp xử lý, ông Thiện vẫn nói, đã lập biên bản kiểm tra, biên bản cưỡng chế.
Gạch đá, cát để phục vụ công trình xây dựng trên đất rừng
Khi PV đặt câu hỏi "có bị áp lực hay khó khăn gì không?", ông Thiện trả lời: “Tất cả đều do lịch sử từ năm 2001 tồn tại lại qua nhiều thời kỳ. Thời điểm đó, tuyến quốc lộ 1D Quy Nhơn – Sông Cầu hình thành thu hồi, bồi thường đất cho người dân. Nhiều người dân sau đó tự ý sang nhượng, mua bán đất nông nghiệp, lâm nghiệp rồi sang tay cho những người ngoài địa phương để mở hàng quán tự phát.
Khu nhà hàng xây dựng bóp nghẹt con suối Phướng
“Tất cả các trường hợp xây dựng trái phép chúng tôi đều cho người cưa cắt, nhưng vẫn tồn tại do có nhiều lý do lắm. Phường đâu có “ba đầu sáu tay” để quản lý được”, ông Thiện than khó.
Theo Chủ tịch UBND phường Ghềnh Ráng, hiện khu vực này đang được UBND tỉnh Bình Định quy hoạch cho dự án của một tập đoàn công nghệ. Đối với các công trình đã có biên bản vi phạm, quyết định cưỡng chế thì không được nhận tiền đền bù.