Vụ án Lê Thanh Vân

Có thể ngăn chặn sớm hơn?

Có thể ngăn chặn sớm hơn?

Phiên tòa xét xử vụ án Lê Thanh Vân dùng chất độc giết chết 13 nạn nhân vô tội đã kết thúc. Lê Thanh Vân đã phải nhận án tử hình, nhưng nỗi lo của người dân về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm qua vụ án này vẫn còn đó.

  • Cơ quan điều tra nhiều lần để “sổng” phạm nhân...

Lê Thanh Vân bị đưa ra xét xử về tội “Giết người” và “Cướp tài sản” nhưng không phải ngay từ đầu cơ quan điều tra đã kết luận được hành vi phạm tội thuộc loại “trời không dung, đất không tha” này. Ngày 7-7-2000, sau khi đã giết chết đến 9 nạn nhân, Lê Thanh Vân bị Công an tỉnh Bình Dương bắt khi có giữ chất độc trong người và có cả tài sản mà bị cáo vừa chiếm đoạt của nạn nhân, nhưng sau đó, Công an tỉnh Bình Dương chỉ khởi tố Vân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo BS Nguyễn Thanh Tuyền, Giám định viên trưởng Tổ chức giám định pháp y thành phố, trong vụ án Lê Thanh Vân có bệnh viện cho Vân nhận xác nạn nhân mà không yêu cầu xuất trình giấy tờ chứng minh mối quan hệ giữa Vân và nạn nhân hoặc có bệnh viện đã hiến xác nạn nhân sau khi Vân bỏ trốn khỏi bệnh viện là sai. Bởi lẽ, ngành y tế đã có qui định khi người thân của người chết làm thủ tục nhận xác phải xuất trình CMND và hộ khẩu để chứng minh mối quan hệ với người chết. Và khi phát hiện xác chết vô thừa nhận ở bệnh viện thì phải báo cho công an địa phương xử lý chứ không được tự tiện chôn cất hoặc hiến xác.

Ngày 30-10-2000, sau hơn 3 tháng điều tra, Công an Bình Dương mới quyết định thay đổi tội danh đối với Lê Thanh Vân từ “Lừa đảo…” sang “Giết người” và “Cướp tài sản”.

Tội danh đã được đổi đúng như hành vi phạm tội của Lê Thanh Vân trên thực tế, nhưng do hết hạn tạm giam mà vẫn không tìm ra chứng cứ kết tội, Công an Bình Dương phải thả Vân ra.

Thấy thoát tội quá dễ dàng, Lê Thanh Vân tiếp tục dùng chất độc giết chết thêm 4 nạn nhân nữa, và ngày 15-10-2001, trong khi đang tìm cách chiếm đoạt tài sản của nạn nhân cuối cùng thì Lê Thanh Vân bị Công an Bình Dương bắt giữ để điều tra về 2 cái chết do bị cáo gây ra trước khi bị bắt vào năm 2000.

Lần này, ngoài việc tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi giết người, cướp tài sản của Lê Thanh Vân, Công an Bình Dương còn khởi tố bổ sung đối với Vân tội “Tàng trữ trái phép chất độc”.

Quá trình điều tra sau đó, Công an Bình Dương đã nhập vụ án Lê Thanh Vân “Giết người”, “Cướp tài sản” và “Tàng trữ trái phép chất độc” vào làm một nhưng vẫn không tìm đủ chứng cứ để kết tội Lê Thanh Vân!

Công an Bình Dương lại có văn bản xin ý kiến chỉ đạo của Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an. Không thể để “sổng” Lê Thanh Vân một lần nữa, cơ quan CSĐT Bộ Công an quyết định nhận lấy trách nhiệm điều tra vụ án Lê Thanh Vân kể từ ngày 26-6-2002.

Và như chúng ta đã thấy, kết quả điều tra đã buộc Lê Thanh Vân phải cúi đầu nhận tội vì những chứng cứ tổng hợp, logic mà các điều tra viên trưng ra.

Lê Thanh Vân đã lãnh án tử hình nhưng hiện nay cơ quan điều tra vẫn đang tiếp tục điều tra để làm rõ việc Vân có liên quan đến 16 vụ đầu độc khác làm chết 3 người (13 người được cứu sống).

Kể lại cho chúng tôi nghe quá trình điều tra vụ án này, Đại tá Nguyễn Thế Bình (Phó thủ trưởng cơ quan CSĐT Bộ Công an) cho biết thêm: Lê Thanh Vân đã có hành vi giết người, cướp tài sản từ năm 1993 nhưng lần đó các cơ quan tiến hành tố tụng ở quận 10 đã để “sổng” Vân bằng bản án 4 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”!

  • Bài học về đấu tranh phòng chống tội phạm

Vì sao không ngăn chặn sớm hành vi phạm tội của Lê Thanh Vân? Đại tá Nguyễn Thế Bình cho biết, khi Công an Bình Dương bắt Lê Thanh Vân vào năm 2000, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã có ý kiến chỉ đạo không tìm ra chứng cứ trực tiếp thì phải tổng hợp chứng cứ gián tiếp để đấu tranh, kết tội nhưng cuối cùng, Công an Bình Dương không làm được việc này.

Có thể ngăn chặn sớm hơn? ảnh 1

Lê Thanh Vân trước vành móng ngựa. Ảnh: Ng. Hạnh

Theo Đại tá Nguyễn Thế Bình, những chứng cứ gián tiếp ở đây là: cứ ai được Vân làm quen, kết thân, rủ đi ăn, uống đều bị trúng độc và chết với các triệu chứng giống nhau, tất cả các nạn nhân đều được Vân “tận tình” đưa vào bệnh viện cấp cứu với danh nghĩa là vợ, là bạn hoặc thân nhân của các nạn nhân và khai không đúng tên thật của nạn nhân; sau khi các nạn nhân chết Vân thường trưng ra giấy nợ, giấy mua bán tài sản giả mạo để chiếm đoạt tài sản của các nạn nhân…

Với những chứng cứ gián tiếp này, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã đấu tranh buộc Lê Thanh Vân phải nhận tội.

Từ vụ án Lê Thanh Vân, Đại tá Nguyễn Thế Bình cho rằng cần phải rút ra 4 bài học nhớ đời về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Thứ nhất là bài học về sự cảnh giác.

Người dân phải cảnh giác khi được người lạ chủ động làm quen và mời ăn uống. Các bệnh viện phải hỏi giấy tờ của người đứng ra nhận xác.

Trong vụ án Lê Thanh Vân, có bệnh viện nghe Vân khai là vợ của nạn nhân mà không cần xem giấy tờ, đã giao xác nạn nhân cho Vân để Vân phi tang che giấu hành vi phạm tội của mình.

Bài học thứ hai dành cho cơ quan điều tra là không được cứng nhắc trong đánh giá chứng cứ để kết tội bị can. Khi thả bị can vì không đủ chứng cứ nhưng nghi ngờ họ phạm tội thì phải có kế hoạch theo dõi, giám sát chặt chẽ để kịp thời ngăn chặn hành vi phạm tội của họ nếu có.

Điều tra viên chỉ có tâm huyết và say mê công việc không chưa đủ mà còn phải có trình độ, trí tuệ để đủ khả năng đánh giá chứng cứ, tổng hợp chứng cứ.

Bài học thứ ba là bài học về ứng dụng khoa học kỹ thuật trong đấu tranh phòng chống tội phạm. Cyanua là chất độc phân hủy rất nhanh, cơ quan giám định phải có những phương tiện kỹ thuật tiên tiến hơn và phương pháp tối ưu hơn để thu lượm được độc chất này khi nó được đưa vào cơ thể người hoặc động vật.

Bài học thứ tư là bài học về quản lý chất độc. Nhà nước có qui định về quản lý chất độc nhưng trên thực tế việc mua bán chất độc trôi nổi trên thị trường vẫn còn tồn tại, diễn ra công khai. 

NGUYÊN HẠNH

Tin cùng chuyên mục