Cosplay - Bạo lực và xa xỉ

Thú chơi xa xỉ
Cosplay - Bạo lực và xa xỉ

Cosplay dùng để chỉ những người thể hiện cách ăn mặc giống truyện tranh Nhật Bản, trào lưu này đã du nhập vào Việt Nam cách đây vài năm. Tuy còn mới mẻ nhưng “teen” Việt đã tham gia khá hào hứng với những màn múa kiếm, bắn súng. Chi phí một bộ cosplay đặc biệt có thể lên đến vài chục triệu đồng…

Thú chơi xa xỉ

Gần đây nhất, lễ hội cosplay diễn ra ngày 21-9-2008 tại Hà Nội đã góp phần làm “bùng nổ” phong trào cosplay. Dân nghiện cosplay chủ yếu là học sinh cấp hai, cấp ba. Thế nhưng để thực hiện một bộ cosplay giá từ 300.000đ, 600.000 đến 800.000đ, có bộ lên đến 2 triệu đồng. Nếu muốn có một bộ cosplay nguyên gốc từ Nhật Bản thì khách hàng “teen” có khi phải trả giá trên 20 triệu đồng.

Trang phục cosplay rất cầu kỳ nên các tiệm may thường nhận làm với tiền công lên đến 1 triệu đồng. Số tiền cỡ ấy không làm suy giảm niềm đam mê cosplay của giới trẻ. Gần đây cư dân cosplay rỉ tai nhau về một bộ cosplay của nhân vật Kuroro Lucifer trong tác phẩm HunterxHunter đã đoạt Huy chương bạc cá nhân cuộc thi thiết kế thời trang theo truyện tranh trong “Đêm mùa hè Kim Đồng” giá 26 triệu đồng và chủ sở hữu là một bạn gái 9X.

Cosplay - Bạo lực và xa xỉ ảnh 1

Nhiều học sinh thích thú với các loại y phục đậm chất bạo lực.

Các shop may trang phục và bán phụ kiện cosplay đã “đổ bộ” lên mạng Internet để quảng bá sản phẩm với lời dụ dỗ: “Bạn mơ ước một lần hóa thân thành nhân vật truyện tranh mà mình yêu quý? Bạn muốn so tài trong cuộc thi cosplay đầy sôi động hấp dẫn nhưng cũng đầy gian khó? Để khẳng định mình trong giới Otaku?… Hãy đến với chúng tôi, bạn sẽ thực hiện được ước mơ của mình mà không phải lo lắng về giá cả…”.

Tuy vậy, giá một bộ cosplay ngót nghét 700.000đ, chưa kể các trang phục ấy chỉ mặc trong các lễ hội cosplay mà thôi.

Xuất phát ban đầu của cosplay là tạo sân chơi, phát huy sự sáng tạo của các bạn trẻ yêu thích truyện tranh trong lĩnh vực thiết kế thời trang. Thế nhưng những bộ cosplay tiền triệu - đôi khi vài chục triệu đồng chỉ để chơi thì quả thật quá xa xỉ với lứa tuổi học trò.

Góc khuất của bạo lực

Truyện tranh ngày nay không còn dễ thương với công chúa, hoàng tử. Thay vào đó là cuộc chiến chém giết nhau với súng, kiếm, phi tiêu… Trên một shop có lời rao: Ngoài việc nhận may đồ cosplay, làm phụ kiện, shop sẽ bán kèm các thứ khác như vòng, nhẫn, phi tiêu…

Vô hình trung, cosplay đã cổ vũ các trò bạo lực trong truyện tranh đối với giới trẻ. Bên cạnh đó những mẫu quần áo giống truyện tranh khi ra đời thường trở nên quái dị. Nhằm thu hút sự chú ý của khách “teen”, các shop sẵn sàng post hình ảnh học trò mặc bộ cosplay đen, bịt mặt tay cầm phi tiêu hoặc tuốt kiếm đầy sát khí. Một kiểu “khích lệ” bạo lực cần lên án.

Trong lễ hội Cosplay – Active Expo’08 lần thứ hai tổ chức tại Hà Nội đã thu hút sự tham gia của hàng ngàn bạn trẻ. Hình ảnh đánh kiếm, bắn súng, kề phi tiêu vào cổ nhan nhản trong chương trình. Đáng lo là có những gương mặt rất non nớt của các em học sinh cấp 1-2 thích thú với những trang phục, phụ kiện cosplay bạo lực. Có em còn hóa trang với những vết chém trên mặt, máu me đầy tay cùng với băng quấn trắng toát.

Những ảnh hưởng của truyện tranh - nhất là truyện tranh Nhật Bản, đã không dừng lại ở đó. Trào lưu cosplay đã lan tràn trong giới trẻ không chỉ ở các thành phố lớn, tại trường học mà còn ở cả thế giới mạng Internet.

Đã đến lúc chúng ta cần quan tâm hơn nữa đến tác hại không lường hết được của truyện tranh nước ngoài. Nhiều địa điểm văn hóa tổ chức các lễ hội cosplay như Nhà xuất bản Kim Đồng, Trung tâm triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam (Hà Nội), Nhà văn hóa Thanh niên (TP Hồ Chí Minh), cần kiểm soát chặt chẽ hoạt động này.

Từ một thú chơi dễ thương, cosplay đã biến tướng theo nội dung và hình thức đầy bạo lực làm vẩn đục tâm hồn và trí tuệ trẻ thơ, bào mòn sự trong sáng hồn nhiên của tuổi trẻ rất có hại cho một xã hội tương lai. Thiết nghĩ, người tổ chức phải chịu trách nhiệm về hoạt động này.

Duy Xuyên

Tin cùng chuyên mục