Giá lương thực, thực phẩm giảm do nguồn cung dồi dào; giá điện, nước sinh hoạt giảm theo nhu cầu tiêu dùng là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4-2021 giảm 0,04% so với tháng trước, tăng 1,27% so với tháng 12-2020. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 4 tăng 2,7%; CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2021 tăng 0,89%. Đây là mức tăng thấp nhất của CPI bình quân 4 tháng đầu năm kể từ năm 2016.
Trong mức giảm 0,04% của CPI tháng 4 so với tháng trước, khu vực thành thị giảm 0,08%; khu vực nông thôn tăng 0,01%, chủ yếu do chỉ số giá nhóm lương thực của khu vực thành thị giảm 0,06%; trong khi khu vực nông thôn tăng 0,03%.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính tháng 4-2021 có 4 nhóm giảm giá so với tháng trước, 6 nhóm tăng giá, riêng nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giữ giá ổn định.
Trong 4 nhóm hàng giảm giá, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 4 giảm 0,13% so với tháng trước (làm CPI chung giảm 0,04 điểm phần trăm) do giá gạo, thịt lợn, thịt bò, thịt gà, thủy sản giảm nhờ nguồn cung dồi dào. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,43% so với tháng trước (làm CPI chung giảm 0,08 điểm phần trăm) do chỉ số giá điện, nước sinh hoạt lần lượt giảm 0,73% và 1,57%; bên cạnh đó giá gas giảm 4,86% do giá gas trong nước điều chỉnh giảm 20.500 đồng/bình 12 kg sau khi giá gas thế giới giảm 65 USD/tấn (từ mức 610 USD/tấn xuống mức 545 USD/tấn). Nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,2% chủ yếu do các doanh nghiệp đẩy mạnh chương trình khuyến mại giảm giá đối với các sản phẩm điện thoại mẫu mã cũ. Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,11% do giá hoa, cây cảnh giảm 7,32% so với tháng trước.
Trong 6 nhóm hàng tăng giá, nhóm giao thông có mức tăng so với tháng trước cao nhất với 0,87% (làm CPI chung tăng 0,08 điểm phần trăm) do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh tăng, giảm giá xăng, dầu vào ngày 27-3, 12-4 và 27-4.
Sản xuất công nghiệp tháng 4-2021 ước tính tăng tới 24,1% so với cùng kỳ năm trước trong bối cảnh dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, đồng thời các Hiệp định thương mại tự do phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, cần nói rõ rằng tháng 4-2020, sản xuất công nghiệp giảm tới 7,6% so với cùng kỳ năm trước do thực hiện giãn cách xã hội để hạn chế ảnh hưởng của dịch Covid-19. |