Cử tri thanh niên cần hiện thực hóa khát vọng phát triển quê hương

Ngày 24-3, các tổ đại biểu (ĐB) HĐND TPHCM tiếp xúc cử tri thanh niên ở một số quận huyện.
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ trao đổi với cử tri thanh niên huyện Củ Chi. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ trao đổi với cử tri thanh niên huyện Củ Chi. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Tại huyện Củ Chi, tổ ĐB đơn vị 27, 28 gồm các ĐB: Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM; Phạm Thị Thanh Hiền, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi; Nguyễn Thị Thanh Diệu, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Củ Chi; Phạm Quỳnh Anh, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TPHCM; Đinh Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Công an TPHCM. Thay mặt 2 tổ ĐB, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh, việc tiếp xúc cử tri thanh niên là một trong những nội dung trọng tâm của HĐND TPHCM trong năm 2022. Qua đó để trao đổi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, hiến kế của cử tri thanh niên đóng góp cho sự phát triển của đất nước, của TPHCM, huyện Củ Chi. Đồng chí Nguyễn Thị Lệ đề nghị các sở, ngành liên quan và huyện Củ Chi cần sớm nghiên cứu ý kiến, đề xuất của cử tri thanh niên, tham mưu và triển khai thực hiện, có báo cáo với cử tri trong hội nghị tiếp xúc định kỳ lần sau.

Đồng chí Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh, để phát triển Củ Chi, bên cạnh những điều vừa nêu, một trong những yếu tố quyết định thành bại của sự phát triển là yếu tố con người, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của thế hệ trẻ, của thanh niên. Đồng chí kêu gọi toàn thể cán bộ, đoàn viên hãy nỗ lực hơn nữa để thực hiện quyết tâm ấy. Cử tri thanh niên huyện Củ Chi cũng cần phát huy hơn nữa truyền thống quê hương Củ Chi đất thép thành đồng. Các bạn trẻ phải là những nhân tố hiện thực hóa khát vọng phát triển quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc bằng trí tuệ và tính tiên phong, tình nguyện, dấn thân, xung kích của người đoàn viên, thanh niên Củ Chi nói riêng và TPHCM nói chung. Bên cạnh đó, cần suy nghĩ, sáng tạo và có nhiều hiến kế thiết thực, hiệu quả đóng góp cho sự phát triển của TPHCM; cùng TPHCM và huyện giải quyết các vấn đề còn hạn chế, tồn tại trong những năm qua, cùng nhau khơi dậy mạnh mẽ các lợi thế, tiềm năng của địa phương kết hợp với các điều kiện thuận lợi tác động từ bên ngoài để huyện Củ Chi ngày càng phát triển.

Trước đó, các cử tri đã nêu ra nhiều vấn đề về hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp; có cơ chế hỗ trợ thanh niên làm kinh tế khi gặp rủi ro bất ngờ như thiên tai, dịch bệnh; phát triển văn hóa đọc cho người dân trên địa bàn; nâng cấp, mở rộng các tuyến đường huyết mạch tạo thuận lợi cho việc lưu thông và các dự án đầu tư phát triển Củ Chi…

* Tại huyện Bình Chánh, tổ ĐB đơn vị 25, 26 gồm các ĐB: Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; Nguyễn Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Bình Chánh; Huỳnh Thị Kim Xuyến, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TPHCM; Trần Ngọc Dung, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Lộc A. Theo ĐB Tô Thị Bích Châu, những vấn đề cử tri nêu cũng là bức xúc của tổ ĐB, đề nghị những giải pháp quyết liệt hơn. Nhiều cử tri trăn trở trước vấn nạn tín dụng đen, ô nhiễm môi trường, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Cử tri xã An Phú Tây cho biết quy hoạch khu E trên địa bàn xã kéo dài từ 1992 đến nay chưa thực hiện. Thanh niên đến tuổi lập gia đình có nhu cầu sửa chữa xây nhà ở nhưng không thể làm được do vướng quy hoạch. Một giáo viên ở xã Vĩnh Lộc B nêu khó khăn trong tiếp cận nhà ở xã hội. Lãnh đạo huyện Bình Chánh cho biết từ ý kiến này, các phòng ban chuyên môn sẽ rà soát các trường hợp khó khăn cần hỗ trợ và đề xuất mức hỗ trợ để thanh niên dễ tiếp cận hơn với nhà ở xã hội.

* Tại quận Phú Nhuận, tổ ĐB đơn vị số 21 gồm các ĐB: Phạm Hồng Sơn, Bí thư Quận ủy quận Phú Nhuận; Tăng Hữu Phong, Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng; Nguyễn Thị Như Ý, Chánh Văn phòng HĐND và UBND quận Phú Nhuận, tiếp xúc cử tri thanh niên quận.

Tại đây, cử tri quan tâm đến công tác đoàn hội; chính sách hỗ trợ đào tạo, tìm việc làm cho thanh niên sau Covid-19; công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số của quận Phú Nhuận và TPHCM… Cử tri phản ánh, hiện nay các trang mạng xã hội, ứng dụng có nhiều video phản cảm lan truyền trên mạng, ảnh hưởng tiêu cực đến giới trẻ, thanh niên; trong khi thanh niên chưa có “bộ lọc, sức đề kháng” trước những thông tin xấu độc.

ĐB Phạm Hồng Sơn cho rằng, mỗi cán bộ đoàn phải tăng cường học tập, tiếp cận thông tin đa chiều để đủ bản lĩnh, đủ khả năng nhìn nhận đánh giá vấn đề trước thời đại bùng nổ thông tin trên mạng xã hội. Từng cán bộ đoàn phải thấy được trách nhiệm giúp thanh niên tăng “sức đề kháng”, tạo bộ lọc tốt khi tham gia mạng xã hội và tích cực lan tỏa những điều tốt đẹp, điều tích cực…

Tin cùng chuyên mục