Ngày 26-11, Truyền hình nhà nước Cuba đưa tin Lãnh tụ cách mạng nước này Fidel Castro đã từ trần, hưởng thọ 90 tuổi.
Lãnh tụ Cuba sinh ngày 13-8-1926. Ông là một nhà cách mạng vĩ đại, một trong những người kiệt xuất nhất của thế kỷ XX. Ông là người đã ghi danh Cuba vào lịch sử nhân loại với cuộc cách mạng lật đổ chế độ độc tài, dẫn dắt quốc gia Caribe này đến con đường độc lập ngày hôm nay.
Lãnh tụ cách mạng Fidel Castro qua đời ở tuổi 90. Ảnh: EPA
Fidel Castro Ruz, người tập hợp các lực lượng cách mạng Cuba vào một chính đảng duy nhất và sáng lập Nhà nước xã hội chủ nghĩa tại đảo quốc Caribe này, đã ghi lại dấu ấn đậm nét không chỉ trong lịch sử của “hòn đảo tự do” mà còn cả trong lịch sử của Mỹ Latinh, châu Phi và thế giới nói chung. Ông từng nắm giữ chức vụ Thủ tướng Cuba từ năm 1959 tới năm 1976, và sau đó là Chủ tịch Cuba cho tới khi từ nhiệm vào năm 2008. Ông cũng là Bí thư Thứ nhất của Đảng Cộng sản Cuba trong giai đoạn 1965-2011.
Lãnh tụ Cuba Fidel Castro luôn là một nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn, một biểu tượng về một con người kiên cường đấu tranh cho tinh thần độc lập dân tộc và vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của con người.
Trong cuộc tấn công lịch sử vào trại lính Moncada ngày 26-7-1953 - sự kiện thường được kỷ niệm như khởi đầu của cuộc Cách mạng 1959, Fidel vừa là nhà chỉ huy, vừa là chiến sĩ nơi tuyến đầu. Sau khi cách mạng thành công, tinh thần tiên phong gương mẫu đó vẫn tiếp tục được ông thể hiện cả trong các chiến dịch quốc phòng như chiến dịch truy quét các nhóm vũ trang phản cách mạng do Cục Tình báo trung ương Mỹ - CIA - hậu thuẫn hay Chiến thắng Girón năm 1961.
Lòng quả cảm và tinh thần đối đầu trực diện hiểm nguy là điều mà Fidel chưa bao giờ thiếu hay đánh mất, kể cả khi đã là lãnh đạo tối cao của Cuba. Ông đã được ghi danh vào sách kỷ lục Guinness là người sống sót qua nhiều âm mưu ám sát nhất do CIA cùng các thế lực vây cánh tiến hành - 638 vụ theo thống kê chính thức của Cuba.
Người dân Việt Nam cũng không bao giờ quên được việc Fidel là nguyên thủ đầu tiên và duy nhất thăm vùng giải phóng tại tỉnh Quảng Trị, ngay vào thời điểm cuộc chiến vẫn còn khốc liệt vào tháng 9-1973, theo đề xuất của chính ông.
Thủ tướng Fidel Castro thăm Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Quảng Trị năm 1973. (Ảnh: TTXVN)
Ngày 22-2-2003, Chủ tịch Cuba Fidel Castro đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại tư dinh của Đại tướng ở Hà Nội. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN
Chiều 15-11-2016 (theo giờ Cuba), ngay sau khi đến thủ đô La Habana, Chủ tịch nước Trần Đại Quang (trái) đã đến chào Lãnh tụ Cách mạng Cuba Fidel Castro. Ảnh TTXVN
Tất nhiên, lòng quả cảm của ông không chỉ thể hiện qua những hành động mang tính quên mình đó, mà còn cả trong việc dám chọn lựa một con đường chông gai nhưng đúng đắn để theo đuổi và sau này là phát triển đất nước, đi ngược lại lối mòn của tất cả các nước trong khu vực khi đó và thách thức siêu cường lớn nhất thế giới chỉ cách Cuba 150 km đường biển để bảo vệ khát vọng về độc lập và tự chủ của dân tộc mình. Chính những điều này đã tạo nên sức lôi cuốn mạnh mẽ của Fidel nói riêng và của cách mạng Cuba nói chung trên thế giới, đặc biệt là tại khu vực Mỹ Latinh.
Theo TTXVN
Các tin, bài viết khác
- Bầu cử Mỹ 2016: Bang Wisconsin thông báo kiểm lại phiếu
- Indonesia bắt giữ đối tượng âm mưu đánh bom Đại sứ quán Myanmar
- Hải quân Hàn Quốc tập trận quy mô lớn
- OSCE ủng hộ thiết lập cơ chế kiểm soát vũ khí thông thường
- Thiên tai, tai nạn gây nhiều thương vong
- Động đất 7 độ Richter trên Thái Bình Dương làm rung chuyển Trung Mỹ
- Nổ súng trong ngày Lễ Tạ ơn tại Mỹ, 6 người thương vong
- IS đánh bom khủng bố ở Baghdad, hơn 80 người thiệt mạng
- Sập công trình xây dựng tại Trung Quốc, ít nhất 67 người thiệt mạng
- Tòa án Hàn Quốc bác đề nghị bắt giữ cựu thư ký của tổng thống