Cục Cảnh sát giao thông thông tin về quy trình nhận diện người có nồng độ cồn

Sáng 22-2, tại Hà Nội, Cục Cảnh sát giao thông (C08, Bộ Công an) tổ chức hội nghị thông tin công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đầu năm 2023. Tại đây, đại diện C08 đã giải thích, trao đổi, thông tin thêm về quá trình triển khai kế hoạch xử lý vi phạm về nồng độ cồn thời gian qua.

Băn khoăn về ngưỡng nồng độ cồn

Liên quan đến những băn khoăn của người dân trước một số thông tin trên mạng xã hội về việc trong quá trình xử lý vi phạm nồng độ cồn ở ngưỡng thấp hoặc nói uống sirô, ngậm thuốc sâu răng..., Trung tá Dương Thị Thu Trang, Phó phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ (C08) cho biết, khi xây dựng Luật Phòng chống tác hại của rượu bia cũng như các nghị định liên quan tới xử phạt, các cơ quan chức năng của Bộ Công an và cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế đã nghiên cứu rất kỹ và xác định ngưỡng vi phạm liên quan đến nồng độ cồn.

“Ngưỡng nồng độ cồn được quy định trong Nghị định 100 hiện nay đã được xác định chính xác. Bởi ngưỡng này đã qua nhiều lần hội thảo và Cục Cảnh sát giao thông đã nhiều lần làm việc với cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế”, Trung tá Trang khẳng định.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Trao đổi thêm với báo chí, Thiếu tướng Lê Xuân Đức (Phó Cục trưởng C08), cho rằng, các chuyên đề về nồng độ cồn trước tới nay có 2 thời điểm; thời điểm khi có Nghị định 100, lực lượng cảnh sát giao thông làm quyết liệt, sau đó một thời gian, do dịch Covid-19, tới nay lãnh đạo Bộ Công an thấy rằng cần phải “lập lại trật tự”, chọn ra chuyên đề là nguyên nhân gây ra trực tiếp tai nạn giao thông. Qua 1 tháng cao điểm triển khai chuyên đề nồng độ cồn, tai nạn giao thông giảm sâu cả ba tiêu chí. Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán không có vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến rượu bia.

“Lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ ra, nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông là liên quan tới rượu bia, tốc độ cũng liên quan tới rượu bia, đánh lực lượng cảnh sát giao thông khi làm nhiệm vụ, dừng đỗ không đúng quy định, tất cả liên quan tới rượu bia. Từ rượu bia, liên quan tới nhiều hành vi vi phạm khác”, Thiếu tướng Đức chia sẻ.

Phát hiện nồng độ cồn qua định tính trước, rồi tới định lượng

Hiện nay, theo Thiếu tướng Lê Xuân Đức, lực lượng cảnh sát giao thông thực hiện chuyên đề đo nồng độ cồn trên các tuyến theo kinh nghiệm quốc tế. Trước khi thực hiện các kế hoạch, lực lượng cảnh sát giao thông phải làm tốt công tác điều tra, từ từng tuyến đường, từng nhà hàng, từng đối tượng; sau đó mới bố trí lực lượng ở những điểm đó và thường xuyên thay đổi liên tục. Do đó, nhiều “thủ đoạn” của những người né tránh chốt, chống đối đã hạn chế ở mức thấp nhất.

Thiếu tướng Lê Xuân Đức thông tin tại hội nghị. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Thiếu tướng Lê Xuân Đức thông tin tại hội nghị. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Thông tin thêm về quá trình triển khai đo nồng độ cồn, Thiếu tướng Lê Xuân Đức cho biết, hiện nay đo nồng độ cồn được thực hiện với hai chế độ. Trước hết, đo định tính, đó là khi cảnh sát giao thông xác định được người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có cồn, lúc đó mới tiến hành đo nồng độ theo chỉ số, hàm lượng (định lượng).

Do đó, thời gian qua, trên mạng xã hội xuất hiện một số trường hợp người dân ăn hoa quả, ngậm thuốc sâu răng cũng có cồn, thì đã được lực lượng “đo” bằng định tính, nếu thấy có cồn sẽ đo bằng “định lượng”. “Lực lượng cảnh sát giao thông không thể xử lý sai trường hợp không dùng rượu bia mà lại có nồng độ cồn. Lực lượng cảnh sát giao thông thực hiện công khai, minh bạch, đảm bảo không xử lý sai theo quy định”, lãnh đạo C08 khẳng định.

Lực lượng cảnh sát giao thông đang thực hiện quy chế dân chủ trong tuần tra, kiểm soát và đã được quy định những trường hợp nào được giám sát. “Chúng tôi luôn luôn mong muốn, sự phản ánh của người dân, sự giám sát của người dân đối với công chức, viên chức, trong đó có lực lượng cảnh sát giao thông, đấy là việc làm bình thường. Những hình ảnh đẹp của cảnh sát giao thông được người dân ghi lại luôn là động lực để chúng tôi làm việc tốt hơn; những góp ý của người dân đối với lực lượng luôn là bài học để chúng tôi rút kinh nghiệm để phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn”, Thiếu tướng Lê Xuân Đức cho biết.

Theo C08, từ 15-11-2022 đến 5-2-2023, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã huy động hơn 270.000 lượt tổ công tác, với hơn 1 triệu lượt cán bộ, chiến sĩ tổ chức tuần tra kiểm soát. Qua đó, đã phát hiện, xử lý hơn 660.000 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, phạt tiền hơn 1.200 tỷ đồng.

Kết quả xử lý trường hợp vi phạm nồng độ cồn trong thời gian trên cho thấy, đã phát hiện, xử lý hơn 117.000 trường hợp, trong đó chủ yếu là xe mô tô; phạt tổng số tiền hơn 500 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục