Từ lâu, lực lượng Hezbollah của Lebanon, Chính phủ Syria của Tổng thống Bashar Al-Assad và Iran được xem là liên kết tay 3 với nền tảng là cùng dòng Hồi giáo Shiite. Vì vậy, khi gần đây, Hezbollah chính thức can dự trực tiếp vào cuộc nội chiến tại Syria, đưa cuộc chiến này bước sang một giai đoạn mới phức tạp hơn.
Đã có giao tranh giữa lực lượng nổi dậy Syria với Hezbollah tại Lebanon làm 12 tay súng lực lượng nổi dậy Syria và một thành viên Hezbollah thiệt mạng vào ngày 2-6. Thậm chí Hezbollah tuyên bố đã đưa 2.000 quân vào Syria chiến đấu bên cạnh lực lượng của Tổng thống Assad.
Bản đồ tương quan lực lượng giữa các bên tại Syria giờ đã rõ ràng. Một bên là Tổng thống Assad cùng với Hezbollah và Iran. Phía còn lại là lực lượng nổi dậy Syria được phương Tây hậu thuẫn cùng với Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC gồm các nước Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arập thống nhất), Thổ Nhĩ Kỳ và Israel, chưa kể một số nước khác cùng khu vực Trung Đông thân Mỹ.
Một hội nghị quốc tế mới đây do Iran tổ chức, đại diện của hơn 30 nước tham gia hội nghị (có cả Iraq) ra tuyên bố phản đối mọi sự can dự từ bên ngoài vào cuộc chiến ở Syria, cụ thể phản đối phương Tây viện trợ vũ khí cho lực lượng nổi dậy Syria. Gần như cùng lúc Nga khẳng định sẽ giao tên lửa S-300 cho Chính phủ Syria.
Quan trọng hơn, tỷ lệ người dân Syria ủng hộ chính phủ của ông Assad đang gia tăng. Số liệu của NATO đăng trên báo World Tribune (Mỹ) ngày 2-6 cho biết, Tổng thống Syria Assad đang giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lại phe đối lập, nhấn mạnh rằng 70% người dân Syria ủng hộ ông Assad. Các số liệu nghiên cứu được đăng tải trên báo này cho thấy đa số người dân Syria lo lắng trước việc Al-Qaeda tiếp quản phe đối lập nên quay sang ủng hộ ông Assad.
Lực lượng bên kia chiến tuyến dĩ nhiên cũng không ngồi yên. Thứ trưởng Ngoại giao Bahrain Ghanem al-Buainain cho biết, 6 nước thành viên GCC sẽ cân nhắc hành động chống Hezbollah nếu phong trào Hồi giáo Shiite này tiếp tục can dự vào cuộc nội chiến Syria hoặc can thiệp vào công việc của GCC.
Liên đoàn Arập và Mỹ đã hối thúc Hezbollah rút các chiến binh khỏi Syria, trong khi Bahrain cấm các nhóm chính trị trong nước tiếp xúc với phong trào này. Thổ Nhĩ Kỳ trong vòng 2 năm qua từ chỗ đồng minh với Tổng thống Syria Assad đã trở thành kẻ thù khi Ankara là nơi tổ chức các cuộc gặp của lực lượng đối lập Syria và rút toàn bộ nhân viên ngoại giao khỏi Syria. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan luôn kêu gọi Tổng thống Assad từ chức.
Tất nhiên Israel cũng không thể khoanh tay thờ ơ khi Hezbollah - kẻ thù số một của Tel Aviv, lao vào cuộc chiến tại Syria. Trên đất nước Israel hiện nay, người ta thấy tên lửa phòng thủ Patriot được triển khai hướng về phía Đông Bắc, tức về phía Lebanon và Syria. Người dân Israel vẫn chưa quên cuộc chiến Israel - Hezbollah kéo dài 6 tuần vào năm 2006. Trong những tuần gần đây, không khí chiến tranh đang trở lại.
Tuần trước, các phương tiện truyền thông Israel cho rằng một tên lửa của Hezbollah bắn từ Lebanon vào Israel. Các chính trị gia Israel liên tục công khai tuyên bố không đứng về bên nào trong cuộc xung đột Syria. Nhưng ngạn ngữ có câu “bạn của thù là kẻ thù”, điều đó có nghĩa rằng dù muốn hay không, Tel Aviv sẽ chống lại Tổng thống Syria Assad, đồng minh của Hezbollah.
Như vậy, lối ra về một giải pháp ngoại giao cho cuộc nội chiến Syria càng trở nên phức tạp hơn, bất chấp một hội nghị quốc tế về Syria đang đến gần. Nếu cuộc chiến tại Syria lan rộng với nhiều bên tham gia, hậu quả sẽ khó lường.
THỤY VŨ