Cục Thuế tỉnh Đồng Nai: Nỗ lực chống chuyển giá

Là một tỉnh cửa ngõ của vùng Đông Nam bộ lại giáp TPHCM, từ khi đất nước thực hiện công cuộc đổi mới đến nay, tỉnh Đồng Nai nằm trong nhóm các địa phương hàng đầu cả nước thu hút được dòng vốn đầu nước ngoài (FDI).
Đại diện Lãnh đạo Tổng cục Thuế trao giấy khen cho Cục Thuế Đồng Nai về thành tích xuất sắc trong công tác chống chuyển giá
Đại diện Lãnh đạo Tổng cục Thuế trao giấy khen cho Cục Thuế Đồng Nai về thành tích xuất sắc trong công tác chống chuyển giá

Tuy nhiên, đi kèm với đó là hoạt động chuyển giá giữa các doanh nghiệp (DN) có quan hệ liên kết để giảm nghĩa vụ nộp thuế đòi hỏi ngành thuế phải tăng cường các biện pháp thanh tra, kiểm tra để truy thu cho cho ngân sách nhà nước, tổng số tiền lên đến hàng ngàn tỷ đồng. 

Đơn vị tiên phong 

Tính đến ngày 31-12-2021, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có hơn 1.200 DN FDI đang hoạt động nhưng từ nhiều năm trước, thông qua công tác chuyên môn sâu, phân tích báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, Cục Thuế tỉnh Đồng Nai nhận thấy có nhiều đơn vị báo lỗ triền miên hoặc kê khai có lãi, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu/vốn đầu tư thấp nhưng vẫn tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất. Từ đó, Cục Thuế tỉnh đã chủ động tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để tránh thất thu thuế. 

Năm 2014, Cục Thuế Đồng Nai được Tổng cục Thuế chọn là nơi đầu tiên trên cả nước thực hiện thanh tra giá chuyển nhượng và kết quả qua thanh tra 6 DN đã phát hiện, truy thu thuế và xử phạt với số tiền 304 tỷ đồng. Năm 2015, Bộ Tài chính đã thành lập 4 phòng thanh tra giá chuyển nhượng trực thuộc 4 cục thuế, trong đó có Đồng Nai. Và từ năm 2018 đến nay, cục đã giao nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra các DN có giao dịch liên kết cho các phòng thanh tra, kiểm tra. Hàng năm, cục đều phân loại các DN, thu thập thông tin, phân tích mức độ rủi ro để lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra với các DN có rủi ro cao về chuyển giá. Các DN có mức rủi ro vừa thì đưa vào kế hoạch kiểm tra tại cơ quan thuế. 

Trong 6 năm, từ 2016-2021, Cục Thuế Đồng Nai đã ban hành 222 quyết định xử lý DN với tổng số tiền truy thu thuế, xử phạt lên đến 2.356 tỷ đồng, bình quân mỗi năm thu về cho ngân sách nhà nước thêm 392,6 tỷ đồng; trong đó, nhiều nhất là năm 2019 đã truy thu thuế, xử phạt lên đến 573 tỷ đồng từ 35 DN FDI có giao dịch liên kết. Từ năm 2016 đến nay, công tác quản lý các DN có giao dịch liên kết của Cục Thuế Đồng Nai luôn được Tổng cục Thuế đánh giá là đơn vị dẫn đầu trong cả nước. 

Nhận diện các hành vi chuyển giá

Qua thống kê, phân tích của Cục Thuế tỉnh Đồng Nai, các hành vi vi phạm phổ biến trong chuyển giá gồm: chuyển giá thông qua các nhà đầu tư FDI bán máy móc, thiết bị và công nghệ cho các công ty con tại Việt Nam với giá cao hơn giá trị thực tế, nhằm nâng cao chi phí khấu hao làm giảm thu nhập; chuyển giá thông qua chuyển giao công nghệ (công ty liên kết ở nước ngoài thường tính phí bản quyền rất cao đối với công ty FDI tại Việt Nam khiến chi phí đầu tư đầu vào bị đẩy lên cao dẫn đến kết quả sản xuất kinh doanh thua lỗ); chuyển giá thông qua chuyển giao nguyên vật liệu, hàng hóa (công ty mẹ tại nước ngoài nâng giá bán hàng hóa cao hơn giá thị trường, hạ giá mua sản phẩm của công ty con thấp hơn giá thị trường nhằm giảm thu nhập của các công ty con tại Việt Nam); chuyển giá thông qua cung cấp dịch vụ có thu phí dẫn đến thu nhập của các công ty FDI con tại Việt Nam giảm và chuyển giá thông qua chi trả lãi vay vốn sản xuất kinh doanh. 

Nói về những khó khăn trong thanh tra, kiểm tra chống chuyển giá, Cục trưởng Cục Thuế Đồng Nai Nguyễn Văn Công cho biết, việc thanh tra phải mất nhiều thời gian để thu thập thông tin, phân tích, đối chiếu, kiểm tra số liệu trong khi thời hạn cho một cuộc thanh tra giá chuyển nhượng bị giới hạn bởi Luật Thanh tra nên có khi không đủ thời gian. Thứ hai là quy định, chế tài xử lý chưa đủ mạnh để đảm bảo răn đe với DN có hành vi chuyển giá. Ngoài ra, do chưa có sự kết nối tự động hệ thống cơ sở dữ liệu các cơ quan liên quan với hệ thống tin học của ngành thuế nên khi DN phát sinh giao dịch liên kết nhưng không kê khai thì cục thuế khó xác định; chưa xây dựng được hệ thống dữ liệu thông tin giá thị trường làm cơ sở cho việc xác định biểu hiện chuyển giá để chọn lọc đối tượng cũng như khi thực hiện thanh tra tại DN. 

Thời gian tới, ngành thuế Đồng Nai tiếp tục khắc phục những hạn chế, tồn tại; phát huy kết quả đạt được và tranh thủ sự phối hợp của các ban ngành và sự chỉ đạo của Tổng cục Thuế, UBND tỉnh để chống thất thu thuế trong lĩnh vực này, góp phần tăng thu cho ngân sách địa phương.

Ngoài việc giảm thất thu thuế cho ngân sách hàng trăm tỷ đồng mỗi năm thì kết quả ấn tượng của công tác chống chuyển giá đã góp phần mang lại sự công bằng, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh giữa các DN, qua đó dần thay đổi ý thức chấp hành pháp luật về thuế của các DN. Tổng số tiền giảm lỗ của các DN FDI qua 6 năm lên đến 11.098 tỷ đồng. Từ chỗ các DN vốn FDI từ năm 2015 trở về trước thường báo cáo kết quả kinh doanh lỗ chiếm từ 35%-40%/tổng số DN FDI tại Đồng Nai thì con số này hiện đã giảm mạnh chỉ còn 10%-15%.

Tin cùng chuyên mục