Cụm di tích quốc gia bị bỏ hoang

Năm 1989, cụm Di tích khảo cổ Bình Tả (thuộc xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) được công nhận là Di tích cấp quốc gia. Thế nhưng, 27 năm qua, do không có tiền đền bù để thu hồi đất (vì cụm di tích này nằm trên đất của dân quản lý), nên cụm di tích gần như bị bỏ hoang.
Cụm di tích quốc gia bị bỏ hoang

Năm 1989, cụm Di tích khảo cổ Bình Tả (thuộc xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) được công nhận là Di tích cấp quốc gia. Thế nhưng, 27 năm qua, do không có tiền đền bù để thu hồi đất (vì cụm di tích này nằm trên đất của dân quản lý), nên cụm di tích gần như bị bỏ hoang.

Theo tài liệu khảo cổ, cụm di tích thuộc nền văn hóa Óc Eo có tuổi đời vào thế kỷ thứ 7, với 3 di tích: Di tích Gò Xoài, Gò Đồn và Gò Nam Tước, cùng nằm trên địa bàn xã Đức Hòa Hạ, mỗi di tích cách nhau vài trăm mét. Tại đây, từ những năm 1987, qua khai quật, các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều hiện vật như mảnh kim loại, đá quý, sa thạch cổ và đặc biệt có cả những chiếc lá chế tác từ vàng khắc kinh Phật bằng tiếng Phạn cổ đã được đưa vào danh sách Bảo vật Quốc gia…

Xung quanh Khu di tích Gò Xoài toàn rác thải

Giá trị văn hóa, lịch sử là thế, nhưng gần 30 năm qua, cụm di tích này gần như bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Nếu như không có sự chỉ dẫn và khẳng định của người dân địa phương, thì không ai có thể tìm ra và tin rằng đó là cụm di tích cấp quốc gia.

Theo bà Nguyễn Thị Sáu, Phó Giám đốc Bảo tàng Long An, cụm di tích này có diện tích khoảng 10.000m², trong đó Di tích Gò Đồn chiếm khoảng 7.000m², Di tích Gò Xoài khoảng 2.000m², Di tích Gò Nam Tước khoảng 1.000m². Do cụm di tích nằm trên phần đất của người dân nên rất khó cho ngành bảo tàng chăm sóc, quản lý. Người dân không cho ai vào, kể cả việc nhân viên bảo tàng đến dọn dẹp, phát quang… Năm 2010, UBND tỉnh đã có chủ trương cho tiến hành kê biên, bồi thường cho người dân để thu hồi đất phục vụ bảo tồn, bảo vệ di tích. Nhưng do mức giá bồi thường lúc đó khoảng trên 7 tỷ đồng, tỉnh chưa đủ kinh phí nên chưa thực hiện được.

Nhìn cụm di tích bị bỏ hoang mấy chục năm qua ai cũng xót xa. Thậm chí ở khu vực di tích Gò Xoài, nhiều đống rác bủa quanh, bốc mùi hôi thối. Kế bên là ao nước tù đọng, đầy muỗi, ruồi. Đường vào Di tích Gò Nam Tước cũng bị ao chứa đầy nước bẩn chặn phía trước. Di tích Gò Đồn xung quanh cũng nham nhở những hố khai quật trước đây, giờ đầy cỏ rác…

Theo bà Nguyễn Thị Sáu, ngành văn hóa tỉnh phối hợp với Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Đức Hòa đang tiến hành kê biên lại để đền bù phần đất thu hồi của dân trong cụm di tích (khoảng 9 tỷ đồng). Dự kiến cuối năm 2016 sẽ đền bù xong để tiến hành giải phóng mặt bằng. Năm 2017 sẽ tiến hành bảo tồn cụm di tích, như xây dựng hàng rào bảo vệ, xây mái che và phục dựng lại các di tích kiến trúc xưa…

KIẾN VĂN

Tin cùng chuyên mục