Giữa mùa thu năm 1945, Cách mạng Tháng Tám nổ ra được 1 tháng, thì ở Sài Gòn thực dân Pháp được quân Anh giúp sức, đã nổ súng tiến công vào lực lượng vũ trang và chính quyền cách mạng non trẻ mới được thành lập. Cậy có sức mạnh của vũ khí, quân số và được đồng minh đế quốc hỗ trợ, quân Pháp mở rộng chiến tranh ra toàn Nam bộ, Campuchia và Lào.
Lúc này Chi đội Trần Cao Vân, lực lượng giải phóng quân đầu tiên của tỉnh Thừa Thiên - Huế, được thành lập. Thanh niên nam nữ, kể cả thiếu niên cũng xung phong vào giải phóng quân. Tôi trở thành đội viên nhỏ nhất của chi đội.
Tin tức từ trong Nam vang ra: “Chỉ sau 2 ngày Pháp đánh chiếm Sài Gòn, hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam bộ, hàng loạt tầng lớp nhân dân cầm giáo mác, gậy tầm vông xông ra chống giặc. Tất cả công nhân, trí thức, học sinh bãi công, bãi khóa thực hiện khẩu hiệu không làm việc, không hợp tác, không đi lính, không chỉ đường, không bán lương thực cho Pháp. Đốt phá tiêu thổ các công sở, nhà máy, xe cộ, tàu bè, kho tàng của giặc Pháp. Thực hiện một Sài Gòn không điện, không nước, không chợ búa, hàng quán. Những người không có nhiệm vụ chiến đấu thì tản cư ra các vùng ngoại ô. Nông thôn cũng sôi sục lập ra các đội du kích, tự vệ sẵn sàng chiến đấu, nông dân thì ra sức sản xuất lương thực, tiếp tế cho Sài Gòn đánh Pháp”.
Lúc này cả nước ta cũng sôi sục lên phong trào hướng về Nam bộ ruột thịt. Hàng ngàn cuộc biểu tình xuống đường thét vang lên “Đả đảo thực dân xâm lược Pháp!”.
Ngày 23 tháng 9 năm 1945, sau khi quân và dân Nam bộ nổ súng mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, thì ngày 6 và 11 tháng 10 năm 1945, ở Khánh Hòa, chiến hạm Richelieu đổ 1.000 quân Pháp vào Nha Trang. Cuộc chiến đấu đã quyết liệt không chỉ ở Khánh Hòa mà cả nước với quyết tâm ngăn chặn không cho giặc Pháp tái chiếm Việt Nam và cả Đông Dương. Trung ương Đảng và Bác Hồ kêu gọi cả nước hướng về đồng bào miền Nam đang chiến đấu, với tinh thần “Phải trút toàn lực vào đó” với ý chí: “Hy sinh hết thảy vì kháng chiến. Hy sinh hết thảy vì Mặt trận miền Nam”, “Nam bộ là của Việt Nam”…
Đáp lời kêu gọi của Tổ quốc, đồng bào các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung bộ dấy lên phong trào tình nguyện vào Nam đánh giặc. Các đoàn tàu từ miền Bắc rầm rầm suốt ngày đêm đưa quân và hàng hóa, lương thực, vũ khí tiếp tế vào Nam. Những chiếc mũ ca lô bộ đội lấp lánh sao vàng trên những toa tàu theo đường sắt chạy vào Nam và lời ca hùng tráng:
Nước non xa nghìn dặm
Chúng ta đi nghìn dặm
Cùng nhau tiến, hướng về Nam…
Suốt chặng đường xe lửa đưa quân vào, đồng bào mang áo quần, bánh trái ra ủy lạo và tiễn đoàn quân. Trong khí thế hào hùng đó, đơn vị của ông Hà Văn Lâu được giao nhiệm vụ bảo vệ Brơten là một ngã ba, nơi con đường từ ga Nha Trang lên và đường sắt, đường số 1 phải ngang qua Brơten mới vào Nam được.
Ông Hà Văn Lâu và các chiến sĩ nêu quyết tâm: “Thà chết hết chứ nhất định không để mất con đường chi viện vào Nam” và lập phòng tuyến bảo vệ Brơten. Nhờ có nhân dân giúp đỡ lột sắt và tà vẹt đường tàu cũ, cùng chặt thân cây dừa chất cao làm công sự, anh em đặt hai khẩu đại liên Hốt-kít bắn thẳng vào các mũi tiến công của giặc. Địch mở nhiều đợt tấn công đều bị đánh bật trở lại. Chúng phải bắn đại bác 155 ly từ ngoài chiến hạm vào và máy bay xpíchphay ném bom, bắn cà nông 20mm xuống trận địa ta rồi cùng bộ binh gồm Pháp, Anh, Nhật, Ấn liều mạng xông tới. Tuy ta bị thiệt hại nặng nề, nhưng chiến lũy Brơten vẫn đứng vững.
Sau ngày 23-9-1945 tại các ga xe lửa Hải Phòng, Hà Nội, Huế nhộn nhịp những đoàn quân Nam tiến chi viện cho Nam bộ kháng chiến. Đêm đêm, các đoàn tàu chở quân vẫn vượt qua phía sau chiến lũy Brơten Nha Trang, hối hả chạy vào phía Nam.
Có nhiều đoàn tàu chạy thẳng vào Sài Gòn, nhưng cũng có đoàn dừng lại, đổ quân xuống chi viện cho mặt trận Nha Trang. Một số tiến lên theo đường 21, đánh địch từ Buôn Ma Thuột tràn về. Đoàn quân Nam tiến lúc ấy có đến 19 phiên hiệu đơn vị khắp cả nước như: bộ đội Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, chiến khu Đông Triều, Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Bắc (Bắc Ninh - Bắc Giang), Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thái Phiên (Quảng Nam - Đà Nẵng), Lê Trung Đình (Quảng Ngãi) …
Vậy là ngay từ đầu cuộc chống Pháp, nhân dân cả nước đã gửi con em vào chiến đấu ở Nam bộ và Nha Trang - Khánh Hòa. Quân và dân Nam bộ, Khánh Hòa đã đoàn kết cùng các đơn vị Nam tiến đánh giặc bảo vệ Tổ quốc.
Trong đoàn quân Nam tiến của bộ đội Thuận Hóa không những có nhiều nữ sinh Huế tham gia đội cứu thương, y tá, mà có cả các em liên lạc viên mới chỉ 12, 13 tuổi. Cuộc chiến đấu quá gian khổ và ác liệt, lãnh đạo quân sự Liên khu 5 yêu cầu trả thiếu nhi trở về Huế.
Thấy chúng tôi khóc, không chịu trở về, ông Hà Văn Lâu an ủi: “Các em cứ về học tập quân sự, chuẩn bị sẵn sàng để đánh Pháp ngay tại TP Huế của mình”. Đó là lần đầu tiên tôi được gặp và biết vị chỉ huy của Mặt trận Nha Trang cũng là một người Huế. Không ngờ chỉ mấy tháng sau, ông Hà Văn Lâu được điều động ra làm Chỉ huy trưởng Mặt trận Huế và là Trung đoàn trưởng đầu tiên của Trung đoàn Trần Cao Vân. Chúng tôi trở thành những đội viên trinh sát của trung đoàn, cùng gắn bó với ông Lâu suốt cuộc kháng chiến chống Pháp ở chiến trường Bình Trị Thiên cho đến sau này lúc đầu bạc, răng long vẫn yêu quý nhau hơn cả ruột thịt.
Sau này, lực lượng bộ đội Nam tiến đã trở thành nòng cốt phát triển ra nhiều đơn vị chiến đấu nổi tiếng ở miền Nam. Cho đến nay, sau 66 năm trôi qua, nhân dân Nam bộ và Nha Trang - Khánh Hòa vẫn thường nhắc nhớ đến các chiến sĩ Nam tiến. Sau này, có những người trong số họ đã trở thành tướng lĩnh, anh hùng các lực lượng vũ trang và cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và quân đội ta.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Văn Lâu, nguyên Tư lệnh 2 mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa và Bình Trị Thiên nay đã vào tuổi 94, ông nghỉ hưu tại số nhà 38 đường Đỗ Công Tường, quận Tân Phú, TPHCM. Chúng tôi những người lính cũ của ông, vẫn thường đến thăm ông, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm trong chiến tranh để thấm thía ý nghĩa và giá trị cuộc sống trong hòa bình, độc lập, tự do và hạnh phúc hôm nay.
Trần Công Tấn