Cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam - 45 năm nhìn lại

Nhân kỷ niệm 45 năm Ngày Chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam (7-1-1979 - 7-1-2024), Học viện Chính trị khu vực II phối hợp với Đài PT-TH tỉnh Tây Ninh đã tổ chức chương trình tọa đàm với chủ đề “Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam - 45 năm nhìn lại”.

Qua những thước phim tư liệu và qua lời kể trực tiếp của các nhân chứng lịch sử đã cho thấy tội ác man rợ của Pol Pot - Ieng Sary, càng thêm tự hào về truyền thống đấu tranh kiên cường bất khuất và tinh thần quốc tế vô sản cao cả của dân tộc Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Mạnh ở Tân Lập, Tân Biên kể lại vụ thảm sát 11 thầy cô giáo tại xã Tân Lập vào đêm 24 rạng sáng ngày 25-9-1977 và hàng chục người dân vô tội khác. Bà Thái Thị Hạnh - Tổng đội phó Chính trị Tổng đội 3 biên giới, thuộc Lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) TPHCM, thì tâm sự: “Tôi nghẹn ngào, vô cùng căm phẫn sau khi hay tin Khmer đỏ sát hại dã man 24 đồng đội của mình ở Long Phước, Bến Cầu , Tây Ninh”.

Là một trong 20 người sống sót trong vụ thảm sát tại Ba Chúc (An Giang), bà Nguyễn Thị Chỉnh xúc động kể lại những hành động dã man của Khmer đỏ khi ra tay tàn sát bà con, người thân của mình mà bà đã tận mắt chứng kiến… Tham dự tọa đàm, các khách mời là tướng lĩnh quân đội, nhà ngoại giao, chuyên gia Việt Nam đã từng công tác tại Campuchia đã phân tích và làm rõ hơn về nguyên nhân của cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam mà chúng ta không có sự lựa chọn nào khác, bắt buộc phải tham gia. Thực hiện quyền tự vệ chính đáng, chúng ta đã đánh trả, đẩy quân thù ra khỏi bờ cõi giang sơn. Nhìn lại sự kiện lịch sử này, chúng ta càng thêm tự hào về truyền thống đấu tranh kiên cường bất khuất của cả dân tộc và hơn thế nữa, đó còn là một tinh thần quốc tế vô sản cao cả, chân chính.

Qua những chia sẻ của các chứng nhân lịch sử, các chuyên gia, diễn giả, nhà ngoại giao, tướng lĩnh quân đội… các thế hệ hôm nay càng hiểu sâu sắc hơn về ý nghĩa của chiến thắng cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, khẳng định đây là cuộc chiến tranh tự vệ chính nghĩa của quân và dân ta nhằm bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và thực hiện nghĩa vụ quốc tế giúp đất nước và nhân dân Campuchia hồi sinh, thoát khỏi thảm họa diệt chủng.

Buổi tọa đàm cũng nhắc nhở thế hệ hôm nay và mai sau thấy được giá trị của hòa bình là có sự đánh đổi bằng xương máu của thế hệ cha anh đi trước cũng như hàng vạn thường dân vô tội; không ngừng vun đắp cho tình đoàn kết, hữu nghị Việt Nam - Campuchia mãi mãi keo sơn, bền chặt và là tài sản vô giá để hai nước giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Tin cùng chuyên mục