Cuộc chiến chống Covid-19: Những ký ức không thể lãng quên

Những ký ức không thể lãng quên trong thử thách nghiệt ngã và những ký ức đáng nhớ của thành phố trong giai đoạn chống chọi, vượt qua đại dịch Covid-19. Các tác giả tham gia cuộc vận động viết, không chỉ viết bằng con chữ mà còn bằng cả tấm lòng, bằng niềm tin, bằng sự biết ơn và tri ân cuộc đời với cả những được - mất.

Ngày 8-8, Ban Dân vận Thành ủy, Ban Tuyên giáo Thành ủy và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức lễ tổng kết, trao giải cuộc vận động viết về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TPHCM.

Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Trần Kim Yến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; Nguyễn Thị Bạch Mai, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy TPHCM.

Viết để nhớ, để tri ân

Có lẽ, chưa có cuộc tổng kết, trao giải nào nhiều cảm xúc khó diễn tả bằng lời như buổi tổng kết, trao giải cuộc vận động viết về công tác phòng chống dịch Covid-19. Nhà văn Trịnh Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, thành viên Ban Giám khảo, chia sẻ cảm xúc, giá trị mà các bài viết đem lại còn như là cách lưu giữ ký ức.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cùng lãnh đạo các ban Xây dựng Đảng của Thành ủy TPHCM trao giải nhất cho các cá nhân. Ảnh: VIỆT DŨNG

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cùng lãnh đạo các ban Xây dựng Đảng của Thành ủy TPHCM trao giải nhất cho các cá nhân. Ảnh: VIỆT DŨNG

Qua những bài viết đã góp phần tạo nên một bức tranh hiện thực sinh động với nhiều gam màu sáng, tối, đau thương, mất mát, nghị lực và đầy ắp tin yêu ở con người, ở cuộc sống tươi đẹp hơn.

“Đợi anh về, em nhé. Anh sẽ về sớm thôi. Tết này, chúng ta sẽ cùng nhau về ra mắt gia đình, anh sẽ xin ba mẹ cưới em. Không ngờ rằng, đó là câu nói cuối cùng của anh khi tình nguyện tham gia vào cuộc chiến sinh tử - cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Ngày anh trở về, cơ thể vạm vỡ của anh dân quân chỉ vỏn vẹn trong một hũ tro tàn. Anh đã bỏ lại tôi, bỏ lại bao ước mơ và hoài bão vẫn còn dang dở”, đó là những dòng cảm xúc mà chị Nguyễn Thị Bích Vàng (quận Gò Vấp) nhớ và viết về anh dân quân - người chồng chưa kịp cưới, đã mãi mãi ra đi ở tuổi thanh xuân.

"Những ký ức không thể lãng quên trong thử thách nghiệt ngã và những ký ức đáng nhớ của thành phố trong giai đoạn chống chọi và vượt qua đại dịch. Và đó còn là trang sử bi hùng trong lịch sử TPHCM, những trang sử vừa thương đau vừa đẹp đẽ bởi phẩm hạnh cao quý mà mỗi người cần nâng niu, giữ gìn và phát huy", Nhà văn Trịnh Bích Ngân chia sẻ.

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê lên sân khấu động viên chị Nguyễn Bích Vàng. Ảnh: VIỆT DŨNG

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê lên sân khấu động viên chị Nguyễn Bích Vàng. Ảnh: VIỆT DŨNG

Hai anh chị quen nhau trong một chiến dịch mùa hè xanh. Cả hai dự định cưới nhưng đại dịch Covid-19 bùng phát tại TPHCM. Tạm gác lại niềm vui, hạnh phúc riêng, anh dân quân tình nguyện tham gia chống dịch nơi tuyến đầu nhưng mãi mãi không về nữa. “Anh bỏ lại em một mình giữa cuộc sống này với những lời hứa còn dang dở chưa thực hiện được”, chị Nguyễn Bích Vàng xúc động chia sẻ.

Còn nhiều, rất nhiều những tấm gương thầm lặng mà kiên cường và tận tụy của đội ngũ bác sĩ, y tá, điều dưỡng, lao công ở các bệnh viện, nhất là các bệnh viện dã chiến để giành lại sự sống cho bệnh nhân và cả những sinh linh còn trong bụng mẹ.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Trần Kim Yến trao giải cho các cá nhân. Ảnh: VIỆT DŨNG

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Trần Kim Yến trao giải cho các cá nhân. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đó còn là những hoạt động bền bỉ 24/24 giờ của cả hệ thống chính trị, từ xã phường, quận huyện đến cấp thành phố giúp cho người dân trong suốt thời gian chống chọi và vượt qua đại dịch. Câu chuyện đẹp về người bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn, ông sắp về hưu nhưng đã lao vào chữa trị bệnh nhân mắc Covid-19 và hy sinh trọn vẹn một chữ TÂM đối với nghề.

Chánh Văn phòng Thành ủy TPHCM Nguyễn Mạnh Cường trao giải cho các cá nhân. Ảnh: VIỆT DŨNG

Chánh Văn phòng Thành ủy TPHCM Nguyễn Mạnh Cường trao giải cho các cá nhân. Ảnh: VIỆT DŨNG

Hay bài viết cảm nhận của PGS-TS Phạm Thị Dung (Trưởng đoàn công tác Trường ĐH Y Dược Thái Bình) - đoàn công tác đặc biệt với 5 thầy cô và 245 sinh viên, đã tiếp sức cho TPHCM suốt 2 tháng trong tâm dịch.

"Vượt lên tất cả, dấu ấn chúng tôi không thể nào quên. Đó là tính cách hào sảng, tấm chân tình của người Sài Gòn mà chúng tôi gặp mọi lúc, mọi nơi. Có ai đó từng nói “người Sài Gòn tánh kỳ” cứ thấy ai khó là giúp, dù mình chẳng dư giả gì nhiều. Không ồn ào, phô trương, những tấm lòng nhân ái cứ âm thầm lan tỏa, cùng vực nhau vượt qua đại dịch nhưng vẫn luôn rực rỡ ngọn lửa tình người, của trách nhiệm xã hội, của nghĩa đồng bào..." - PGS-TS Phạm Thị Dung đã viết.

Thâm nhập sâu hơn vào cuộc sống để viết

Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM Trịnh Bích Ngân, thành viên Ban giám khảo đánh giá, các tác giả tham gia cuộc vận động viết, không chỉ viết bằng con chữ, bằng bài viết mà còn bằng cả tấm lòng, bằng niềm tin, bằng sự biết ơn và tri ân cuộc đời với cả những được - mất.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phạm Đức Hải trao giải. Ảnh: VIỆT DŨNG

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phạm Đức Hải trao giải. Ảnh: VIỆT DŨNG

Ban Giám khảo tiếp nhận một khối lượng bản thảo đồ sộ gồm bài viết và hình ảnh nhân vật, sự việc kèm theo với thể tài “người thật việc thật”. Điều đặc biệt, ở cuộc vận động viết này, là các tác phẩm đã làm bật lên ký ức đáng nhớ và phẩm hạnh cao quý của người dân TPHCM. Ký ức và phẩm hạnh được hiện diện bằng nỗi niềm sâu lắng, bằng cảm xúc trí tuệ, bằng nghĩa cử, bằng việc làm cứ ngỡ như quá đổi bình thường.

Qua nhiều, rất nhiều bài viết hưởng ứng cuộc vận động viết về phòng chống Covid-19, đã cho chúng ta một lần nữa, thấy rõ hơn những vất vả, gian nan, sự tận tụy hy sinh quá đỗi lớn lao cũng như khát vọng vươn lên của người dân thành phố.

Tại buổi lễ, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên trân trọng cảm ơn tập thể, cá nhân đã tham gia cuộc vận động viết về phòng chống dịch Covid-19. Đồng chí đánh giá những bài viết mang lại nhiều ý nghĩa, giá trị không thể đo đếm, không có ngôn từ nào nói hết được.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ nhiều cảm xúc tại lễ trao giải. Ảnh: VIỆT DŨNG

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ nhiều cảm xúc tại lễ trao giải. Ảnh: VIỆT DŨNG

Các tác giả tham gia không chỉ viết bằng con chữ, bằng bài viết mà còn bằng cả tấm lòng, bằng niềm tin. Họ không phải viết cho mình mà viết cho cuộc đời, viết như sống và sống không chỉ cho riêng mình.

Đồng chí chia sẻ, cuộc vận động thi viết còn là hành động để cảm ơn những người tham gia cuộc chiến phòng chống dịch, xa hơn là ghi lại một phần của lịch sử TPHCM.

Qua những con số 2.267 bài dự thi, 245 bài vào vòng chung khảo và 48 bài đạt giải trong lần đầu tiên phát động cuộc vận động thi viết về công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TPHCM không chỉ đơn thuần là những con số vô hồn, mà nó còn ẩn chứa bên trong biết bao ý nghĩa của tình người.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên trao giải nhất cho các cá nhân. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đồng chí Nguyễn Văn Nên trao giải nhất cho các cá nhân. Ảnh: VIỆT DŨNG

Bí thư Thành ủy TPHCM bày tỏ, đại dịch Covid-19 qua đi còn để lại nhiều điều để nói, để viết về nó như là một bài học trong cuộc sống của mỗi người. Đại dịch vừa qua là chưa có tiền lệ, thậm chí vài trăm năm mới gặp một lần. Do vậy, cuộc thi đã khép lại nhưng câu chuyện về cuộc chiến phòng chống dịch sẽ tiếp tục viết.

Đồng chí mong thời gian tới sẽ có nhiều cuộc vận động thi viết về chủ đề này với trách nhiệm cao nhất. Trong đó, người viết hãy dấn thân, thâm nhập sâu hơn vào cuộc sống để nghe những câu chuyện kể và viết lại. Bởi trong cuộc sống còn rất nhiều người họ không có dịp kể hoặc chưa kể được cần người viết lại, cần người viết hộ.

Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh, chúng ta phải có bổn phận ghi lại, viết lại thời khắc đó và đó là trách nhiệm, là hành động sống của mỗi người.

Đồng thời mong muốn, cuộc vận động viết về công tác phòng chống dịch Covid-19 cần lan tỏa, mở rộng không chỉ ở cấp thành phố mà xuống tận cơ sở, đến từng cấp từng ngành để ghi lại, lưu lại những thời khắc khốc liệt mà TPHCM đã trải qua trong đại dịch Covid-19, làm phong phú thêm những giá trị về tình người, về lịch sử TPHCM.

Phát động sưu tầm tài liệu, hiện vật

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phạm Đức Hải cho biết, sau gần 7 tháng phát động cuộc thi với chủ đề “Vượt qua đại dịch - Hướng đến tương lai”, Ban Tổ chức đã nhận được 2.267 bài dự thi.

Các bài dự thi hầu hết đạt chất lượng tốt, nêu được những yếu tố điển hình, câu chuyện ý nghĩa và đề xuất những giải pháp thiết thực. Ban Tổ chức đã chọn ra 245 tác phẩm vào vòng chung khảo.

Cuộc thi đã kết thúc nhưng sự tác động của hội thi vẫn chưa dừng. Ban tổ chức đề nghị các cơ quan, đơn vị, cá nhân tiếp tục tuyên truyền để nhiều người cùng ghi lại những cảm xúc về sự cố gắng trong công tác phòng chống dịch Covid-19.

Trước hết là bản thân mỗi người và sau đó, vận động nhiều người tích cực hưởng ứng cuộc sưu tầm tài liệu, hiện vật… về công tác phòng chống dịch Covid-19 do UBND TPHCM phát động. Cuộc vận động sưu tầm kéo dài đến hết tháng 7-2024.

Tin cùng chuyên mục