Tình cờ gặp Anh hùng Lực lượng vũ trang (LLVT), Thiếu tướng Lê Mã Lương tại TPHCM, chúng tôi không khỏi xúc động khi được siết chặt tay người anh hùng đã từng là thần tượng của tuổi trẻ thời chống Mỹ cứu nước.
Kỷ niệm thiêng liêng
Có một kỷ niệm đặc biệt mà Anh hùng Lê Mã Lương bây giờ mới kể là kỷ niệm thiêng liêng khi anh được vinh dự kết nạp Đảng. Anh tâm sự: “Lúc đơn vị tôi đang chiến đấu tại căn cứ làng Vây hồi đầu năm 1968, khi đó tôi mới 18 tuổi đời, 1 tuổi quân. Sau trận đánh giải phóng làng Vây, đồng chí tổ trưởng tổ Đảng bảo tôi: “Cậu viết đơn xin vào Đảng đi…”. Thấy tình hình chiến sự đang hết sức nóng bỏng, ta kiên quyết không để địch tái chiếm làng Vây, vậy mà tôi lại chuẩn bị được kết nạp Đảng, vì thế tôi xúc động thốt lên: “Em được kết nạp Đảng tại mặt trận ạ?”. Đồng chí tổ trưởng tổ Đảng chợt nhận ra điều này nên cười phá lên: “Kết nạp Đảng tại trận địa càng quá hay, có mấy ai được như thế đâu…”.
Sau trận đánh, tôi tranh thủ viết đơn xin vào Đảng với tất cả nỗi xúc động dâng trào. Ngày ấy để trở thành đảng viên chúng tôi sẵn sàng hy sinh cả tính mạng mình cho Đảng, cho cách mạng. Sau khi nộp đơn lên tổ chức Đảng, tôi lại lao vào chiến đấu và bị thương hỏng một mắt tại trận chiến này nên phải đưa về tuyến sau điều trị. Vì thế phải đợi một năm sau khi tôi lành bệnh và trở lại chiến trường thì mới chính thức kết nạp Đảng. Đứng giữa chiến trường đầy khói lửa chiến tranh ác liệt, chúng tôi cất cao lời thề nguyện suốt đời trung thành với Đảng và luôn giữ mãi lời thề thiêng liêng ấy trong tim…
Anh hùng trẻ tuổi
Còn nhớ năm 1968, khi anh Lê Mã Lương mới 18 tuổi đã nổi tiếng bởi nghĩa cử cao đẹp: dù bị thương nặng hỏng một mắt nhưng anh vẫn quyết xung phong ra trận. Khí phách cách mạng của anh sau này được các nhà làm phim dựng thành nhân vật chính trong phim Bài ca ra trận và đã thổi ngọn lửa chiến đấu mãnh liệt cho thế hệ trẻ lúc bấy giờ khiến người dân cả nước ngưỡng mộ, tự hào. Anh được vinh dự phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT khi mới 21 tuổi, cấp bậc trung úy và trở thành người anh hùng trẻ tuổi nhất nước. Anh hùng Lê Mã Lương còn có câu nói nổi tiếng: “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù…”.
Chẳng thế mà cuộc đời anh đúng như bài ca ra trận hào hùng. Anh từng bị thương 3 lần nhưng vẫn xung phong ra trận và trực tiếp chỉ huy hàng trăm trận đánh lớn nhỏ, tiêu diệt 79 tên địch, bắn cháy 1 máy bay, 1 xe tăng địch… Anh còn trực tiếp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn.
Sau ngày giải phóng, anh lại tiếp tục cầm súng chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và chỉ huy chiến đấu tại chiến trường Lào, Campuchia giúp bạn. Khi chiến tranh kết thúc, anh về học tại khoa Sử Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, sau đó bảo vệ thành công luận án tiến sĩ và được bổ nhiệm làm Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam…
Hiện nay, anh đang được Bộ Quốc phòng giao làm chủ nhiệm đề tài “Bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử Quân sự Việt Nam”, anh rất tâm đắc khi được góp công sức vào công việc đầy ý nghĩa này. Anh vui vẻ cho biết: “Mỗi chặng đường chiến đấu đều để lại trong tôi nhiều kỷ niệm khó quên, nhưng kỷ niệm mà tôi nhớ nhất là lần đánh vào căn cứ Nước Trong để mở đường tiến quân vào giải phóng Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Lần ấy, nhờ có chút nước bùn mà tôi hết bị mất giọng để ra lệnh chỉ huy chiến đấu”.
Yến Minh