

Đạo diễn Bennett Miller.
Lễ trao giải Oscar 2006 đang đến gần cùng với những dự đoán về chủ nhân của những bức tượng vàng đang ngày một “nóng lên”. Sau đây là năm đạo diễn với những tác phẩm đang trong vòng về đích.
Tân binh Bennett Miller: Đạo diễn của phim "Capote" năm nay 38 tuổi. Năm 1998, phim tài liệu "The Cruise" nói về một hướng dẫn viên du lịch lập dị tại New York giúp Miller được biết đến trong giới làm phim. Việc ông được mời đạo diễn một bộ phim tình tiết cầu kỳ kể về cuộc đời tiểu thuyết gia Truman Capote là bước đột phá khiến nhà làm phim nào cũng phải cảm thấy ghen tị.

Đạo diễn - nhà biên kịch Paul Haggis: Nhiều người đánh giá "Crash" của Haggis ít cơ hội nhất trong đề cử Phim hay nhất, dẫn đến suy đoán ông cũng là đạo diễn dễ trắng tay nhất. Công bằng mà nói, Haggis là biên kịch tài năng (ông còn được đề cử với vai trò đồng tác giả kịch bản phim "Crash" và từng được đề cử cho kịch bản "Cô gái triệu đô" tại Oscar năm ngoái). Tuy nhiên, về phương diện đạo diễn, các nhà chuyên môn còn đang chờ đợi ở Haggis sự bứt phá hơn nữa.
Điểm yếu của "Crash" là các tình tiết trong phim luôn phơi bày quá rõ ràng trước khi đến cao trào, khiến người xem không có được cảm giác hồi hộp thú vị như thường thấy trong các tác phẩm đỉnh cao. Ngoài hai vai do Don Cheadle và Jennifer Esposito đảm nhiệm, các nhân vật khác đều mờ nhạt, diễn xuất không thật sự thuyết phục. Dù sao Haggis vẫn gỡ gạc ở sở trường trau chuốt lời thoại và nhịp độ phim tương đối ổn định, xâu chuỗi được vô số sự kiện nhỏ lẻ một cách khéo léo.

Huyền thoại Steven Spielberg: Sau khi xuất xưởng quả bom tấn "War of the Worlds" tốn kém mà không mấy thành công hồi đầu năm ngoái, dường như đạo diễn gạo cội này quyết tâm lấy lại phong độ khi xông pha vào đề tài chính trị và khủng bố tại Trung Đông với "Munich". Phim đã bị cả hai phe cánh tả và cánh hữu lên án mạnh mẽ khiến mọi người liên tưởng tình cảnh "The Passion of the Christ" (Khổ nạn của Chúa) của Mel Gibson cách đây ít lâu.
Với "Munich", lão làng Steven Spielberg đã kết hợp hải hòa thế mạnh giải trí giật gân (như trong các phim "Công viên kỷ Jura" và "E.T.") với khả năng phân tích sâu sắc các vấn đề nhạy cảm ("Bản danh sách Schindler" và "Giải cứu binh nhì Ryan"). "Munich" rất có thể đã trở thành tác phẩm thành công nhất của Spielberg, đáng tiếc ông đi hơi xa khi biến bộ phim về cuộc xung đột giữa Israel và Palestine (có phần hàm ý cả cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ) thành một tác phẩm tình báo ly kỳ với những màn hành động hơi thái quá.

"Anh liều" George Clooney: Tận dụng thế mạnh là ngôi sao hàng đầu Hollywood, George Clooney nối gót các đàn anh lấn sân sang lĩnh vực đạo diễn. Tuy nhiên, anh đã phải vô cùng vất vả mới kiếm được kinh phí cho "Chúc ngủ ngon và may mắn". Lý do là vì các hãng đều không muốn đầu tư cho một tác phẩm đen trắng khi cả thế giới đã bước vào thời đại kỹ thuật số.
Nhiều nhà đầu tư cũng kịch liệt phản đối khi biết gần như cảnh nào của phim cũng có người phì phèo thuốc lá. Clooney đã liều thế chấp ngôi nhà ở Hollywood lấy 7 triệu đô-la làm tiền ký quỹ khẳng định niềm tin của anh. Sự thật đã chứng minh: "Chúc ngủ ngon và may mắn" với hàng loạt giải thưởng quan trọng và dư luận tốt đã đánh dấu sự trưởng thành của Clooney với tư cách nhà làm phim.
Thần chiến thắng Lý An: "Núi Brokeback" như một bài thơ giàu hình ảnh khắc họa mối tình ngang trái của hai chàng cao bồi đồng tính và những cảnh đẹp mê hồn của miền Tây nước Mỹ. Nhờ tài năng của đạo diễn gốc Đài Loan Lý An, từng mạch truyện trong tiểu thuyết của Annie Proulx được tái hiện tài tình với nhiều sáng tạo làm các cảnh quay sáng bừng trên màn bạc. Và đó chính là những dấu hiệu thành công của Lý An sau "Ngọa hổ tàng long", "Lý trí và tình cảm"...
(Theo Tiền phong)