Cuộc “tháo chạy” của người Anh

Số người Anh chuyển sang sinh sống tại các nước trong Liên minh châu Âu (EU) tăng 30% kể từ khi Anh tiến hành trưng cầu dân ý về Brexit (Anh rời EU) năm 2016. 

Theo số liệu phân tích và được công bố ngày 4-8 của Tổ chức Phát triển và Hợp tác kinh tế (OCED) và Eurostat, số di cư từ Anh sang EU trong năm 2008-2015 là 56.832 người và tăng lên 73.642 người trong 2 năm từ 2016-2018.

Nghiên cứu cũng cho thấy số người Anh gia nhập quốc tịch tại các quốc gia khác trong EU tăng tới 500%. Riêng tại Đức, số người Anh định cư tại Đức là 31.600 người, tăng 2.000% kể từ năm 2016. Trong số các nước EU, Tây Ban Nha là quốc gia có số người có quốc tịch Anh chuyển đến sinh sống nhiều nhất với số lượng khoảng 380.000 người. Tiếp đến là Pháp, nếu trong thời gian 2008-2015 chỉ có khoảng 500 người quốc tịch Anh đăng ký xin quốc tịch mỗi năm thì con số này tăng gấp 10 lần, lên tới 5.000 trường hợp/năm trong 2 năm 2016-2018. Tại Đức có 14.600 người Anh mang 2 quốc tịch Anh - Đức năm 2019, so với con số 622 người năm 2015. Trong 3 năm, từ năm 2016-2019, có 31.600 người Anh đăng ký xin quốc tịch Đức và thêm khoảng 15.000 người nữa trong năm 2020.

Báo cáo cũng chỉ ra việc gia tăng số người Anh gia nhập quốc tịch nước khác trong EU là một minh chứng cho thấy quyết định xin thêm quốc tịch khác nữa nhằm đảm bảo giữ cho họ quyền được tự do sinh sống tại các quốc gia thành viên của EU. Hiện các công dân EU sinh sống tại Anh vẫn có quyền tự do di chuyển đến sinh sống, làm việc tại các nước trong EU thời hậu Brexit. Đã có khoảng hơn 3 triệu trong tổng số 3,4 triệu công dân EU (chiếm gần 90%) hiện đang sinh sống và làm việc tại Anh nộp đơn xin được ở lại nước này sau khi Anh chính thức rời EU vào cuối tháng 1-2020.  

Trong khi đó, nếu các công dân Anh từ bỏ quốc tịch tại các nước EU mà họ đang sinh sống, họ sẽ không thể làm việc hoặc thực hiện các hoạt động dịch vụ tại các nước trong EU. Quyết định này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến những người làm nghề trong các lĩnh vực như kế toán, luật, kiến trúc, dịch thuật và y tế.

Thực tế cho thấy viễn cảnh về việc không còn là một công dân EU, đồng nghĩa với việc mất đi quyền tự do đi lại trong khối, đã khiến nhiều người Anh hoảng sợ. Rất nhiều người Anh, đặc biệt là những người Anh đang sinh sống và học tập ở các nước EU vốn sẽ không còn được hưởng những đặc quyền của một công dân EU như bấy lâu nay, đang hối hả nộp đơn xin cấp hộ chiếu ở các nước trong khối EU, như một cách để ở lại liên minh này dù đất nước của họ đã nói lời tạm biệt. 

Bỏ phiếu cho Brexit có một nguyên nhân là do người Anh không muốn nhận nhiều người nhập cư vào đất nước của họ để tạo ra những gánh nặng vô cùng to lớn cho hệ thống an sinh xã hội ở nước này rồi lấy đi công ăn việc làm của họ. Tuy nhiên, nhận xét về tỷ lệ người Anh di cư sang EU tăng cao chót vót, ông Daniel Auer, đồng tác giả của nghiên cứu do Trường Đại học Oxford tiến hành tại Berlin kết hợp với Trung tâm Khoa học xã hội Berlin, cho rằng con số tăng cao đột biến thường chỉ xảy ra trong trường hợp quốc gia đó đang bị khủng hoảng kinh tế hoặc chính trị trầm trọng. Bỏ qua sự kiêu hãnh về tầm vóc và vị thế nước Anh sau Brexit, người Anh vẫn đang đặt cược “dự phòng” cho tương lai của họ.

Tin cùng chuyên mục