TPHCM đang bước vào những tháng cuối năm 2013 với nhiều lễ hội tập trung đông người. Đây cũng là thời điểm giao thông đi lại “nóng” nhất trong năm, dễ kẹt xe hơn bao giờ hết.
Xáo trộn do điều chỉnh giao thông
Chỉ còn 1 tháng nữa là đến lễ Noel, mùa lễ mở đầu cho chuỗi lễ hội đi liền sau đó là Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán. Bình thường mối lo ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố đã là “vấn đề của vấn đề” rồi nhưng năm nay thì càng đáng lo hơn nữa do có những xáo trộn về tổ chức, điều chỉnh giao thông trên nhiều tuyến đường huyết mạch, vốn dĩ có mật độ phương tiện đông.
Điển hình là việc thành phố đã và sắp đóng cửa hàng loạt cây cầu cũ để xây cầu mới. Đó là các cầu Bông nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng nối liền quận Bình Thạnh và quận 1; cầu Hậu Giang trên đường Hậu Giang quận 6; cầu Lê Văn Sỹ nối liền đường Trần Quốc Thảo và đường Lê Văn Sỹ quận 3; cầu Kiệu nối liền đường Hai Bà Trưng (quận 1, quận 3) với đường Phan Đình Phùng quận Phú Nhuận. Tất cả các cầu này, theo thông báo của cơ quan chức năng, sẽ chỉ lần lượt được mở trở lại sớm nhất vào nửa cuối năm 2014.
Mặc dù chưa đến cao điểm các lễ hội cuối năm nhưng ngay từ bây giờ tình trạng ùn ứ giao thông đã xuất hiện xung quanh các cây cầu buộc phải đóng cửa này. Mới đây nhất là đầu tuần qua, đã xảy ra kẹt xe quanh khu vực cầu Lê Văn Sỹ sau khi cầu này đóng cửa. Vụ kẹt xe này diễn ra hết sức trầm trọng khiến cho hàng ngàn phương tiện xếp hàng rồng rắn nhích từng chút qua khu vực trên.
Hệ quả tiếp theo là hàng loạt phương tiện, theo phản xạ tự nhiên, đã đổ dồn về các tuyến đường quanh cầu Lê Văn Sỹ như Trương Định, Trần Quang Diệu, Hoàng Sa, Trường Sa… khiến các tuyến đường trên cũng kẹt xe. Khoảng 5 giờ chiều 11-11 tức là vào giờ cao điểm, tại ngã ba đường Hoàng Sa - Rạch Bùng Binh - Trương Định thuộc quận 3, hàng đoàn phương tiện nối đuôi nhau di chuyển hướng từ trung tâm thành phố về quận Phú Nhuận.
Tại giao lộ Hoàng Sa - Trương Định có rất đông xe gắn máy, ô tô đổ dồn về khiến cả khu vực bị ùn ứ kéo dài hơn 30 phút. Các lực lượng chức năng như cảnh sát giao thông, thanh niên xung phong, dân phòng trên địa bàn phải tung quân ra điều tiết, hướng dẫn các phương tiện di chuyển. Cách đó khoảng 500m, tại giao lộ Trần Quang Diệu - Trường Sa tình hình cũng không khá hơn khi cả ngàn phương tiện xếp hàng gần 1km kéo dài từ cầu số 9 đến cầu Trần Quang Diệu. Dòng xe gắn máy chen chúc nhích từng tí một để lưu thông, số khác di chuyển lên vỉa hè để thoát cảnh kẹt xe, từ đó càng tạo ra hỗn độn và ùn ứ!
Nỗi lo đào đường
Không chỉ nguyên nhân đóng cầu, các lô cốt đào đường cũng đang “hứa hẹn” bùng nổ kẹt xe vào dịp năm hết, tết đến sắp tới. Có thể nhắc đến vụ ùn ừ vừa xảy ra, cũng vào đầu tuần qua trên đường Hồng Bàng, đoạn đi qua phường 14 quận 6 vào 12-11. Hàng ngàn phương tiện ô tô, xe máy nối đuôi nhau nhích từng chút trên đường Hồng Bàng mà “thủ phạm” gây ra vụ ùn tắc này là “lô cốt” của đơn vị thi công dự án cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm, do đơn vị thi công dự án dựng rào chắn công trình chiếm gần nửa diện tích mặt đường Hồng Bàng đoạn gần cầu Ông Buông 1.
Tại hiện trường, lô cốt của đơn vị thi công lấn ra mặt đường Hồng Bàng khoảng 2m tạo thành nút thắt cổ chai trên tuyến giao thông vốn dĩ đông đúc. Ùn tắc kéo dài và càng lúc càng trở nên hỗn loạn khi nhiều người điều khiển xe gắn máy chen chúc vào giữa làn đường ô tô, leo lên vỉa hè với hy vọng nhanh chóng thoát khỏi điểm nóng kẹt xe.
Khi xảy ra kẹt xe, đơn vị thi công dự án đã cử nhiều nhân viên ra hướng dẫn giao thông đồng thời cho mở rộng dải phân cách giữa đường Hồng Bàng thêm gần 2m thế nhưng tình hình vẫn không được cải thiện, dòng xe ô tô, gắn máy xếp hàng gần cây số, kéo dài từ cầu vượt thép Cây Gõ đến vòng xoay Phú Lâm. Đội cảnh sát giao thông Phú Lâm cũng huy động lực lượng đến phân luồng, điều tiết giao thông nhưng hiệu quả không cao vì mặt đường quá hẹp cộng với lượng phương tiện tham gia giao thông đông. Theo đánh giá của Đội thanh tra giao thông số 4 thuộc Sở GTVT TPHCM, đơn vị thi công vi phạm vào lỗi thi công trên đường bộ đang khai thác không có biện pháp đảm bảo an toàn giao thông.
Ngoài ra, như một quy luật “ăn theo” thường có, đi kèm với mùa lễ hội cuối năm là sự bùng phát kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Giải quyết vấn đề này sẽ rất khó nếu không có mũi đột kích sắc bén, trong đó có những trọng tâm cần chú ý.
Chẳng hạn như cơ quan chức năng cần tập trung vào công tác kiểm tra, thu hồi giấy phép sử dụng lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh buôn bán, đậu xe 2 bánh, xe ô tô không còn phù hợp, trả lại vỉa hè thông thoáng cho người đi bộ. Trong vấn đề này, trách nhiệm chính và trước tiên thuộc về chính quyền các quận, huyện.
THIỆN NHÂN