Cựu kế toán trưởng của AIC thấy cần đầu thú để nhận được khoan hồng

Ngày 23-10, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", xảy ra tại Sở Y tế Quảng Ninh, Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và các đơn vị liên quan.

Vụ án này có 16 bị cáo, trong đó có 14 người bị xét xử về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng"; 2 bị cáo bị xét xử về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc AIC) cùng 3 bị cáo khác đang bỏ trốn bị xét xử vắng mặt.

Bị cáo Đỗ Văn Sơn tại phiên tòa

Bị cáo Đỗ Văn Sơn tại phiên tòa

Tại phần thẩm vấn, bị cáo Đỗ Văn Sơn (cựu Kế toán trưởng AIC) là người đầu tiên trả lời hội đồng xét xử. Sơn khai, làm công việc kế toán từ cuối năm 2008. Cuối năm 2013, Sơn được bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn chỉ đạo sửa báo cáo tài chính để AIC có đủ năng lực tài chính tham gia các gói thầu tại dự án Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Quảng Ninh.

Theo lời của Sơn, bà Nhàn đã yêu cầu bị cáo chỉnh sửa báo cáo tài chính, mặc dù được tham mưu là không được nhưng bà Nhàn yêu cầu làm và không phải là người chịu trách nhiệm về việc này.

Trước yêu cầu của Chủ tịch AIC, bị cáo Sơn đã chỉ đạo cấp dưới chỉnh sửa bản báo cáo tài chính theo như chỉ đạo của bà Nhàn. Tại phiên tòa hôm nay, bị cáo Sơn đã nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật, tỏ ra ăn năn hối lỗi.

Cũng tại phiên tòa, được yêu cầu khai về quá trình lẩn trốn, bị cáo Sơn cho biết, năm 2022 có nhận được điện thoại của bà Nhàn nói rằng AIC không kinh doanh công việc như trước mà chuyển sang làm thành phố thông minh.

Bà Nhàn nói với Sơn, nếu muốn làm công việc mới này thì phải đi nước ngoài học tập, và Sơn đã đồng ý sau 2 tuần suy nghĩ. Bị cáo Sơn nói, được trợ lý của bà Nhàn mua vé máy bay để sang Dubai. Khi sang đến Dubai, bị cáo được một người đón về một căn phòng thuê, bị thu điện thoại. Tuy nhiên, sang đó, bị cáo không đi học gì để làm thành phố thông minh. Đến ngày 22-6, Sơn về nước đầu thú. Theo Sơn, chỉ có đầu thú mới nhận được sự khoan hồng của pháp luật.

Theo cáo trạng, Đỗ Văn Sơn biết rõ AIC không đủ năng lực tài chính để dự thầu theo quy định. Thực hiện chỉ đạo của Nhàn, Đỗ Văn Sơn đã báo cáo Nguyễn Hồng Sơn (Phó Tổng Giám đốc AIC) về việc chỉnh sửa số liệu báo cáo tài chính của AIC.

Sau khi Nguyễn Hồng Sơn đồng ý, Đỗ Văn Sơn cung cấp số liệu và chỉ đạo Lê Thị Hương (nhân viên kế toán) thực hiện điều chỉnh báo cáo tài chính các năm 2010, 2011, 2012, 2013 để làm tăng hệ số thanh toán nợ ngắn hạn và tăng vốn chủ sở hữu. Đỗ Văn Sơn ký 4 báo cáo tài chính đã chỉnh sửa và trình Nguyễn Thị Thanh Nhàn ký xác nhận.

Sau đó, các báo cáo tài chính này được cung cấp cho cơ quan kiểm toán để xác nhận kiểm toán rồi đưa vào hồ sơ dự toán để AIC đủ điều kiện tham gia và trúng các gói thầu của dự án.

Quá trình điều tra, Đỗ Văn Sơn bỏ trốn. Đến ngày 22-6, Đỗ Văn Sơn bị bắt theo lệnh truy nã. Tại cơ quan công an, Đỗ Văn Sơn khai nhận hành vi phạm tội của mình phù hợp lời khai của các bị cáo khác tại AIC.

Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Quảng Ninh được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt năm 2009, tổng vốn đầu tư 238 tỷ đồng. Dự án gồm 2 giai đoạn và chia thành 6 gói thầu mua sắm trực tiếp. AIC tham gia dự thầu và trúng toàn bộ 6 gói thầu.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn là người thành lập và điều hành hoạt động AIC. Để AIC trúng thầu, bà Nhàn có vai trò chủ mưu, đứng đầu chỉ đạo và trực tiếp thực hiện nhiều hành vi vi phạm quy định đấu thầu. Với 6 gói thầu sai phạm, bà Nhàn và đồng phạm đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 50 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục