Cứu rừng trước khi quá muộn

Cháy rừng không phải là hiện tượng mới. Nhưng giờ đây, những trận cháy rừng dữ dội hơn liên tiếp xảy ra và kéo dài hơn, một phần là do biến đổi khí hậu. Cần làm gì để ngăn chặn nguy cơ này?
Dùng drone kiểm soát cháy rừng ở Phần Lan
Dùng drone kiểm soát cháy rừng ở Phần Lan

Thực trạng đáng ngại

Các đám cháy đã bùng phát dữ dội ở Canada trong nhiều tháng qua và lực lượng cứu hỏa nước này cùng đội hỗ trợ quốc tế phải vật lộn để kiểm soát. Khoảng 10 triệu ha rừng đã bị thiêu rụi, tạo ra những đám khói khổng lồ bao trùm các khu vực của Bắc Mỹ. Những đám cháy lớn cũng lan rộng ở Italy, Hy Lạp và Tây Ban Nha trong những ngày gần đây.

Do sức nóng và gió bất lợi, Cơ quan Thời tiết Aemet của Tây Ban Nha cảnh báo sẽ có thêm nhiều đám cháy lớn. Ở phía Nam bán cầu, các trận cháy lớn trong mùa hè ở Australia năm 2019-2020 cũng đã thiêu rụi gần 24 triệu ha rừng. Và khi tiếp tục bị làm nóng bởi tình trạng gia tăng đốt nhiên liệu hóa thạch, những đám cháy đó sẽ trở nên tồi tệ hơn, gây nguy hiểm cho nhiều người và động vật hoang dã hơn.

Theo ông Hamish Clarke, nhà nghiên cứu sinh thái cấp cao tại Trường Đại học Melbourne, Australia, thế giới không đi đúng hướng để giảm thiểu rủi ro cháy rừng và điều cần thiết bây giờ là giảm mạnh lượng khí thải nhà kính. Ông Clarke từng cảnh báo về nguy cơ cháy rừng ở Australia, lập luận rằng biến đổi khí hậu đang vượt quá khả năng thích ứng của các hệ thống sinh thái, xã hội và việc kiểm soát cháy rừng chưa hiệu quả.

Các biện pháp cần thiết

Để nâng cao khả năng bảo vệ rừng, theo các nhà chuyên môn, ngoài việc cắt giảm khí thải, cần triển khai đồng bộ nhiều biện pháp khác. Thứ nhất, việc đốt thảm thực vật rừng có kiểm soát hoặc theo quy định, thường là vào những tháng lạnh, giúp giảm bớt nguy cơ cháy rừng vào mùa hè bằng cách giảm lượng mồi lửa có sẵn. Ở các quốc gia dễ xảy ra cháy rừng như Mỹ, Australia, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Canada, Pháp và Nam Phi, đây là một chiến lược kiểm soát cháy rừng đã được thử nghiệm trong nhiều thập niên.

Ông Victor Resco de Dios, giáo sư kỹ thuật lâm nghiệp tại Đại học Lleida của Tây Ban Nha, cho biết, phương pháp này gọi là giảm thiểu nguy cơ, mang lại hiệu quả cao trong việc giảm cường độ và mức độ nghiêm trọng của đám cháy rừng. Theo ông, việc đốt cháy có kiểm soát các đám cây cỏ khô trong điều kiện mát mẻ sẽ hiệu quả hơn khi thực hiện trên một quy mô không gian rộng lớn.

Tuy nhiên, do nhiệt độ trái đất hiện đã tăng cao nên việc này phải được tiến hành tỉ mỉ, nếu không có thể trở nên mất kiểm soát. Gần đây, hoạt động đốt rừng có kiểm soát ở bang New Mexico, Mỹ đã khiến vụ cháy trở nên tồi tệ nhất trong lịch sử của bang. Sau đó, Giám đốc Cục Kiểm lâm (thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ), ông Randy Moore, tuyên bố tạm dừng các hoạt động đốt rừng theo kế hoạch tại các khu rừng quốc gia trên khắp nước Mỹ.

Biện pháp thứ hai là dùng công nghệ dập tắt các đám cháy lớn. Các vệ tinh do Cơ quan Hàng không và Không gian Mỹ (NASA) quản lý đã giúp lính cứu hỏa theo dõi các đám cháy di chuyển trên khắp hành tinh. Máy bay không người lái (drone) cũng trở thành một thiết bị chữa cháy công nghệ cao hữu hiệu. Phần Lan, nơi rừng chiếm 75% diện tích đất, triển khai hiệu quả việc theo dõi các đám cháy rừng với sự trợ giúp của drone.

Giáo sư Eija Honkavaara từ Viện Nghiên cứu không gian địa lý Phần Lan (NLS) và là thành viên của nhóm nghiên cứu thực hiện dự án, cho biết, Phần Lan đang phát triển công nghệ drone dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) mới để nhanh chóng phát hiện cháy rừng và đưa ra dự báo tình huống khi dập tắt đám cháy. Khi drone cung cấp dữ liệu từ xa theo thời gian thực, chúng cũng được trang bị các cảm biến có thể nhìn xuyên qua khói để phát hiện quy mô chính xác của đám cháy. Quan trọng là cần có kết nối internet mạnh ở vùng sâu vùng xa.

Thứ ba, theo các chuyên gia, hệ sinh thái rừng dễ bị tổn thương, do đó cần thích nghi với các vụ cháy rừng thường xuyên thông qua việc trồng thêm các loài thực vật có khả năng chống chịu hạn hán và khí hậu. Theo Giáo sư Resco de Dios, cần trồng các loài cây chịu khô hạn hơn. Một cuộc điều tra về các vụ cháy rừng trong mùa hè 2021-2022 ở Australia cho thấy, khả năng “tái sinh hiệu quả” của hơn 250 loài thực vật đang ngày càng thấp do tần suất các đám cháy ngày càng tăng. Các nhà khoa học lưu ý, khí hậu không còn phù hợp với nhiều loài cây đã phát triển vào đầu thế kỷ này, vì vậy nên bắt đầu lên kế hoạch cho các loài cây mới.

Tin cùng chuyên mục