Đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi

Năm 2001, thông qua hệ thống khuyến nông, anh Phạm Văn Khưng đầu tư thử nghiệm mô hình trồng lấy măng và chiết giống tre Điền Trúc, sau một năm trồng, kết quả rất khả quan.
Anh Phạm Văn Khưng
Anh Phạm Văn Khưng
Luôn luôn nắm bắt thông tin qua báo, đài và tiếp thu khoa học kỹ thuật mới, đem vào thử nghiệm trên vùng đất xám của nhà mình để thoát nghèo, vươn lên làm giàu, là mục tiêu và lý tưởng về nghề nông của anh Tư Khưng (Phạm Văn Khưng (ảnh), ngụ tại ấp Cây Da, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TPHCM). Nhiều người trong xã gọi anh là “Tư tre giống” - loại cây đã giúp anh đổi đời. 
20 năm trước, chỉ có 1ha đất ruộng sản xuất lúa do ông bà để lại, anh phải chạy đôn chạy đáo làm trăm nghề để lo cho 4 đứa con đang tuổi ăn học. Năm 2001, thông qua hệ thống khuyến nông, anh đầu tư thử nghiệm mô hình trồng lấy măng và chiết giống tre Điền Trúc, sau một năm trồng, kết quả rất khả quan.
Nắm bắt thị trường tiêu thụ giống và măng đang khan hiếm, anh quyết định mở rộng diện tích để làm giàu. Với phương pháp lấy công làm lời, đến nay anh đã nhân giống tre lấy măng và chiết giống lên khoảng 0,5ha. Tâm sự với tôi, anh phân tích rất chi li, mỗi năm chiết giống bán ra thị trường khoảng 1.000 cây, giá bình quân 25.000 đồng/cây (cao khoảng 1m) và thu 3 - 5 tấn măng, bình quân 10.000 đồng/kg. Tre của anh được tiêu thụ khắp khu vực miền Nam, có khi ra đến tận miền Bắc. Anh cho biết: “Tôi có được kênh tiêu thụ tre giống rộng khắp là nhờ vào hệ thống thông tin khuyến nông, báo đài và tham gia hội chợ triển lãm giống nông nghiệp hàng năm”. Với anh, tham gia hội chợ sẽ tiếp thu được kinh nghiệm kỹ thuật của các nhà vườn, trang trại, doanh nghiệp và tìm hiểu thị trường, thị hiếu người tiêu dùng, nhờ vậy mới không thất bại và sẽ làm giàu. Đó là sân chơi mà người làm nông phải nắm.
Nếu như một số không nhỏ nông dân ít dám thử nghiệm giống cây trồng mới, thì anh Tư Khưng lại khác. “Tôi đã nhiều năm đồng hành cùng khuyến nông để tiếp thu khoa học kỹ thuật tiên tiến và thử nghiệm cây trồng mới, có thất bại rồi sẽ thành công”, anh khẳng định. Nghề nông tuy gian khổ nhưng là niềm đam mê của anh. Cuối năm 2006, nhân dịp tham quan các mô hình nông nghiệp hiệu quả ở miền Bắc để làm cơ sở cho việc chuyển đổi đất lúa sang cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, Trung tâm Khuyến nông TPHCM đã đem giống cỏ VA06 bằng hom về thử nghiệm trên nhiều vùng đất ngoại thành của TP. Anh Tư Khưng là người tiên phong thực hiện.
Hàng năm anh bán khoảng 5 tấn hom giống cỏ VA06, giá 5.000 đồng/kg. Nhờ có cỏ, anh gầy dựng đàn bò sữa lên tới 20 con, trong đó có khoảng 10 con đang khai thác sữa, năng suất sữa khoảng 150 - 200 kg/ngày. Theo anh Tư Khưng, trồng cỏ VA06 hiệu quả 1,5 - 2 lần so với các loại cỏ khác, hàm lượng dinh dưỡng cao, khẩu vị ngọt, bò thích ăn hơn. Khi trồng cần bám sát kỹ thuật khuyến nông chuyển giao, trồng hàng cách hàng (80cm x 80cm), cây cách cây (40cm x 40cm) để cây nhảy nhánh nhiều (trên 30 nhánh). Mùa nắng nên trồng âm xuống mặt đất 10cm, để giữ ẩm và dễ bón phân. Mùa mưa trồng thành luống cao 10cm, để thoát nước và dễ cho việc chăm sóc. Như thế, cỏ sẽ phát triển nhanh và tốt, cho năng suất cao.

Tin cùng chuyên mục