Do vậy, để có thể đạt được mục tiêu cam kết trên, Bộ Công thương đã triển khai dự án Phát triển năng lượng tái tạo (REDP) với sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới (WB) và Cục Hợp tác kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO). Dự án có tổng kinh phí viện trợ ODA tương đương 204 triệu USD, trong đó, nguồn vốn tài trợ không hoàn lại gần 2,3 triệu USD. Dự án nhằm phát triển các nguồn năng lượng tái tạo đấu nối lưới điện quốc gia trên cơ sở thương mại, đảm bảo phát triển bền vững.
Hiện dự án đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư thành công 19 dự án năng lượng tái tạo, với quy mô công suất tổng cộng 320MW, cung cấp cho hệ thống điện Việt Nam một nguồn điện đáng kể, đặc biệt có giá trị vào giờ cao điểm và cấp điện cho các nhu cầu tại chỗ của địa phương vùng sâu, vùng xa, biên giới. Ông Marcel Raymond, Trưởng cơ quan hợp tác, Đại sứ quán Thụy Sĩ, nhận xét dự án không những hỗ trợ Việt Nam xây dựng thành công dự án năng lượng tái tạo, mà còn giúp hỗ trợ một số cơ quan nhà nước trong việc hoàn thiện các thể chế chính sách về phát triển năng lượng tái tạo, về mô hình sử dụng các nguồn vốn tài trợ nước ngoài phù hợp với điều kiện của Việt Nam trong các thời kỳ phát triển. Cùng với đó là xây dựng cơ sở dữ liệu về đo gió và phát triển điện gió, bản đồ tiềm năng nguồn sinh khối toàn quốc, bản đồ địa hình nền phục vụ xây dựng quy hoạch các dự án điện mặt trời.
Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, cho biết Việt Nam có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế. Tuy nhiên, đáng tiếc là những tiềm năng về năng lượng tái tạo tại Việt Nam chưa được khai thác và đầu tư đúng mức. Không những thế, với quy mô kinh tế và tốc độ tăng trưởng kinh tế trên dưới 7%/năm, nhu cầu năng lượng nói chung và điện nói riêng của Việt Nam trong thời gian tới là rất lớn. Trên thực tế, Việt Nam từ một nước xuất khẩu tịnh năng lượng đã trở thành nước nhập khẩu tịnh về năng lượng và ngày càng phụ thuộc vào việc nhập khẩu các nguồn than và khí hóa lỏng từ nước ngoài.
Trong bối cảnh này, việc phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam là xu thế tất yếu nhằm đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng, giảm sự phụ thuộc vào nguồn than nhập khẩu và bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, để có thể thực hiện được vấn đề trên, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và lãnh đạo địa phương cần đẩy mạnh các giải pháp như tăng cường đầu tư, đổi mới khoa học - công nghệ, sản xuất sản phẩm thiết bị tiết kiệm năng lượng; ưu tiên phát triển và tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng; xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, vận hành linh hoạt với khả năng tự động hóa cao từ khâu truyền tải đến khâu phân phối. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần mở rộng liên doanh, liên kết, tăng cường xúc tiến thương mại, thúc đẩy phát triển chuyên ngành; tiếp cận xu hướng công nghệ và nắm bắt bước tiến trong thị trường chiếu sáng toàn cầu không ngừng thay đổi.