Đa dạng hoạt động mừng ngày Quốc khánh

Trong ba ngày 31-8, 1-9 và 2-9, sẽ diễn ra nhiều hoạt động VH-NT trên cả nước góp phần tạo không gian nghỉ lễ tưng bừng, rộn ràng. Hãy cùng chúng tôi điểm qua các hoạt động vui chơi giải trí chính, dịp nghỉ lễ năm nay.

Đa dạng hoạt động trình diễn

Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Sơn Tây, Hà Nội) cho biết, từ ngày 30-8 đến 30-9, tại đây có nhiều hoạt động giới thiệu văn hóa, phong tục tập quán của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam với chủ đề “Vui Tết Độc lập”. Dự kiến, chuỗi hoạt động này có sự tham gia của khoảng 300 đồng bào thuộc 15 dân tộc đến từ các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Thừa Thiên-Huế, Gia Lai, Kon Tum, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Sóc Trăng…

Điểm nhấn là không gian chợ vùng cao có chủ đề “Về miền cao nguyên đá” tái hiện không gian chợ mang đậm sắc màu văn hóa huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, nơi gặp gỡ giao lưu văn hóa, gắn với các hoạt động dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, ẩm thực... của các dân tộc Mông, Dao, Thái, Lô Lô, Giáy, Tày... Tại đây cũng tổ chức nhiều chương trình diễn xướng âm nhạc dân gian Tây Nguyên có chủ đề “Tiếng gọi đại ngàn” của các nghệ nhân tỉnh Đắk Lắk… 

Chợ phiên La Phìn, huyện Đồng Văn
Chiều 2-9, đã trở thành thông lệ, chương trình Hòa nhạc Quốc gia Điều còn mãi sẽ được tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội. Với chủ đề “Bay lên Việt Nam”, các ca khúc trình diễn giảm thời lượng khí nhạc so với mọi năm, tăng thời lượng thanh nhạc, với nhiều bài hát về biển đảo, chủ đề đang rất thời sự của đất nước. Những ca khúc đi cùng năm tháng vẫn được lựa chọn như: Lời ca dâng Bác (Trọng Loan), Sông Lô chiều cuối năm (Minh Quang), Hoa hồng trên điểm tựa (Hồ Bắc), Trên biển quê hương (Đức Minh)... Các ca khúc mang phong cách dân gian, rock cũng sẽ được thể hiện, như Tâm hồn của đá (nhạc sĩ Trần Lập) sẽ được Tùng Dương trình diễn với Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam…

Tại Công viên văn hóa Đầm Sen (TPHCM), khán giả nhí sẽ có dịp tham gia các chương trình thiếu nhi đặc sắc tại sân khấu Dế Mèn, kịch Thủy chiến Bạch Đằng Giang, múa rối Lọ nước thần, xiếc Những bạn nhỏ đáng yêu...; chương trình “Rạng rỡ Việt Nam” vào tối 1-9 có sự kết hợp của hiệu ứng ánh sáng nghệ thuật đỉnh cao như laser, pháo hoa, dạ quang long, pháo lửa… tái hiện hình ảnh rừng cờ đỏ sao vàng bay phấp phới quyện trong tiếng nhạc mạnh mẽ, khắc họa hình ảnh đất nước Việt Nam rạng rỡ, đầy tự hào. Tại Khu du lịch văn hóa Suối Tiên có show diễu hành “Ấn tượng Việt Nam” - tái hiện không khí hào hùng ngày đất nước trọn niềm vui trong sắc màu cờ hoa rực rỡ; chương trình sân khấu hóa tái hiện trận chiến Sơn Tinh - Thủy Tinh. Thảo Cầm Viên Sài Gòn cũng tất bật tổ chức nhiều hoạt động phục vụ khách tham quan từ ngày 31-8 đến 2-9, trong đó có chương trình ca nhạc - xiếc - ảo thuật đặc biệt, biểu diễn đường phố, sân chơi nước cho thiếu nhi, mở cửa tham quan bảo tàng động thực vật, vườn bướm và vườn hồng hạc…

Công viên Văn hóa Đầm Sen thường tổ chức bắn pháo hoa, thu hút du khách thưởng lãm
Nhộn nhịp phim ảnh, sân khấu


Các sân khấu kịch cũng nhộn nhịp sáng đèn phục vụ nhu cầu giải trí dịp lễ của khán giả yêu thích kịch nói. Sân khấu kịch Idecaf trụ tại Nhà hát Bến Thành tái diễn vở nhạc kịch Việt hoành tráng Tiên Nga từ 30-8 đến 2-9. Sân khấu kịch Hồng Vân tại hai địa điểm TTVH quận Phú Nhuận và Superpowl biểu diễn các vở: Căn phòng câm lặng, Ngôi nhà trên thuyền, Suối linh hồn… Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh trình diễn hai vở Bông Hồng cài áo, Sài Gòn có một ngã tư vào tối 31-8 và 1-9. 

Tối 1-9, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang - đoàn 2 biểu diễn chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng Quốc khánh 2-9 tại TTVH huyện Hóc Môn, với sự tham gia biểu diễn của NSND Thanh Ngân, NSƯT Trọng Phúc, Mỹ Hằng, Lê Hồng Thắm, Lam Tuyền, NS Võ Minh Lâm, Bùi Trung Đẳng, Minh Hoàng, Thu Phương, Hoàng Hải… Tối 1-9, tại Khu công nghiệp Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, Sở VH-TT TPHCM - Trung tâm Ca nhạc nhẹ TPHCM phối hợp cùng UBND huyện Nhà Bè - TTVH huyện Nhà Bè tổ chức chương trình ca múa nhạc đặc biệt “Yêu sao cuộc sống hôm nay”… 

Dịp này, tại các tỉnh phía Bắc, đợt phim kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 cũng trình chiếu miễn phí nhiều tác phẩm: Những giờ phút cuối đời của Bác; Hồ Chí Minh - chân dung một chính khách; Vị tướng của nhân dân; Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông; Vượt qua bến Thượng Hải; Nhà tiên tri; Sinh mệnh... Đợt phim kéo dài đến hết 5-9.

Trong khi đó, tại các rạp chiếu, chứng kiến cuộc đua tranh quyết liệt giữa phim nội và phim ngoại. Theo đó, có 4 phim Việt để khán giả lựa chọn gồm: Anh thầy ngôi sao, Ngôi nhà bươm bướm, Cha ma và Thưa mẹ con đi. Trong 4 phim Việt nói trên, Anh thầy ngôi sao có nhiều lợi thế bởi phim thuộc thể loại hài, tâm lý lại không bị gắn nhãn hạn chế khán giả. Nội dung phim khá vui tươi, cùng với thông điệp về nuôi dưỡng ước mơ và tình yêu thương giữa con người với con người. Bộ phim của đạo diễn Đức Thịnh là lựa chọn dành cho cả gia đình trong dịp lễ này.

Đối thủ của phim Việt tại các rạp chiếu lần này là danh sách phim ngoại nhập đa sắc từ thể loại hoạt hình (Thám tử lừng danh Conna: Cú đấm Sapphire xanh, The Angry Birds movie, Boboiboy: Cuộc chiến ngân hà, GG Bond: Xứ sở kẹo mút); phim hành động (Nhà trắng thất thủ: Kẻ phản bội, Địa đạo cá sấu tử thần, Lối thoát trên không, Chiến dịch tàu ngầm…); phim hài, tâm lý (Chuyện ngày xưa ở… Hollywood)… 

Tin cùng chuyên mục