Đà Nẵng: Sống thấp thỏm trong chung cư xuống cấp

Sau hơn 20 năm đưa vào sử dụng, khu chung cư Thuận Phước - nơi bố trí cho các hộ dân thuộc diện giải tỏa, di dời để thi công dự án đường Nguyễn Tất Thành nay xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều hạng mục hư hỏng, tường trần bong tróc... khiến người dân sống trong cảnh thấp thỏm.
Khu chung cư Thuận Phước xuống cấp đã nhiều năm. Ảnh: XUÂN QUỲNH
Khu chung cư Thuận Phước xuống cấp đã nhiều năm. Ảnh: XUÂN QUỲNH

>>> Video ghi nhận khu 1 trong block thuộc khu chung cư Thuận Phước (Thực hiện: XUÂN QUỲNH)

Khu chung cư Thuận Phước (đường Nguyễn Đức Cảnh, phường Thuận Phước, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) gồm 8 khối nhà với mỗi khối nhà 35 căn hộ – nơi trú ngụ của hàng trăm hộ gia đình, mọi thứ trở xuống cấp và tạm bợ. Những mảng tường nứt toác, sụt lún, lan can bong tróc, mục rỉ, dây điện chằng chịt như màng nhện, hệ thống phòng cháy chữa cháy tạm bợ, không đảm bảo an toàn....

Đà Nẵng: Sống thấp thỏm trong chung cư xuống cấp ảnh 1

Tường phía sau nhà bà Hồng dù đã tốn 47 triệu đồng để xây lại nhưng đến nay tiếp tục xuống cấp. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Bà Hoàng Thị Hồng (54 tuổi), cư dân của khu chung cư Thuận Phước cho biết, bà là người ngoại tỉnh đến Đà Nẵng sinh sống. 17 năm trước, bà mua lại một căn chung cư ở đây để có chỗ trú mưa nắng. Ở được một thời gian, căn hộ xuống cấp nghiêm trọng, nước thấm chảy khắp nơi, vôi vữa rơi khắp nhà nên gia đình phải bỏ ra gần 50 triệu đồng để xây lại mảng tường. Thế nhưng, vá chỗ này thì nước chảy chỗ khác.

Đà Nẵng: Sống thấp thỏm trong chung cư xuống cấp ảnh 2

Hầu như mọi nhà, mọi tầng đều có hư hỏng. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Ở trong căn hộ vài chục mét vuông gần 20 năm qua, ông Nguyễn Ngọc Thể (57 tuổi) ngày càng lo lắng khi động chỗ nào hỏng chỗ đó. Vào mùa mưa, gia đình ông vừa lo chống thấm trên trần vừa phải chống ngập dưới sàn vì nước mưa, nước nhà vệ sinh tầng trên thấm chảy xuống. Mặc dù khó khăn nhưng gia đình ông Thể phải bỏ ra hơn 30 triệu đồng để xử lý chống thấm. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, tình trạng thấm lại tái diễn và ngày càng lan rộng ra nhiều vị trí trên trần nhà.

Càng lên các tầng cao, tình trạng thấm dột từ trần nhà còn kinh khủng hơn. Chỉ vào mảng bê tông đã bị bong để lộ những cốt sắt hoen rỉ, chị Nguyễn Thị Thanh (40 tuổi) cho biết, mỗi lần có việc ra khu vực này chị phải đội nón bảo hiểm vì sợ bê tông rơi xuống đầu. Nguy hiểm hơn, một số chỗ tường đã bị nứt toác, nước từ ngoài chảy tràn vào nhà.

Cũng theo những cư dân nơi đây, chung cư Thuận Phước đã được cảnh báo xuống cấp, phải di dời từ nhiều năm qua. Đến nay, có người đã phải khóa cửa đi nơi khác vì không chịu nổi cảnh ngập, nước bẩn tràn vào nhà. Mong muốn lớn nhất của cư dân nơi đây là sớm được di dời đến nơi ở mới để ổn định cuộc sống.

Trao đổi với PV SGGPO, ông Phùng Phú Phong, Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cho biết, khu chung cư Thuận Phước cùng chung cư Hòa Cường và chung cư Hòa Minh là 3 trong số 25 chung cư xuống cấp tại TP Đà Nẵng. 3 chung cư này quy mô 3 tầng với tổng cộng 648 căn hộ, sử dụng từ năm 2001 - 2002. Qua đánh giá an toàn kết cấu nhà ở, các chung cư này thuộc nhóm C – nhóm khả năng chịu lực của một bộ phận kết cấu không đáp ứng được điều kiện sử dụng, xuất hiện tình trạng nguy hiểm cục bộ thuộc diện phải sửa chữa. Tuy nhiên, UBND TP Đà Nẵng đã thống nhất thu hồi khu đất rộng 5.600m2 tại đường Trịnh Công Sơn (quận Hải Châu) để xây chung cư, di dời các hộ dân tại các khu chung cư xuống cấp đến tái định cư, trong đó có cư dân chung cư Thuận Phước.

Đọc nhiều nhất

Nhà vượt lũ bỏ hoang được rao bán

Hàng trăm nhà vượt lũ ở Đồng Tháp Mười bị bỏ hoang

Theo phản ánh của bạn đọc, hiện nay vùng Đồng Tháp Mười có hàng trăm căn nhà vượt lũ bị bỏ hoang, một số nền được rao bán; xuất phát từ nguyên nhân do không có đất sản xuất, người dân không có việc làm nên về lại quê nhà hoặc đến địa phương khác làm công nhân.

Từ thư bạn đọc

Mòn mỏi chờ cầu qua sông

Từ phản ánh qua Đường dây nóng Báo SGGP, đầu tháng 4, có mặt tại dự án cầu Bình Liêm xây dựng dang dở bắc qua sông Lũy nối 2 xã Phan Hòa và Phan Rí Thành, huyện Bắc Bình (tỉnh Bình Thuận), chúng tôi không khỏi lo ngại khi chứng kiến cảnh người dân liều mình lội qua sông để canh tác, sản xuất.

Ý kiến

Việc làm thiếu ý thức

Những ngày gần đây, trên các diễn đàn và trang mạng xã hội lại tiếp tục đưa ra nhiều ý kiến về việc có nên bỏ tục lì xì ngày Tết hay không, khi mà càng ngày phong tục này càng bị biến tướng, bị thương mại hóa, mất đi ý nghĩa vốn có của nó.