Đại biểu Quốc hội góp ý tổng kết Nghị quyết 54

Chiều 12-7, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM tổ chức hội nghị góp ý dự thảo báo cáo tổng kết Nghị quyết số 54/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế đặc thù phát triển TPHCM và báo cáo sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết 131/2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM.

Đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, Trưởng đoàn ĐBQH TPHCM chủ trì hội nghị. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM.

Đại biểu Quốc hội góp ý tổng kết Nghị quyết 54 ảnh 1 Đồng chí Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị. Ảnh: CAO THĂNG

TPHCM cần thẩm quyền tự quản cao hơn

Góp ý cho phần tổng kết Nghị quyết 54, ĐB Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, cần nhận định sắc nét hơn, đánh giá những kết quả nổi bật và thẳng thắn phân tích nguyên nhân, trong đó có phần do các cơ quan trung ương chưa phối hợp nhiệt tình, chậm hướng dẫn.

Khi tổng kết Nghị quyết 131 về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM, ĐB Nguyễn Thiện Nhân đề nghị nên có phụ lục về đặc thù của TPHCM. Trong phụ lục này phân tích rõ những đặc thù của TPHCM - dân số đông nhất, quy mô kinh tế lớn nhất cả nước - nhưng TPHCM cũng là một trong 5 đô thị có tỷ lệ mật độ đường giao thông đô thị trên tổng diện tích km² thuộc loại thấp nhất cả nước, tỷ lệ người dân trên đầu công chức lớn nhất cả nước. “Nếu không lưu ý đặc điểm này mà cứ áp số lượng công chức sẽ rất bất hợp lý. Phải coi đây là đặc thù, bộ máy hành chính muốn hiệu quả không thể yêu cầu công chức phục vụ gấp 3-5 lần bình thường”, ĐB Nguyễn Thiện Nhân phân tích.

Cũng theo ĐB Nguyễn Thiện Nhân, so với mục tiêu ban đầu khi tổ chức chính quyền đô thị là gần dân hơn, nhanh hơn có lẽ chưa đạt được, vì vướng một loạt vấn đề ở đằng sau, chẳng hạn như thiếu biên chế thì công việc không thể nhanh hơn được.

Trong khi đó, ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng, cái mà TPHCM cần là một cơ chế mới. Phải có Nghị quyết mới của Bộ Chính trị sửa đổi hoặc thay thế Nghị quyết 16, khi đó sẽ thuận lợi hơn cho TPHCM khi đề xuất nghị quyết thay thế Nghị quyết 54.

Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa, qua Nghị quyết 16, Trung ương giao nhiệm vụ cho TPHCM là trung tâm lớn về kinh tế, là đô thị đặc biệt. Như vậy là giao nhiệm vụ cho TPHCM, cũng là giao nhiệm vụ cho cả nước tạo điều kiện cho TPHCM đạt được điều này. Ngay cả các lãnh đạo trung ương cũng thấy có bộ ngành chưa thực sự đồng hành, sâu sát với TPHCM để thực hiện nhiệm vụ này. TPHCM cần có cách thuyết trình, để thấy cơ chế hiện hữu đang có những điểm nghẽn, mang tính bình quân. Trong điều kiện xung đột, bất ổn trên thế giới hiện nay, TPHCM và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phải là hậu phương lớn về kinh tế của cả nước. Để làm tốt vai trò đầu tàu kinh tế của mình, TPHCM cần tiếp cận theo hướng đã chuyển mình sang giai đoạn hậu công nghiệp, đi trước phần lớn các địa phương trong nước. Đó là kinh tế dịch vụ, kinh tế sáng tạo, kinh tế số với thế mạnh nhân lực chất lượng cao. Nếu TPHCM phát triển đúng hướng này mới đóng được vai trò đầu tàu của mình.

“Để làm được điều này, TPHCM phải có thẩm quyền tự quản cao hơn các địa phương khác về nhiều mặt, tương xứng với đóng góp của mình. Ở các nước phát triển cũng như vậy”, ĐB Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Một số ĐB cũng nhấn mạnh đến việc phát triển TPHCM gắn với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. TPHCM không phát huy được vai trò của mình nếu như không gắn với Vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Vùng này cũng không phát triển được đúng hướng nếu không gắn với TPHCM.

Đại biểu Quốc hội góp ý tổng kết Nghị quyết 54 ảnh 2 Đại biểu phát biểu đóng góp ý kiến. Ảnh: CAO THĂNG

Tránh “gom” kiến nghị của sở ngành

ĐB Văn Thị Bạch Tuyết bày tỏ băn khoăn, khi thực hiện Nghị quyết 54, TPHCM đã được Trung ương phân cấp, phân quyền để rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục. Nhưng với những thủ tục thuộc thẩm quyền của TPHCM thì lại thực hiện chậm. Chẳng hạn như việc thông qua 32 dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10ha trở lên, nhờ Nghị quyết 54, HĐND TPHCM quyết định nên rút ngắn được thời gian đề xuất Trung ương. Nhưng khi triển khai dự án thì lại chậm.

Trong khi đó, ĐB Phạm Khánh Phong Lan đề nghị cần chuẩn bị kỹ lưỡng khi xây dựng Nghị quyết mới, tránh việc “gom” kiến nghị của các sở ngành mà bấy lâu kiến nghị bộ ngành chưa được chấp thuận, nay nhờ TP “xin giùm”.

Góp ý thêm về vấn đề biên chế, ĐB Trần Kim Yến cho rằng số lượng biên chế không nên chỉ căn cứ vào tiêu chí dân số, bởi có những địa phương dân không đông, nhưng lượng người đến làm việc, vui chơi giải trí hàng ngày rất lớn. Như quận 1, số dân cư trú thực tế chỉ ngang bằng một xã phường dân số đông nhất TPHCM nhưng trong ngày, số người có mặt ở quận 1 là khoảng 1 triệu. Cán bộ phường Phạm Ngũ Lão, phường Bến Nghé có ngày 2-3 giờ sáng mới được về, tới 7 giờ sáng lại đã có mặt ở công sở.

Tiếp thu các ý kiến đóng góp của ĐB, đồng chí Phan Văn Mãi thông tin thêm về tiến độ tổng kết Nghị quyết 54, xây dựng Nghị quyết mới trình Quốc hội thay thế Nghị quyết 54. Cụ thể, TPHCM đang tích cực chuẩn bị để báo cáo Bộ Chính trị vào tháng 8-2022 và trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm. Tới đây, TPHCM sẽ lấy ý kiến của các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo TPHCM, các bộ ngành, chuyên gia để hoàn thiện nội dung này.

Tin cùng chuyên mục