Ngày 14-3, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT và Hiệp hội các trường ĐH-CĐ ngoài công lập tổ chức hội nghị tổng kết 20 năm phát triển các trường ĐH-CĐ ngoài công lập (NCL). Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận thừa nhận “20 năm mới có một lần” tổng kết là quá ít ỏi, trong khi lĩnh vực này chưa bao giờ hết “nóng” trong những năm qua. Vì vậy, không ngạc nhiên khi hội nghị phải làm việc suốt từ 8 giờ sáng đến tận 14 giờ chiều mà vẫn chưa hết những ý kiến “nóng” từ phía các trường.
Sinh viên NCL đang bị giảm
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, trong 20 năm qua, từ Trung tâm Đại học dân lập Thăng Long (tiền thân của Trường Đại học Thăng Long ngày nay) ra đời năm 1988, đến nay đã có 90 trường (gồm 61 trường ĐH, 29 trường CĐ), chiếm khoảng 22,2% tổng số các trường ĐH-CĐ toàn quốc. Từ số vốn đầu tư khiêm tốn của 5 trường ĐH đầu tiên, đến nay, tổng số vốn điều lệ đăng ký thành lập của các trường ĐH-CĐ NCL đã lên tới 1.555 tỷ đồng. Tuy nhiên, những năm gần đây, một số trường ĐH-CĐ NCL gặp khó khăn trong tuyển sinh, nên quy mô đào tạo có phần giảm đi. Hiện nay, số lượng sinh viên ĐH-CĐ chính quy của các cơ sở giáo dục ĐH NCL là 314.054 sinh viên, chiếm khoảng 14,4% tổng số sinh viên cả nước.
Cùng với số lượng sinh viên bị giảm đi, nhiều vấn đề xảy ra tại các trường ĐH-CĐ NCL cũng đã làm giảm sút thiện cảm của xã hội. Ngoài những khó khăn, bất cập về cơ chế chính sách để hỗ trợ phát triển hệ thống giáo dục ĐH NCL cả về thuế, đất đai, tài chính... khiến các trường gặp nhiều trở ngại, thì ngay bản thân các trường ĐH NCL cũng vấp phải những yếu kém khiến chất lượng đào tạo nhiều nơi giảm sút. Một số trường ĐH-CĐ NCL còn để xảy ra mâu thuẫn nội bộ kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và các hoạt động của nhà trường, dẫn đến nhiều trường bị dừng tuyển sinh. Hàng loạt ý kiến nóng đã được đưa ra, khiến Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ví von “ngoài trời đang lạnh mà trong này rất nóng”.
Bị đối xử thiếu công bằng?
Hầu hết các trường đều “kêu cứu” Chính phủ có cơ chế phù hợp để hỗ trợ các trường về đất đai, thuế, hỗ trợ đào tạo giảng viên, bảo đảm công bằng cho sinh viên, giảng viên trường NCL. Đại diện ĐH Phú Xuân (Thừa Thiên-Huế) cho rằng việc các địa phương tuyên bố không nhận sinh viên NCL là 2 lần “khóa” đối với trường NCL. GS Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng Trường ĐH dân lập Hải Phòng, bức xúc: “Trường tôi tự tin là có chất lượng, có uy tín, nhưng tại sao một vài năm trở lại đây sinh viên vào giảm đi? Vì học phí cao, vì một số địa phương tuyên bố không nhận sinh viên NCL. Nếu là tôi thì tôi cũng không cho con học NCL? Trong khi đó, sinh viên NCL còn bị thu thuế đủ kiểu từ tiền thức ăn, tiền gửi xe…”.
Bà Trần Kim Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường CĐ ASEAN khẳng định, chủ trương phát triển giáo dục NCL là đúng, vì nhiều nước họ cũng vậy. Nhưng phải có chính sách đúng. Cần bảo đảm sự bình đẳng giữa trường công lập và NCL.
Hầu hết các ý kiến đều ta thán những khó khăn mà trường NCL đang gặp phải, trong đó tâm tư trĩu nặng nhất của các trường là cảm thấy bị đối xử thiếu công bằng so với trường công lập. Tuy nhiên, ngay chính họ cũng tự nhận thấy còn nhiều yếu kém nội tại cần được giải quyết. Theo PGS Hồ Đắc Lộc - Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TPHCM, nếu không đáp ứng được nhu cầu của xã hội về đào tạo nguồn nhân lực thì trường đó không thể tồn tại. Không chỉ trường NCL mà ngay cả trường công, có nhiều trường tuyển sinh dễ, có trường tuyển sinh khó. Đó là phụ thuộc vào chất lượng của trường đó.
Các trường phải nỗ lực
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, sự có mặt của các trường NCL 20 năm qua đã làm cho hệ thống ĐH-CĐ công lập cũng phải đổi mới. “Ít có hội nghị tổng kết nào mà có nhiều ý kiến nóng như vậy. Chứng tỏ lĩnh vực này vẫn còn nhiều nhận thức khác nhau. Những gì khó khăn, không hợp lý thì sau hội nghị này nhất định phải điều chỉnh. Tinh thần chung là quán triệt thực hiện việc bảo đảm công bằng giữa công lập - NCL, không được có sự phân biệt. Hướng tới bình đẳng nhưng có sự ưu tiên cho những trường mới thành lập. Các trường NCL cần được ưu tiên về cơ chế đất đai, tài chính, cơ chế. Những gì thuộc về Bộ GD-ĐT thì phải làm điều chỉnh ngay, sau đó sẽ có điều chỉnh từ phía Bộ Tài chính, Bộ TN-MT. Nhất định không có sự phân biệt. Nếu chúng ta thật sự trăn trở nhất định có giải pháp đúng” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Đơn cử như vấn đề phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, có thể không tăng chỉ tiêu cho trường công, nhưng có thể giao thêm chỉ tiêu nếu các trường công hợp tác, liên kết đào tạo với các trường NCL, như vậy cũng là tạo điều kiện cho các trường NCL hoạt động. “Tôi thấy các trường NCL kêu dữ quá. Nhưng có một vấn đề là còn nhiều trường NCL tồn tại nhiều vi phạm, yếu kém. Tự thân các trường phải nỗ lực để thể hiện trách nhiệm của mình với xã hội” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thẳng thắn.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ GD-ĐT, Văn phòng Chính phủ cần rà soát lại tất cả các chính sách liên quan đến sinh viên để giải quyết những gì còn bất bình đẳng, không phân biệt công lập - NCL. Tất cả những vấn đề đã được nhận diện tại hội nghị hôm nay, sớm nhất 6 tháng, chậm nhất là 1 năm sẽ tổng kết.
"Năm nay bỏ điểm sàn, cho thấy Bộ GD-ĐT đã cầu thị thực hiện kiến nghị của các trường NCL. Nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, khi đầu vào trường NCL thấp hơn trường công lập thì quá trình đào tạo phải chất lượng, đầu ra mới được xã hội công nhận. Đã có những trường NCL tốt hơn trường công lập nhưng cũng có nhiều trường NCL chưa nhận thức được việc phải đầu tư cho chất lượng đào tạo" Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam
PHAN THẢO
Tuyển sinh ĐH-CĐ 2014: Vẫn có điểm sàn?
(SGGP). – Mặc dù tại hội nghị tổng kết 20 năm phát triển các trường ĐH-CĐ ngoài công lập, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã phát biểu “Năm nay bỏ điểm sàn...”, nhưng lúc 22 giờ ngày 14-3, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT đã gửi thông tin cho báo chí để bổ sung về thông tin tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014 là vẫn có điểm sàn.
Theo Bộ GD-ĐT, ngày 11-3, đã chính thức ban hành thông tư số 06/2014/TT-BGDĐT về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển ĐH-CĐ hệ chính quy (SGGP đã thông tin). Tuy nhiên, bộ cho rằng những nội dung đổi mới liên quan đến điểm sàn và trao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường ĐH-CĐ đã không được dư luận hiểu đúng.
Cụ thể, trước đó với cách thông tin của Bộ GD-ĐT, dư luận hiểu là năm nay bộ sẽ bỏ điểm sàn ĐH-CĐ, thay vào đó là các tiêu chí để xác định ngưỡng đầu vào. Tuy nhiên, theo giải thích mới nhất của Bộ GD-ĐT, thì bộ quyết định bỏ cách xác định điểm sàn theo kiểu cũ và đổi mới cách xác định điểm sàn cho phù hợp với thực tiễn công tác tuyển sinh của các trường ĐH-CĐ.
“Từ năm 2013 trở về trước, chỉ có một giá trị điểm sàn cho bậc ĐH và một giá trị điểm sàn cho bậc CĐ ứng với mỗi khối thi. Điểm sàn này đã góp phần thực hiện chức năng phân luồng học sinh, đảm bảo chỉ tiêu tuyển sinh và chất lượng đầu vào của các trường ĐH-CĐ. Tuy nhiên, cách xác định điểm sàn như trước đây chưa đáp ứng được tính đa dạng của các ngành đào tạo, cũng như đặc thù của các cơ sở giáo dục đại học. Do vậy, để đổi mới tuyển sinh cần có cách xác định điểm sàn mới linh hoạt, mềm dẻo hơn, phù hợp với các loại hình trường, ngành đào tạo cũng như mục tiêu đào tạo của các trường ĐH-CĐ, giúp các trường thuận lợi hơn trong tuyển sinh nhưng vẫn bảo đảm chất lượng nguồn tuyển”, Bộ GD-ĐT giải thích.
Đồng thời Bộ GD-ĐT cho biết, hiện nay bộ đã chủ động đề xuất, tham khảo ý kiến của các chuyên gia, các trường ĐH-CĐ để đưa ra dự thảo phương án cách xác định điểm sàn mới. Bộ sẽ sớm đưa dự thảo các phương án để lấy ý kiến rộng rãi của các cơ sở giáo dục đại học và xã hội làm cơ sở để bộ quyết định cách xác định điểm sàn mới phù hợp.
PHAN THẢO