Đại tá Nguyễn Hữu Cầu: Nhiều người muốn làm Phó Giám đốc Công an Hà Nội hoặc TPHCM để lên hàm tướng

Trao đổi với báo giới bên hành lang Quốc hội, đại tá công an Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, cho biết có nhiều đồng chí đã là giám đốc công an tỉnh nhưng muốn làm Phó Giám đốc Công an Hà Nội, Phó Giám đốc Công an TPHCM để được phong hàm tướng nhưng không được.

Sáng nay 7-6, theo chương trình của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an đưa ra tờ trình về dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi) và chiều nay, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về những nội dung mới của luật này.

Trước đó, trong quá trình họp xây dựng nội dung sửa đổi cho dự thảo luật, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định rằng việc ban hành Luật Công an nhân dân (sửa đổi) là cấp bách nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý để sắp xếp lại tổ chức bộ máy công an phù hợp, đồng bộ, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, làm cơ sở cho việc điều chỉnh, sắp xếp, bố trí lực lượng và từng bước thực hiện tinh giản biên chế.

Tuy nhiên hiện nay, dự thảo Luật Công an nhân dân sửa đổi vẫn còn có những nội dung, đề xuất có nhiều quan điểm, ý kiến khác nhau, đặc biệt là về vấn đề tinh giản bộ máy, bố trí lại vị trí chức danh chức vụ, phong hàm phong tướng tràn lan…

Liên quan đến dự thảo này, bên hành lang Quốc hội, báo giới có cuộc phỏng vấn đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An (ĐBQH tỉnh Nghệ An), để hiểu rõ hơn về những băn khoăn mà những người đang làm việc trong ngành công an nhân dân quan tâm:

Đại tá Nguyễn Hữu Cầu: Nhiều người muốn làm Phó Giám đốc Công an Hà Nội hoặc TPHCM để lên hàm tướng ảnh 1 Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An Nguyễn Hữu Cầu
* PHÓNG VIÊN: Ông nhìn nhận như thế nào về chủ trương ngành công an phải rút gọn lại bộ máy, tinh giản biên chế sau khi nhiều năm qua đã phình ra quá lớn?

Đại tá NGUYỄN HỮU CẦU: Là người trong ngành đã lâu, tôi thấy thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 56 của Quốc hội về tinh gọn bộ máy để hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn thì có thể nói Bộ Công an là bộ tiên phong về vấn đề tinh giản bộ máy. Anh em trong ngành thì nói đây là 1 cuộc cách mạng chưa từng có từ trước đến nay.

Bộ Công an trước đây có tới 8 tổng cục, dần dần rút xuống còn 4 tổng cục. Bây giờ bỏ cấp tổng cục và từ 126 đầu mối sẽ giảm xuống chỉ còn lại 60 đầu mối, tức là mất hơn một nửa. Trong lúc thay đổi bộ máy, giảm hết cấp trung gian và thu gọn đầu mối như vậy thì chức năng nhiệm vụ của lực lượng công an không thay đổi. Cho nên, có những cục phải đảm nhận nhiệm vụ của 4-5 cục. Có những nhiệm vụ trước đây giao cho tổng cục trưởng thì nay cục trưởng phải gánh vác.

Do có sự thay đổi về bộ máy theo hướng rút gọn, tinh giản như vậy nên việc sửa đổi Luật Công an nhân dân là tất yếu, phải làm sớm để ổn định tổ chức.

* Thưa ông, trong dự thảo Luật Công an nhân dân sửa đổi có đề xuất mới về việc sẽ phong hàm cấp tướng cho công an cấp tỉnh, là người trong ngành, ông có nhìn nhận như thế nào?

- Theo suy nghĩ của tôi thì bản chất của cấp bậc, quân hàm chính là vấn đề tiền lương. Tiền lương ở đây theo quan điểm của Nghị quyết Trung ương 7 vừa rồi được nói rất rõ là thực hiện nguyên tắc phân phối theo lao động và vị trí việc làm cho phù hợp, đúng với cống hiến. Cho nên theo nguyên tắc này thì lực lượng công an phải điều chỉnh lại tiền lương cho phù hợp.

Và tại sao phải có sự điều chỉnh cấp tướng đưa về cho công an các địa phương thì hiện nay Luật Công an nhân hiện hành đang có nhiều bất cập.

Bất cập thứ nhất mà chúng ta có thể thấy rõ đó là sự không công bằng trong vấn đề cấp hàm. Ví dụ như luật hiện hành quy định tổng cục phó chỉ có thiếu tướng, trong khi đó cục trưởng một số cục lại là trung tướng. Nếu về mặt nguyên tắc chức vụ lãnh đạo thì tổng cục phó là cấp trên của cục trưởng mà tại sao họ lại chỉ là thiếu tướng thôi, còn cục trưởng thì là trung tướng. Như vậy là không hợp lý.

Bất cập thứ hai, cũng là giám đốc nhưng Giám đốc Công an TPHCM và Giám đốc Công an Hà Nội là trung tướng còn giám đốc công an các địa phương khác lại chỉ là đại tá. Thậm chí, Phó Giám đốc Công an Hà Nội, Phó Giám đốc Công an TPHCM còn được phong thiếu tướng. Theo tôi, không thể có chuyện như thế. Đã có nhiều đại biểu là giám đốc công an tỉnh xin đi làm Phó Giám đốc Công an Hà Nội, Phó Giám đốc Công an TPHCM để được phong hàm tướng nhưng không được. Như vậy, có cả bất hợp lý về cấp dọc lẫn cấp ngang.

Thứ ba là bất hợp lý về luân chuyển cán bộ, ở cấp địa phương thì cấp hàm đại tá làm sao có thể ra bộ để làm cục trưởng. Và nếu như vậy thì theo quy định luân chuyển cán bộ về cơ sở, cấp tướng, trung tướng ở cấp cục muốn lên đến Thứ trưởng Bộ Công an thì phải qua quá trình về địa phương công tác chứ, và như vậy là ở địa phương vẫn có cấp hàm tướng.

Còn một bất hợp lý nữa là có những cục chỉ có quân số 100-200 thôi, thậm chí có cục chỉ hơn 100 quân số nhưng cục trưởng vẫn là trung tướng, trong khi đó công an các địa phương có những nơi đang quản lý đến 4.000-5.000 quân số, như Thanh Hóa hiện nay là hơn 5.500 cán bộ, chiến sĩ. Quản lý lượng quân số đông như vậy nhưng giám đốc công an tỉnh vẫn chỉ là đại tá thôi.

* Như ông nói, nếu rút bớt một nửa số đầu mối (ở đây là cấp cục) thì các tướng công an đã phong sẽ bố trí như thế nào?

- Đã có những nơi đề nghị trong quá trình sáp nhập, rút gọn lại từ 126 cục xuống còn 60 cục thì còn lại một số tướng dư ra mà chưa biết bố trí ở đâu thì phải bố trí về cho các địa phương. Có nhiều đại biểu yêu cầu phải bố trí hết, nhưng có đại biểu bảo trước mắt chỉ bố trí ở những tỉnh lớn loại 1. Và bố trị như vậy thì vẫn còn thừa tướng.

Tuy nhiên, Đảng và Nhà nước đã cho quy định rất rõ ràng về số tướng của công an và quân đội rồi. Cụ thể là công an được 205 tướng, quân đội là 415 tướng. Trên cơ sở đó, nếu không cho thêm nữa thì thôi. Và cho đến thời điểm hiện nay, khi tổ chức lại bộ máy của Bộ Công an bằng cách nhập lại chỗ này, giảm đầu mối chỗ kia thì số lượng tướng chưa chắc đã hết “chỉ tiêu” 205 người.

* Nếu bố trí tướng ở trên xuống thì có cần đề xuất phong tướng cho giám đốc công an tỉnh nữa không?

- Nếu công an tỉnh loại 1, họ quản lý một lúc 5.000-6.000 quân tại sao lại không được phong tướng? Trong lúc đó một đồng chí cục trưởng chỉ quản lý khoảng vài trăm quân thôi cũng là trung tướng rồi thì có hợp lý không nếu phân công theo lao động? Tuy nhiên, theo tôi thì phân đồng chí nào vào vị trí nào thì nên để cho Đảng ủy Công an Trung ương thực hiện vì họ hiểu và nắm được vị trí nào cần người nào và tự giải quyết nội bộ với nhau.

* Như ông đã nói, bản chất của quân hàm là vấn đề tiền lương, và theo chủ trương mới của Hội nghị Trung ương 7 về vấn đề tiền lương thì sẽ xây dựng lại bảng lương theo hướng trả theo chức vụ và vị trí công việc được giao. Vậy có nên và có cách nào để tách quân hàm khỏi tiền lương?

- Quân hàm và tiền lương thì không thể tách nhau được. Ví dụ như tôi là đại tá đã 11 năm, chưa tính đến huân huy chương, thì lẽ ra phải lên tướng lâu rồi, nhưng hiện tôi đang ăn lương đại tá lần 1, sau đó lại lên vượt khung tức là ăn lương thiếu tướng, cho đến hết trần, nhưng không được nâng. Lẽ ra tôi còn phải tiếp tục được lên lương rồi, nhưng nếu lên lương thì tôi còn lên nữa. Nếu tôi có vị trí thì giờ không phải là đại tá mà là lên tướng rồi. Nhưng mà, đến trần đó là hết lương thì cũng phải chấp nhận thôi. Cũng có người bảo anh không thích nữa thì anh ra bộ, nhưng đâu có dễ, nhiều lúc xin đi nhưng đâu có được.

Trước đó, ngày 3-4, Bộ Công an đã thông tin chính thức về Đề án "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".

Theo đó, quán triệt thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Nghị quyết số 19-NQ/TW về “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”, Bộ Công an đã chủ động xây dựng Đề án “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Đảng ủy Công an Trung ương đã báo cáo và được Bộ Chính trị đồng ý thông qua Đề án và ban hành Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Điểm nổi bật trong nội dung Nghị quyết trên là: Về chức năng, nhiệm vụ không thay đổi.

Xây dựng tổ chức bộ máy Bộ Công an tập trung, thống nhất, chuyên sâu, tinh gọn đầu mối, hoạt động hiệu lực, hiệu quả tăng cường cho cơ sở theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”.

Không tổ chức cấp trung gian; sắp xếp, thu gọn các đơn vị sự nghiệp công lập, giáo dục, báo chí, y tế trong Công an nhân dân.

Tổ chức lại Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gắn với Công an tỉnh, thành phố để bảo đảm gắn kết, phát huy tối đa nguồn lực trong thực thi nhiệm vụ.

Xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy. Trước mắt, bố trí Công an xã chính quy tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự, tiến tới thực hiện thống nhất trong toàn quốc khi hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan.

Hiện nay, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đang khẩn trương, có lộ trình hoàn thiện các phần việc được giao; hoàn thiện và thực hiện Đề án trên, thực hiện tốt chức năng được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy giao cho là bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, vì cuộc sống bình yên của nhân dân.

Tin cùng chuyên mục