Phần Lan, một trong những điểm sáng giáo dục hàng đầu trên thế giới, đang thực hiện một cuộc “đại tu” triệt để nhất trong ngành giáo dục. Tham vọng của nước này là làm sao đến năm 2020, ngành giáo dục sẽ rút lui khỏi chương trình giảng dạy các môn học mang tính phát triển cá nhân như toán học, hóa học, vật lý… và thay vào đó, sẽ dạy học sinh những chủ đề hoặc những hiện tượng hiện tại có phạm vi rộng lớn hơn.
Có nghĩa là, thay vì sau 1 giờ học môn địa lý là 1 giờ học môn lịch sử, học sinh Phần Lan giờ đây sẽ có 2 giờ học về Liên minh châu Âu (EU), trong đó có học về ngôn ngữ, kinh tế, lịch sử và địa lý của EU. Hoặc, học sinh có thể tham gia một khóa học hướng nghiệp như học các dịch vụ phục vụ ngành ăn uống, trong đó liên quan đến các phép tính toán (để tính tiền), ngôn ngữ (để phục vụ khách nước ngoài) và các kỹ năng giao tiếp… Học sinh vẫn sẽ được học tất cả những lý thuyết khoa học quan trọng, nhưng thêm vào đó, các em sẽ được tìm hiểu chúng theo cách được ứng dụng thực tiễn hơn trong cuộc sống.
Thay vì ngồi trong lớp, thụ động nghe giáo viên giảng bài và chờ để được hỏi, thì phương pháp mới khuyến khích học sinh làm việc theo những nhóm nhỏ để giải quyết vấn đề một cách tương tác và cũng để cải thiện kỹ năng tư duy sáng tạo, kỹ năng giao tiếp…
Thật ra, các môn học mang tính cá nhân đã được loại khỏi chương trình của học sinh phổ thông (16 tuổi) ở thủ đô Helsinki cách đây 2 năm và 70% giáo viên trung học của thành phố này đang được đào tạo để triển khai chương trình cải cách giáo dục mới trên toàn Phần Lan vào năm 2020, mà kế hoạch chi tiết dự kiến công bố vào cuối tháng này.
Dĩ nhiên, tham vọng này không thể tránh khỏi làn sóng phản đối dữ dội từ đội ngũ giáo viên, những người đã dành toàn bộ sự nghiệp của họ vào những môn học chuyên môn nhất định. Nhưng theo báo Independent, kế hoạch mới cũng gợi ý rằng các giáo viên từ những nền tảng khác nhau làm việc cùng nhau để đưa ra được giáo trình mới, sẽ nhận được một khoản đền bù xứng đáng.
Phần Lan có hệ thống giáo dục vào hàng tốt nhất thế giới. Học sinh phổ thông Phần Lan luôn vượt lên 57 các quốc gia công nghiệp phát triển để đứng đầu trong cuộc điều tra giáo dục của PISA (Chương trình đánh giá học sinh quốc tế do các quốc gia công nghiệp phát triển (OECD) và một số quốc gia khác tiến hành ba năm một lần). Khi các đoàn chuyên gia giáo dục từ khắp nơi trên thế giới đến Phần Lan tìm hiểu kinh nghiệm dạy và học của nước này thì họ mới phát hiện rằng người Phần Lan không hề đặt nặng các kỳ sát hạch học sinh. Điều khiến cho giáo dục Phần Lan đạt kỳ tích khiến thế giới ngưỡng mộ là đã trang bị kiến thức sao cho học sinh có thể hội nhập đầy đủ vào xã hội cả trong lẫn ngoài nhà trường.
Và, với chương trình cải cách giáo dục cấp tiến này, tuy chỉ mới bắt đầu, nhưng Phần Lan một lần nữa gây ấn tượng trước thế giới là dám mạnh dạn bỏ đi những môn học truyền thống để ủng hộ giảng dạy theo những chủ đề hiện đại. Nói như Bộ trưởng giáo dục Phần Lan Sari Sarkomaa: “Trong thế giới toàn cầu hóa kinh tế này, giáo dục là chìa khóa để Phần Lan giữ được lợi thế cạnh tranh. Phần Lan sẽ tiếp tục chú trọng lợi thế này”.
HẠNH CHI