Nhằm giúp người dân ổn định cuộc sống trong thời buổi lạm phát, giá hàng hóa tăng cao, rất nhiều quốc gia trên thế giới hiện đã có các biện pháp đảm bảo an sinh xã hội.
Tăng ngưỡng chịu thuế thu nhập
Theo THX, Chính phủ Trung Quốc đã thông qua đề cương tăng ngưỡng thu nhập phải chịu thuế thu nhập cá nhân của người dân nước này. Kế hoạch sẽ được trình lên Quốc hội thông qua. Hiện ngưỡng thu nhập cá nhân phải đóng thuế thu nhập ở Trung Quốc là 2.000 NDT (khoảng 300 USD) /tháng. Một số chuyên gia kinh tế Trung Quốc cho rằng ngưỡng mới nên ở mức 3.000 NDT (450 USD). Hiện sinh viên mới ra trường, lao động nhập cư, thậm chí một số viên chức ở Trung Quốc có mức thu nhập trên dưới 3.000 NDT. Đây là lần điều chỉnh ngưỡng thu nhập phải chịu thuế đầu tiên ở Trung Quốc kể từ khi khủng hoảng kinh tế - tài chính xảy ra vào năm 2008. Việc này có ý nghĩa rất quan trọng đối với các đối tượng là người lao động nghèo và giới trung lưu ở Trung Quốc trong bối cảnh lạm phát gia tăng, đe dọa cuộc sống của người dân. Việc điều chỉnh sẽ giảm bớt phần nào áp lực cho họ và có thể thúc đẩy mức tiêu thụ nội địa.
Trong khi đó, TP Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) ngày 3-3 cũng đã tăng mức lương tối thiểu lên 1.300 NDT (khoảng 198 USD). Lương tối thiểu lần này được điều chỉnh lên đến 18,2% trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Trung Quốc tăng 4,9% vào tháng 1-2011. Một loạt các TP khác tại Quảng Đông như Phúc Sơn, Chu Hải, Trung Sơn và Đông Quan cũng tăng mức lương tối thiểu lên 1.100 NDT.
Cắt giảm thuế
Mỹ đang thực hiện chính sách cắt giảm thuế thu nhập cho người dân. Theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ, bắt đầu từ tháng 1-2011, thuế thu nhập đánh vào người dân Mỹ giảm xuống 4,2% so với 6,2 % trước đó. Mục đích của việc cắt giảm thuế lần này là để người dân Mỹ có “thêm tiền trong ví”, thoải mái hơn trong chi tiêu và kích thích sự hồi phục nền kinh tế. Tuy nhiên, việc tăng thu nhập này không tỷ lệ thuận với tiêu dùng cá nhân. Tỷ lệ tiêu dùng cá nhân trong tháng 1-2011 của Mỹ giảm 0,1% sau khi tăng 0,2% vào tháng 12-2010, thời điểm chưa điều chỉnh thuế thu nhập cá nhân. Nhà kinh tế học người Mỹ Chris G. Christopher Jr. cho biết, người dân phải chi một khoản lớn cho xăng và lương thực khiến họ phải tiết kiệm hơn các khoản chi không cần thiết. Đó chính là nguyên nhân vì sao chi dùng cá nhân không tăng dù họ có nhiều tiền hơn.
Trong khi đó, Chính phủ Ấn Độ đã tăng ngân sách cho ngành y tế trong niên khóa 2011-2012 lên 20% (chiếm 0,29% GDP) để đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe cho người dân. Dù vậy, Hội đồng Bác sĩ liên bang Ấn Độ vẫn kiến nghị chính phủ nên tăng ngân sách lên mức 2% GDP.
Trợ giá và trợ cấp
Hiện nay, xu hướng hỗ trợ người dân đảm bảo cuộc sống dễ thấy nhất là chính phủ trợ giá cho người dân. Đầu tuần qua, Ấn Độ đã mở rộng chương trình trợ giá dành cho các mặt hàng dầu diesel, dầu ăn vốn kéo dài trong nhiều năm qua. Sắp tới, chính phủ nước này có thể thực hiện thêm trợ giá lương thực - thực phẩm. Chính quyền Hồng Công (Trung Quốc) tuyên bố sẽ hoãn thu tiền thuê nhà ở công cộng trong 2 tháng, trợ cấp hóa đơn tiền điện và trợ cấp tiền mặt với số tiền 6.000 đô la Hồng Công (khoảng 770 USD) cho mỗi tài khoản lương hưu. Tại Singapore, chính phủ cũng đang thực hiện các chính sách hoàn thuế, trợ cấp tiền mặt cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như các chế độ phúc lợi khác sau khi lạm phát chạm mức 5,5% trong tháng 1.
Nhiều quốc gia ở khu vực Trung Đông cũng thực hiện cách làm tương tự. Jordan đã tăng trợ giá xăng dầu. Algeria áp dụng các biện pháp kiểm soát giá thực phẩm, trong khi Morocco cam kết giữ giá thực phẩm ở mức phù hợp. Trợ giá và trợ cấp giúp các chính phủ tránh được những quyết định khó khăn như tăng lãi suất, vốn bị xem là sẽ làm giảm sản xuất, dẫn đến giảm tốc tăng trưởng. Tuy nhiên, trong dài hạn, chính sách trên có thể đẩy giá cả lên cao hơn, vì khuyến khích người tiêu dùng chi tiêu.
Đỗ Văn - Như Quỳnh